Qua hơn 1 năm thành lập, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tỉnh Lâm Đồng (thuộc Sở GD & ĐT) đã cùng với những giáo viên đảm trách giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc tập huấn cho giáo viên các trường chuyên biệt cũng như các trường có học sinh khuyết tật phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật.
Qua hơn 1 năm thành lập, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tỉnh Lâm Đồng (thuộc Sở GD & ĐT) đã cùng với những giáo viên đảm trách giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc tập huấn cho giáo viên các trường chuyên biệt cũng như các trường có học sinh khuyết tật phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật. Gần đây, với sự tham gia của giáo viên các trường mầm non (trước đây chỉ có giáo viên tiểu học) đã giúp phát hiện sớm các trường hợp trẻ khuyết tật, từ đó, có sự can thiệp kịp thời giúp các em có khả năng hòa nhập cộng đồng hơn.
|
Các giáo viên Hàn Quốc hướng dẫn cách sử dụng đồ dùng làm nguyên vật liệu sẵn có |
Cô giáo Phạm Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 10, Đà Lạt chia sẻ: “Trước đây, do chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật nên khi ở trường có vài học sinh khuyết tật học khiến các giáo viên rất lúng túng trong phương pháp dạy. Gần đây, thông qua các lớp tập huấn do Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tỉnh tổ chức cho giáo viên mầm non đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc giáo dục trẻ đặc biệt này. Đồng thời, chúng tôi cũng biết cách phát hiện sớm trẻ khuyết tật; vì vậy, ở lứa tuổi mầm non, các cháu sẽ được can thiệp sớm, từ đó, khả năng hòa nhập cộng đồng là rất cao. Năm học tới, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch để tư vấn phụ huynh có con em khuyết tật, từ đó sẽ sàng lọc rồi phân loại trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp với loại khuyết tật”. Năm học vừa qua, Trường Mầm non 10 có 2 học sinh bị khuyết tật vận động và ngôn ngữ, nhà trường đã có phương pháp dạy để các em có thể hòa nhập với các bạn bình thường trong lớp. “Sự tiến bộ của các cháu khi học hòa nhập rất rõ ràng, chúng tôi đang làm hồ sơ bàn giao các cháu cho trường tiểu học để các cháu tiếp tục học tập trong môi trường không phải là giáo dục chuyên biệt”, cô Thủy cho biết thêm.
Theo GS. Chung Dong Young - Trường Đại học Giáo dục Hàn Quốc, người trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật cho các giáo viên ở Lâm Đồng, việc phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật rất quan trọng, bởi nhiều phụ huynh không biết nên không phát hiện sớm con em mình bị khuyết tật, đến khi học tiểu học mới phát hiện ra. Điều này không có lợi cho trẻ khiến việc hòa nhập cũng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, giáo dục đặc biệt ở Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng vẫn còn khá mới mẻ. Trước đây, chỉ có giáo viên dạy trong các trường chuyên biệt mới tiếp cận với phương pháp giáo dục trẻ đặc biệt, còn giáo viên các trường bình thường không có kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ khuyết tật.
Hiện nay, tại Lâm Đồng có 2 cơ sở giáo dục đặc biệt công lập, 2 cơ sở giáo dục đặc biệt ngoài công lập, có khoảng 500 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường phổ thông. Các cơ sở giáo dục đặc biệt chỉ tập trung vào 2 đối tượng trẻ khuyết tật là khiếm thính và thiểu năng trí tuệ. Chính vì vậy, các trẻ mang các dạng khuyết tật khác như khuyết tật thân thể, rối loạn tăng động giảm chú ý, đa tật… không có điều kiện được nhận hỗ trợ. Số lượng giáo viên được đào tạo chính quy chuyên ngành giáo dục đặc biệt vẫn còn hạn chế so với nhu cầu đi học của trẻ khuyết tật. Nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các trường bình thường phải kiêm nhiệm thêm công việc của các giáo viên giáo dục đặc biệt.
Xu hướng giáo dục đặc biệt trên thế giới hiện nay đang tập trung phát triển theo hướng giáo dục các học sinh khuyết tật trong môi trường hòa nhập hơn là tách biệt trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Ở Lâm Đồng, ngoài các cơ sở giáo dục chuyên biệt cần phải tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục hòa nhập. Nhất là cơ sở vật chất ở các trường có trẻ khuyết tật hòa nhập không phù hợp, chế độ cho giáo viên kiêm dạy trẻ khuyết tật chưa có… “Việc Hàn Quốc hỗ trợ thành lập - vận hành Trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt theo mô hình hỗ trợ giáo dục hòa nhập sẽ tạo điều kiện để tăng cường sự hỗ trợ cho học sinh khuyết tật và giáo viên đảm nhận giáo dục trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Hoa - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Tuấn Hương