Năm học 2013-2014, ngành GD-ĐT huyện Đạ Tẻh đã áp dụng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó đặc biệt chú trọng biện pháp gắn việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị với Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", nên đã mang lại kết quả rất khả quan.
Ông Trần Văn Ký - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) huyện Đạ Tẻh cho biết: Nâng cao chất lượng dạy và học là một yêu cầu bức thiết đối với ngành GD-ĐT và là mong muốn của phụ huynh học sinh, cũng như toàn xã hội. Vì vậy, như các năm học trước, năm học 2013-2014, ngành GD-ĐT huyện Đạ Tẻh đã áp dụng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó đặc biệt chú trọng biện pháp gắn việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nên đã mang lại kết quả rất khả quan.
|
Một tiết học nghiêm túc, chất lượng cao tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Lâm Đồng |
Chuẩn bị cho năm học 2013-2014, Phòng GD-ĐT huyện Đạ Tẻh đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương cơ sở quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp để đảm bảo đủ chỗ ngồi, phương tiện, dụng cụ giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với đó, Phòng GD-ĐT cũng đã tham mưu UBND huyện ban hành chỉ thị “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” và chỉ đạo, hướng dẫn các trường phối hợp với các ngành liên quan triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Phòng chỉ đạo các trường học làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và đăng ký thực hiện; CBGV đăng ký thi đua theo các nội dung của chỉ thị và của cuộc vận động. Trong đó chú trọng vào các tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề, gắn bó thương yêu học sinh, không ngừng tự học, tự rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, sư phạm… Ngoài việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của ngành cấp trên, Phòng GD-ĐT huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc vận động con em đến lớp đúng độ tuổi, chống bỏ học giữa chừng và áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy và học. Đó là: Chỉ đạo các trường học triển khai các hoạt động thao giảng, thính giảng, dự giờ, tổ chức kiểm tra chéo giữa các lớp, các khối, các trường và thường xuyên tổ chức các hoạt động khảo thí, kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thảo, tập huấn và tạo điều kiện thuận lợi để CBGV tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Mặt khác, thường xuyên phát động các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”; “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, gương mẫu trong công tác, trong đạo đức lối sống, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Điều đáng nói là: sau các đợt phát động thi đua, Phòng GD-ĐT huyện đều tổ chức sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc, nên đã tạo được sự lan tỏa của phong trào, cũng như sự tích cực hưởng ứng, noi theo của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.
Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của ngành GD-ĐT huyện Đạ Tẻh trong năm học 2013-2014 đã được nâng lên một bước so với những năm học trước. Hiện nay, toàn huyện đã có 11/11 xã được công nhận đạt mục tiêu Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và Đạ Tẻh được công nhận huyện đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non. Đối với bậc tiểu học: Toàn huyện có 1.665 học sinh lớp 1 đến lớp 5/3.844 học sinh đạt loại giỏi về tiếng Việt (chiếm tỷ lệ 43,5%), 1.592 học sinh đạt loại khá (chiếm 41,6%); 1.913 học sinh đạt loại giỏi về toán (chiếm 50%), 1.322 học sinh đạt loại khá (34,6%); không có học sinh yếu tiếng Việt và chỉ có 35 học sinh yếu về toán, chiếm tỷ lệ 0,9%. Đối với bậc học sinh THCS: Toàn huyện có 421 học sinh đạt học lực loại giỏi, chiếm tỷ lệ 17,3%; 766 học sinh đạt học lực loại khá, chiếm tỷ lệ 31,5% và chỉ có 221 học sinh đạt học lực loại yếu, chiếm tỷ lệ 9,1% và 5 học sinh đạt học lực loại kém, chiếm tỷ lệ 0,2%. Đối với bậc THPT, tuy thuộc Sở GD-ĐT quản lý, nhưng qua theo dõi, cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh đạt học lực loại giỏi, loại khá tăng cao so với năm học 2012-2013 và học sinh đạt học lực loại yếu đã giảm mạnh so với các năm học về trước. Đi cùng với chất lượng dạy và học được nâng cao, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm loại tốt, loại khá cũng được tăng cao, trong lúc học sinh có hạnh kiểm loại yếu giảm mạnh. Trong bậc THCS có 1.480 học sinh đạt loại tốt, chiếm tỷ lệ 60,8%, 813 học sinh đạt loại khá, chiếm tỷ lệ 33,4%, trong lúc chỉ có 2 học sinh có hạnh kiểm yếu, chiếm tỷ lệ 0,1%.
Đạt được những thành tích đáng ghi nhận nói trên, trước hết phải nói đến sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục. Nhưng cũng không thể không nói đến sự nỗ lực vượt khó của ngành Giáo dục Đạ Tẻh trong công tác chỉ đạo, điều hành; trong tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và toàn xã hội; trong nêu cao tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, học sinh của mỗi một thầy giáo, cô giáo nơi vùng đất xa xôi, còn nhiều khó khăn như Đạ Tẻh.
Hoàng Vương Mỹ