Không ít những người lao động tự do từ tỉnh ngoài vào làm việc tại Lạc Lâm, Đơn Dương đã tìm thấy chỗ gửi con khá an tâm trong hè.
Không ít những người lao động tự do từ tỉnh ngoài vào làm việc tại Lạc Lâm, Đơn Dương đã tìm thấy chỗ gửi con khá an tâm trong hè.
|
Trường Mầm non Thiên An (Lạc Lâm, Đơn Dương) |
Chờ trường mở cửa
“Gần cả tháng nay vợ chồng tôi chờ trường mầm non mở lớp học hè này gửi cháu để còn đi làm” - chị Nguyễn Thị Bình, một phụ huynh mừng vui nói với chúng tôi ở cổng trường khi vừa hoàn tất thủ tục gửi đứa con gái 3 tuổi vào học lớp hè tại Trường Mầm non Thiên An, Lạc Lâm - Đơn Dương.
Cũng như bao người lao động phổ thông từ khắp nơi trong nước đổ về Lâm Đồng tìm việc, chị Bình 33 tuổi, cùng chồng từ quê Nghệ An vào Đơn Dương làm thuê đến nay đã trên 5 năm. Công việc của chị là làm công nhật tại các vườn rau trong vùng, từ nhổ cỏ, trồng cây, tưới nước, thu hoạch rau quả… Siêng làm nên chị bảo “không lo thiếu việc”. Còn chồng chị làm tại các vựa rau, bốc xếp hàng lên xe… Tiền công 2 vợ chồng làm cũng đủ sống, có tích lũy để nuôi con vì nơi đây chẳng tiêu gì nhiều. Vợ chồng chị cùng cô con gái nhỏ đang thuê một phòng nhỏ trong dãy phòng trọ tại xã Lạc Lâm. Đây là đứa con thứ hai của anh chị. “Cháu đầu đang ở quê Nghệ An cùng ông bà nội, đã học lớp 4, còn cháu này sinh ở đây, hồi nhỏ đến giờ cùng ở với chúng tôi, gửi đi học ở đây” - chị Bình cho biết.
Đơn Dương khi chuyển đổi cây trồng từ vùng trồng lúa sang trồng rau, đặc biệt là khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao những năm gần đây nên rất cần lao động. Nguồn lao động địa phương không cung ứng đủ, địa phương này cùng với Đà Lạt thành một điểm đến của những người lao động nông nghiệp tự do. Nhiều nhất trong đó là người lao động các tỉnh phía bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định… Một ước tính chỉ riêng vùng Lạc Lâm này cũng có cả nghìn lao động tự do như thế đang làm việc tạm trú tại đây. Nơi đây cho đến nay sau rất nhiều năm vẫn còn tồn tại một “chợ lao động”, sáng sớm chỉ cần chạy xe máy dọc theo đường quốc lộ qua xã, dài xuống gần Dran có thể thấy chợ này hoạt động dù bây giờ đã thưa hơn trước nhiều. Đơn giản là vì bây giờ có điện thoai, mọi người có thể liên lạc nhau để tìm người làm. Như vợ chồng chị Bình chẳng hạn, làm đây đã lâu quen biết rất nhiều nhà vườn, hằng ngày chỉ cần một cú điện thoại gọi đến là đi làm, không cần phải ra chợ lao động.
Cùng dãy nhà trọ với chị Bình không ít những cặp vợ chồng có con nhỏ cũng đang cần chỗ gửi con đi học hè như vậy. Đầu hè vừa rồi, vợ chồng chị đưa con về thăm quê nội, ngoại thăm con ngoài quê nhưng “quen với khí hậu trong này rồi, ngoài đó nóng lắm” chị cười. Chị bảo vợ chồng chị đã mua được một mảnh đất nhỏ ở tận vùng sâu xã Ka Đơn, đang tính chuyện làm nhà trong đó và lập nghiệp ở Lâm Đồng luôn, “đất lành chim đậu”, đưa cả con trai lớn vào đây cùng mình. “Mới mẫu giáo bắt con nhỏ đi học hè cũng tội nhưng phải vậy thôi. Với lại trường ở đây rất tốt” - chị nói.
Những lớp học hè
“Cứ đến đầu tháng 7 hằng năm chúng tôi lại mở cửa các lớp hè” - cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Mầm non Thiên An cho biết.
Nằm trên địa bàn xã Lạc Lâm, Mầm non Thiên An tuy mới thành lập gần đây nhưng là một ngôi trường có chất lượng dạy và học hàng đầu của Giáo dục Đơn Dương. Tiền thân của ngôi trường này là nhóm trẻ ở Lạc Lâm. Năm 2010, Giáo xứ Lạc Lâm, đơn vị chủ quản của cơ sở đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để xây dựng thành một ngôi trường tư thục khang trang như hiện nay.
Nằm trong vùng nông thôn nhưng cơ sở vật chất của Mầm non Thiên An hoàn toàn chẳng thua kém một ngôi trường ở thành phố lớn. Cũng lớp học rộng rãi, thiết kế khá bắt mắt, phù hợp cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, cũng phòng vệ sinh khép kín, đầy đủ trang thiết bị cho các cháu học tập, sinh hoạt, có một nhà bếp hiện đại, cực kỳ vệ sinh. Năm học 2013 - 2014 vừa qua, Mẫu giáo Thiên An có 9 lớp học với trên 350 cháu, trong đó có 7 lớp mẫu giáo, 2 lớp còn lại là mầm non từ 1 đến 3 tuổi. Làm việc tại đây có 28 cán bộ giáo viên trong đó có 18 giáo viên được trường hợp đồng từ bên ngoài vào giảng dạy, hầu hết đều đạt chuẩn đào tạo.
Vì nằm trong vùng nông thôn nên học sinh chủ yếu của trường là con em những người nông dân trong vùng. Trong số này, mỗi năm theo cô Ngọc, có từ 60 đến 80 cháu là con của những người lao động tự do, hầu hết ở các tỉnh phía bắc đang tạm trú trong vùng đưa con đến đăng ký học tại đây.
Để tạo điều kiện cho những người nông dân trong vùng dù khó khăn cũng đưa con đến trường được nên học phí của Mầm non Thiên An khá mềm, mỗi tháng chỉ 600 nghìn đồng cho mỗi học sinh, cả tiền học, ăn uống. Cùng đó cũng vì có nhiều học sinh là con của người lao động tự do nên theo cô giáo Ngọc, nhà trường trong nhiều năm nay luôn tìm cách hỗ trợ họ tích cực: “Rất nhiều phụ huynh là công nhân ở các nhà máy trong vùng hay là công nhật phải thường xuyên đi làm sớm, về trễ, cuộc sống khó khăn nên trường tạo điều kiện cho họ bằng cách cho đón các cháu sớm, mới sáng 6 giờ chúng tôi đã mở cổng đón cháu, buổi chiều cho phép đón muộn. Các cô giáo trong trường cứ trông cháu cho đến khi phụ huynh cuối cùng đón cháu về mới đóng cổng”.
Theo đề nghị của các bậc phụ huynh, trường nhiều năm đã mở các lớp hè để vừa dạy các cháu học, vừa trông cháu để phụ huynh đi làm. Các lớp hè của trường năm nào mở ra cũng rất đông học sinh.
GIA KHÁNH