Ứng phó biến đổi khí hậu bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:07, 24/07/2014

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là "…chính sách đầu tiên về lâm nghiệp đã coi việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ, nguồn lực mới, cơ hội đầu tư lớn… được xem là hình thức huy động vốn đầu tư cho rừng theo cách lấy rừng nuôi rừng…", từ đó có tác động lớn tới việc góp phần ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là “…chính sách đầu tiên về lâm nghiệp đã coi việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ, nguồn lực mới, cơ hội đầu tư lớn… được xem là hình thức huy động vốn đầu tư cho rừng theo cách lấy rừng nuôi rừng…”, từ đó có tác động lớn tới việc góp phần ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu. Thực hiện Quyết định 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với tỉnh Sơn La, Lâm Đồng bắt đầu triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ tháng 6/2008, và 1 trong 4 nội dung chính phải thực hiện là thành lập, quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cùng với thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên các địa bàn thuộc vùng rừng đầu nguồn các hồ thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh và sông Đồng Nai. Các loại sản phẩm dịch vụ thực hiện thí điểm gồm có: Dịch vụ về điều tiết và cung ứng nguồn nước; Dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và chống bồi lắng lòng hồ; Dịch vụ về du lịch.
 
Tại Diễn đàn “Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” mới được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) tổ chức tại Đà Lạt, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh đã thực thu được từ các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn nước có được từ các vùng rừng đầu nguồn trên là Nhà máy thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Công ty cấp nước Đồng Nai và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh 107,8 tỷ đồng (quy tròn) và đã thực hiện chi trả 72,03 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho 8.022 hộ (có 6.353 hộ DTTS) đang quản lý bảo vệ 202.767ha rừng đầu nguồn (mức chi trả 270 ngàn - 290 ngàn đồng/ha năm 2009 và 350 ngàn tới 400 ngàn đồng/ha năm 2010 - bình quân mỗi hộ quản lý bảo vệ 25,3ha). Kết quả sau 2 năm thực hiện thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là nhận thức của nhân dân về vai trò vị trí của rừng với bảo vệ môi trường đã được nâng cao, nhiều hộ DTTS đã có thu nhập khá và ổn định từ quản lý-bảo vệ rừng, vì vậy đã giảm được 15% số hộ nghèo và giảm được trên 50% số vụ vi phạm lâm luật trong vùng thí điểm. Từ những kết quả này, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh và được xem “… là giải pháp thích ứng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính” - ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn khẳng định. 
 
Từ năm 2011 tới nay, Sở NN-PTNT và các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, mở rộng địa bàn và diện tích rừng được quản lý bảo vệ, mở rộng đối tượng phải chi trả và đối tượng được hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng. Kết quả là giai đoạn 2011- 2013 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng đã thực thu được 25 doanh nghiệp, đơn vị (gồm 10 đơn vị kinh doanh thủy điện, 10 đơn vị kinh doanh du lịch và 5 đơn vị kinh doanh nước sạch sinh hoạt) trong và ngoài tỉnh số tiền quỹ 421,49 tỷ đồng, chi trả cho các hộ quản lý bảo vệ rừng 339,2 tỷ đồng. Như vậy, kể từ khi triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng đã thu từ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng 529,3 tỷ đồng, chi trả cho các hộ quản lý bảo vệ rừng 411,246 tỷ đồng. Hiện tại, trên 86,3% diện tích rừng được giao khoán quản lý bảo vệ của tỉnh (322.609/376.136ha) đã được thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với 15.319 hộ quản lý bảo vệ rừng được hưởng lợi với mức thu nhập từ 10,5-12 triệu đồng/hộ/năm. Về mặt bảo vệ môi trường, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã lượng hóa giá trị môi trường rừng về vai trò điều tiết nước, giảm bồi lắng lòng hồ..., góp phần làm giảm tình trạng mất rừng và làm tăng khả năng phòng hộ của rừng cũng như giảm thiểu sự biến đổi khí hậu…
 
Đức Hưng