Vẫn còn thiếu phòng học cho trẻ vùng sâu

08:07, 28/07/2014

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn về sở vật chất, tình trạng lớp tạm, lớp mượn vẫn đang còn tồn tại, những điều này đang làm chậm lại quá trình cán đích đúng thời hạn.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn về sở vật chất, tình trạng lớp tạm, lớp mượn vẫn đang còn tồn tại, những điều này đang làm chậm lại quá trình cán đích đúng thời hạn.
 
Trường Mầm non Phước Cát I, huyện Cát Tiên vẫn đang phải mượn 3 nhà văn hóa thôn phục vụ việc học cho các cháu 5 tuổi
Trường Mầm non Phước Cát I, huyện Cát Tiên vẫn đang phải mượn 3 nhà văn hóa thôn
phục vụ việc học cho các cháu 5 tuổi

Vẫn còn tình trạng lớp tạm, lớp mượn
 
Toàn tỉnh hiện có 219 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 170 trường công lập, 49 trường tư thục, dân lập; đã huy động được 24.241 trẻ em 5 tuổi đến trường, đạt tỷ lệ 99,8%. 
 
Tuy nhiên, từ chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non tại một số địa phương trong tỉnh, cũng như qua khảo sát của ngành Giáo dục, thì hiện nay tình trạng thiếu phòng học, phòng học không đủ chuẩn, lớp tạm, lớp mượn, tình trạng học ghép vẫn còn. 
Trao đổi với đoàn giám sát của Quốc hội, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Cát 1, huyện Cát Tiên cho biết: Hiện toàn trường có 6 điểm trường thì có tới 3 điểm trường phải mượn nhà văn hóa thôn để cho các cháu học, phải mượn nhà dân để làm bếp ăn đảm bảo bán trú, 50% các cháu 4 tuổi phải học ghép với 5 tuổi. Nếu để đảm bảo đủ tiêu chuẩn 2 buổi/ngày theo quy định, thì trường hiện đang rất thiếu giáo viên, do chưa có biên chế… 
 
Theo đánh giá của ngành, hiện nay toàn tỉnh còn 51 phòng học tạm, 79 phòng học mượn cho trẻ 5 tuổi ra lớp. Một số phòng học trước đây xây dựng chưa theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn 218 phòng học chưa đủ diện tích, chưa có bếp ăn, chưa có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo đúng quy cách, chưa có đủ các phòng chức năng. Còn thiếu 121 sân chơi phục vụ trẻ em mầm non. 
 
Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mới thành lập, các trường chưa có cơ sở vật chất tiến độ thi công còn chậm, điển hình như tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đà Lạt, Đức Trọng… Việc xây dựng trường chuẩn cho huyện nghèo Đam Rông còn thiếu phòng học đúng quy cách.
 
Công tác điều tra phổ cập gặp khó khăn
 
Tình trạng học sinh 5 tuổi bỏ học vì phải theo ba mẹ đi làm thuê, hái điều, hái cà phê vẫn còn xảy ra ở Phước Cát 1, hoặc ở thôn 4, xã Phước Cát 2 vì đường quá xa. Tại Trường Mầm non Đạ Nghịch, phụ huynh trực tiếp đến xin giáo viên cho con nghỉ 2 tháng để đi hái cà phê. Toàn tỉnh ước còn thiếu khoảng 198 giáo viên mẫu giáo 5 tuổi để đáp ứng cho tiêu chí học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân chủ yếu do không có nguồn và chưa được phân bổ biên chế.
 
Thực tế nhiều năm gần đây cho thấy, giáo viên mầm non phải kiêm nhiệm đi khảo sát, điều tra số liệu phổ cập trẻ 5 tuổi đến trường tại địa phương và kể cả trẻ đi học ở nơi khác, nhưng không có kinh phí, hoặc kinh phí rất ít, không đủ xăng xe, in ấn tài liệu. Cô Lê Lệ Quyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ Nghịch, thành phố Bảo Lộc kiến nghị: công tác phổ cập mất nhiều thời gian và công sức của cán bộ, giáo viên, trong khi giáo viên mầm non phải làm việc 10 tiếng/ngày. Vì thế, hầu hết chị em phải đi điều tra phổ cập vào buổi tối, đến nhà dân chủ yếu là đồng bào DTTS thường đi làm cả ngày, nên buổi tối người dân mệt, không tiếp, không cung cấp số liệu. Việc khai tên học sinh dân tộc không trùng khớp với tên trong khai sinh, hoặc chứng minh nhân dân, phụ huynh chỉ biết năm sinh chứ không biết ngày - tháng sinh của con em mình...
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Đàm Thị Kinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Lâm Đồng cho biết: Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là công việc của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng ngành giáo dục. Chính vì vậy, nhất thiết phải đẩy mạnh việc tuyên truyền để đồng bào DTTS hiểu, để các đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, tập trung thống kê, đầu tư cơ sở vật chất, tiến độ xây dựng các công trình để tiến tới đảm bảo đúng lộ trình cán đích phổ cập vào cuối năm 2014.
 
Ông Lưu Đại Phong - Phó Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân tỉnh cho biết: Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi phải hoàn thành vào năm 2015, trong đó, Lâm Đồng phấn đấu hoàn thành vào năm 2014. Đây là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài của toàn ngành, toàn xã hội. Song, hiện trạng khó khăn về cơ sở vật chất tại một số huyện Cát Tiên, Đam Rông, Bảo Lâm, Lạc Dương rất cần sự quan tâm quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngành, địa phương và toàn xã hội. Cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo lộ trình đã được phê duyệt. Việc cán đích vào năm 2014, là mong muốn chính đáng của không chỉ ngành giáo dục, mà còn của đông đảo phụ huynh học sinh, các tầng lớp nhân dân. Việc tạo điều kiện cho con em được đến trường, trang bị những kiến thức căn bản trước khi vào lớp một là nhu cầu vô cùng bức thiết. Đây cũng là tiền đề để ngành giáo dục tiến tới lộ trình phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 4 tuổi trong tương lai.
 
NGUYỆT THU