Ngày giỗ

02:07, 31/07/2014

(LĐ online) - Ngày giỗ các anh, các chị năm nào cũng đông, những người thân, bạn bè cùng thôn, cùng xóm, những người đồng đội một thời gắn bó sắt son và những anh em đồng chí ở Đà Lạt, Đơn Dương cũng nhớ về để thắp nén hương trước mâm cơm cúng các anh, các chị. 

(LĐ online) - Ngày giỗ các anh, các chị năm nào cũng đông, những người thân, bạn bè cùng thôn, cùng xóm, những người đồng đội một thời gắn bó sắt son và những anh em đồng chí ở Đà Lạt, Đơn Dương cũng nhớ về để thắp nén hương trước mâm cơm cúng các anh, các chị. 
 
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại về. Cứ ngày 26/7 những người con của Xuân Sơn (xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt) còn sống cùng gia đình các con, cháu các liệt sĩ tổ chức ngày giỗ cho bạn bè, cho cha chú, cho anh chị em, cho đồng đội, đồng chí đã mất trong kháng chiến chống Mỹ. Tính đến nay đã tổ chức được mười ngày giỗ. 
 
Nói về thôn Xuân Sơn, một thời máu và lửa, tôi còn nhớ những ngày mùa xuân năm Mậu Thân, nơi đây đã đưa lên vùng tranh chấp mạnh (là bước đầu của vùng giải phóng). Nói như vậy để thấy phong trào cách mạng ở xã Xuân Trường (xã Anh hùng) nói chung và thôn Xuân Sơn nói riêng, những năm tháng ấy cao trào cách mạng lên cao, hừng hực khí thế giải phóng. Tôi đã theo bước chân anh bộ đội vào Xuân Sơn khi trời chưa tắt nắng (thường thì đi vào ban đêm). Tôi đã gặp gỡ những bà con đi làm rau, đi làm hoa trên đường về, trong không khí những ngày xuân tưởng chừng như ngày giải phóng đã đến nơi. 
 
Sau Tết Mậu Thân, địch tăng cường đàn áp bắt bớ, cơ sở tan tác, lớp đi tù, lớp thoát ly ra rừng và có những cơ sở phải chạy dạt đi ở xứ khác. Xuân Sơn - Trường Xuân, Đất Làng địch đưa lính bảo an, dân vệ, bình định nông thôn xuống "chăm sóc", tróc nã tận gốc cơ sở cách mạng. 
 
Ngày ấy ở Xuân Sơn có khoảng trên 100 hộ dân mà hơn 90% các gia đình nếu không là cơ sở hoạt động tại chỗ thì cũng là gia đình có con em thoát ly ra rừng tham gia bộ đội chiến đấu, đội công tác chính trị vũ trang, dân công tải đạn, có người là cán bộ hậu cần, kinh tài .v.v... 
 
Xuân Sơn ngày nay có 8 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng 5 Mẹ đã qua đời. Toàn thôn có tổng số 220 hộ, trong đó có 80 hộ là gia đình thuộc diện chính sách, đã được hưởng chế độ chính sách, không có gia đình khó khăn, thôn đã xây dựng được 20 nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ. Trên con đường chính vào thôn, những ngôi nhà mái ngói xây đan xen trông rất bắt mắt, họa hoằn lắm còn sót lại một vài hộ nhà ván lợp tôn. Càng vào sâu bên trong mới thấy hết sự vươn lên đổi mới ở một vùng nông thôn lẩn khuất trong rừng thông. Đường thôn ngày nay được bê tông hóa, xe vào đến tận nhà, không còn cảnh sình lầy như trước kia. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoa, chị là con liệt sĩ, cô của chị là đồng đội của tôi (hy sinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ), hiện nay chị là Bí thư Chi bộ thôn. Chị cho biết: " Xuân Sơn có được như ngày nay, là nhờ sự nỗ lực của các cán bộ cốt cán trong thời chống Mỹ còn sống ở địa phương xây dựng nên, mặt khác nơi đây bà con nhân dân đoàn kết phát huy truyền thống trong những năm kháng chiến, cùng vượt qua những thử thách cam go của thời bao cấp, cùng chung tay với các đoàn thể chính trị góp phần giữ vững an ninh, trật tự thôn xóm, đưa Xuân Sơn ngày càng đi lên. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có nhà đã nhường đất để mở đường, mọi người đều góp công, góp của. Trong đó có gia đình anh Nguyễn Văn Nhường đóng góp 12.500.000 đồng, trên chỉ tiêu cho mỗi hộ góp 7.500.000 đồng. Con em ở thôn Xuân Sơn đều đến trường đi học, toàn thôn có 15 em tốt nghiệp cao đẳng và đại học, trong đó có em Lê Thị Minh Loan (con của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nhứt) là Thạc sĩ ngoại ngữ". 
 
Tổ chức ngày giỗ lần thứ 10 vừa qua, công đầu và cũng là chỗ dựa tinh thần của bà con chính là anh Trần Văn Nhĩ. Anh Trần Văn Nhĩ chính là chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương, những năm chiến đấu ở chiến trường tôi thường gặp anh. Sau ngày giải phóng anh là Bí thư xã Xuân Trường, hiện nay anh đã nghỉ hưu, anh cho biết: "Tuy mình đã nghỉ hưu, nhưng với bản chất một người lính, còn sống ngày nào là lương tâm mình càng ray rứt, phải làm việc gì đó để không thẹn với lương tâm, với bao đồng đội mình đã ngã xuống trên mảnh đất này. Cùng với lớp trẻ nguyện đem hết sức mình xây dựng quê hương đất nước. Mình đã ra sức cùng chính quyền và bà con trong thôn xây dựng nên nhà truyền thống. Trong đó lập bàn thờ 37 liệt sĩ của thôn và sưu tập thêm danh sách 45 liệt sĩ nơi khác đã ngã xuống trên mảnh đất này. Ngoài ra còn liệt kê những gia đình cơ sở, những cá nhân bị địch bắt tù đày. Để đời đời con cháu mai sau hiểu biết về lịch sử Xuân Sơn đầy máu và nước mắt mới có ngày hôm nay. Năm nay, tổ chức ngày giỗ lần thứ 10 có nhiều đổi mới. Tôi đã mời ban nhạc cổ khi tế lễ, đọc văn tế các liệt sĩ trước khi cúng cơm". 
 
Con đường thôn trải dài hơn 1km, hai bên đường hoa cúc trắng nở rộ. Những hàng cây Mai anh đào đã vút lên cao, công lớn thuộc về Đoàn Thanh niên thôn. Gặp anh Lê Văn Chính (con em gia đình liệt sĩ) là Bí thư Đoàn thôn, anh cho biết: "Nhân ngày giỗ lần thứ 10, chúng cháu tiếp bước truyền thống thế hệ cha anh ở thôn, quyết tâm ra sức xây dựng nông thôn mới ngày càng thêm giàu đẹp. Chấp hành và tham gia đầy đủ nghĩa vụ của nhà nước đề ra. Hàng tuần thường tổ chức những ngày Chủ nhật xanh để làm đẹp thêm cảnh quan và làm sạch môi trường. Thực hiện nếp sống văn minh trong từng nhà, từng ngõ xóm và đều không quên là phải học tập tốt để mai sau làm người công dân có ích cho đời".
 
Chuyện ngày giỗ lần thứ 10 đã qua, để lại cho đời những khuôn mặt rạng ngời niềm tin hôm nay và ngày mai.
 
VÕ TRẦN PHÚ