Từ nguồn vốn hỗ trợ của Tỉnh Hội Phụ nữ, năm 2013, xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) có 30 phụ nữ được dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề may công nghiệp. Cuối năm 2013, 30 phụ nữ này đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác may công nghiệp. Đây là mô hình tổ hợp tác đầu tiên của xã nghèo Lộc Nam.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Tỉnh Hội Phụ nữ, năm 2013, xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) có 30 phụ nữ được dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề may công nghiệp. Cuối năm 2013, 30 phụ nữ này đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác may công nghiệp. Đây là mô hình tổ hợp tác đầu tiên của xã nghèo Lộc Nam.
|
Chị Nguyễn Thị Hiếu hướng dẫn các thành viên mới thao tác máy may công nghiệp |
Chị Nguyễn Thị Hiếu - Tổ trưởng Tổ hợp tác may công nghiệp của xã Lộc Nam, cho biết: “Do tất cả thành viên Tổ hợp tác đều là những chị em nghèo, chị em đồng bào DTTS và phụ nữ đơn thân nên việc vận động chị em tham gia vào Tổ hợp tác ban đầu rất khó khăn. Phần nhiều chị em tuy đã được cấp chứng chỉ nghề, nhưng để vận dụng thật sự vào công việc may hàng hóa công nghiệp thì đều phải đào tạo lại và thử thách qua nhiều đơn hàng, vừa học vừa làm. Thêm vào đó, nhiều chị em không có điều kiện về kinh tế, nên việc đối ứng để mua máy may công nghiệp cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, do nguồn hàng ổn định, thu nhập chị em dần tương đối khá nên càng ngày chị em càng tin tưởng và đến tham gia vào Tổ hợp tác”.
Đến nay, sau 7 tháng thành lập, Tổ hợp tác đã thu nhận 30 thành viên. Đặt tại thôn 9 (thôn trung tâm của xã Lộc Nam), Tổ hợp tác thường trực có khoảng 10 chị đến may. Số chị em còn lại đều nhận hàng về nhà. Đối với những chị em may tại chỗ, thu nhập hàng tháng từ 3 - 3,5 triệu đồng/người. Chị em nhận về thường tranh thủ thời gian nông nhàn để may thêm, thu nhập cũng đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/người. Chị Nguyễn Thị Triều Tuyên (nhà ở thôn 9) cho hay: “Tôi đã tham gia vào Tổ hợp tác từ những ngày đầu. Tuy chỉ là công việc làm thêm, nhưng nguồn thu nhập từ việc may vá này rất ổn định. Mỗi tháng tôi kiếm thêm khoảng 2,5 triệu đồng”.
Tham gia vào Tổ hợp tác, chị em được hưởng nguồn vốn hỗ trợ máy may công nghiệp của Trung ương Hội Phụ nữ (thông qua Tỉnh Hội). Mỗi máy may trị giá 6,8 triệu đồng. Trung ương Hội hỗ trợ 60%, phần còn lại do chị em tự đóng góp để mua. Đến nay, Tổ hợp tác đã có 24 máy may.
Chị Đỗ Thị Chúc - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Nam, trao đổi: “Đây là mô hình tổ hợp tác đầu tiên của xã Lộc Nam, cũng là mô hình điểm của Tỉnh Hội Phụ nữ. Tuy chỉ mới thành lập gần 7 tháng, nhưng chị em hoạt động rất tốt. Tổ trưởng rất tích cực và chủ động trong việc giao dịch, ký kết các đơn hàng với các Công ty May Nhà Bè, Công ty Sông Hương (Bảo Lộc) để tạo việc làm ổn định cho chị em. Trung bình, mỗi tháng, Tổ hợp tác nhận và hoàn tất khoảng 3.000 sản phẩm. Hội Phụ nữ xã đang nỗ lực kêu gọi các nguồn vốn để tạo điều kiện cho chị em vay, mở rộng sản xuất. Về lâu dài, Tổ hợp tác có thể phát triển quy mô và tiến đến thành lập HTX”.
Theo chị Nguyễn Thị Hiếu - Tổ trưởng Tổ hợp tác: Hiện tại, “đầu ra” tuy ổn định, nhưng vẫn mang tính chất phụ thuộc vào các công ty lớn. Mẫu mã không đa dạng, nên tay nghề của chị em khó có cơ hội nâng lên. Thêm vào đó, mỗi lần đi nhận hàng, giao hàng đều phải tốn kém chi phí xăng xe, nên tiền lãi không còn bao nhiêu. Mức thu nhập của chị em vì thế cũng bị hạn chế. “Mong muốn của tôi là được vay nguồn vốn giải quyết việc làm để tự mua nguyên liệu, tự sản xuất thành phẩm và tự tìm nguồn tiêu thụ. Có như vậy, Tổ hợp tác mới có thể phát triển, chị em có thêm nguồn hàng để may và tăng thêm thu nhập” - chị Hiếu tâm sự.
Lộc Nam là xã nghèo. Trong số 1.730 hội viên phụ nữ toàn xã, hiện còn 257 chị em là phụ nữ nghèo, chiếm 40% số hộ nghèo. Việc thành lập những mô hình kinh tế hộ được xem là giải pháp hiệu quả để giúp Lộc Nam giảm nghèo. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng một mô hình mới hình thành đối với xã nghèo này cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các ngành chức năng và sự tự nỗ lực của những người trong cuộc. Mô hình Tổ hợp tác may đo đầu tiên của xã tuy đã sớm có hiệu quả, nhưng về lâu dài, cần được tiếp tục đầu tư, nuôi dưỡng để nhân rộng và tạo nền tảng vững chắc giúp chị em vươn lên thoát nghèo.
HẢI UYÊN