Tỷ lệ rừng trồng bị gây hại ở mức độ nhẹ và trung bình

10:07, 18/07/2014

(LĐ online) - Đó là nhận xét của Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng đưa ra ngày 18/7, sau cuộc điều tra tình hình sâu bệnh hại rừng trồng trong phạm vi toàn tỉnh được thực hiện mới đây. 

(LĐ online) - Đó là nhận xét của Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng đưa ra ngày 18/7, sau cuộc điều tra tình hình sâu bệnh hại rừng trồng trong phạm vi toàn tỉnh được thực hiện mới đây. 
 
Cụ thể, trên diện tích rừng trồng thông 3 lá (37.078ha), hiện có 4 loại bệnh phổ biến là bệnh vàng còi, tuyến trùng, vòi voi đục thân và ong ăn lá. Trong đó, bệnh vàng còi đang gây hại trên diện tích gần 106ha tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (địa bàn Lạc Dương) với tỷ lệ từ 30% - 40%; bệnh tuyến trùng xuất hiện ở 88ha tại Ban quản lý rừng phòng hộ Drann (địa bàn Đơn Dương), trong đó chỉ có 1,5ha bị nặng với tỷ lệ 51%; bệnh vòi voi đục thân gây hại trên diện tích 152ha tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng (Đức Trọng), trong đó có 53ha bị nhiễm bệnh ở mức trung bình và tỷ lệ cây bị hại từ 10% - 12%; bệnh ong ăn lá có xuất hiện rải rác trên một số diện tích nhưng tỷ lệ gây hại không đáng kể. 
 
Với rừng trồng cây sao trên địa bàn toàn tỉnh (939,5ha), bệnh khô cành tuy có xuất hiện nhưng chỉ rải rác và mức độ gây hại không đáng kể.
 
Riêng trên cây keo, ngoài hai bệnh phấn trắng và sâu đục thân có xuất hiện với tỷ lệ gây hại không đáng kể thì bệnh nấm hồng và bệnh đốm lá khô cành ngọn vẫn đang diễn biến khá phức tạp ở hai công ty TNHH một thành viên Đạ Tẻh và Lộc Bắc. Tại hai đơn vị này, bệnh nấm hồng đã gây hại trên diện tích 103,5ha keo các loại với tỷ lệ cây bị hại từ 50% - 90%. Riêng với rừng keo của Công ty TNHH một thành viên Đạ Tẻh, bệnh đốm lá khô cành ngọn gây hại trên diện tích 259,3ha; trong đó có 31ha bị gây hại nặng với tỷ lệ cây bị hại từ 60% - 70%. 
 
K.D