Về đâu những chiếc ché cổ?

02:07, 31/07/2014

Chúng tôi ghé thăm nhà ông K'Mun Sơn ở thôn Di Linh Thượng 1, xã Gung Ré (nay thôn Di Linh Thượng 1 thuộc về thị trấn Di Linh) trong một buổi chiều hanh hao nắng. Căn nhà nằm cạnh con lộ bê tông khá dễ tìm. Bước lên bậc cầu thang gỗ ngôi nhà dài, mọi âm thanh ồn ã của phố thị như được ngăn lại, một "thế giới" khác mở ra, thế giới ký ức về những chiếc ché cổ. 

Chúng tôi ghé thăm nhà ông K’Mun Sơn ở thôn Di Linh Thượng 1, xã Gung Ré (nay thôn Di Linh Thượng 1 thuộc về thị trấn Di Linh) trong một buổi chiều hanh hao nắng. Căn nhà nằm cạnh con lộ bê tông khá dễ tìm. Bước lên bậc cầu thang gỗ ngôi nhà dài, mọi âm thanh ồn ã của phố thị như được ngăn lại, một “thế giới” khác mở ra, thế giới ký ức về những chiếc ché cổ. 
 
Bà Ka Nhoi bên cạnh những chiếc ché cổ
Bà Ka Nhoi bên cạnh những chiếc ché cổ
 
“Các anh là nhà sưu tầm cổ vật? Nếu vậy, để đỡ mất thì giờ, câu trả lời của tôi là có được giá cách mấy tôi cũng không bán” - bà Ka Nhoi, chủ nhân của những chiếc ché cổ, nói lời đầu tiên khi gặp chúng tôi. “Không, chúng tôi chỉ là những người yêu mến văn hóa K’Ho” - trả lời xong, theo chân ông K’Mun Sơn (chồng bà Ka Nhoi), chúng tôi bước vào gian nhà cũ, nơi có rất nhiều chiếc ché cổ và những vật dụng truyền thống dùng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào K’Ho. 
 
Trải chiếc chiếu cói ra giữa nhà mời khách, bà Ka Nhoi tiếp: “Tuy không phải bỏ công sức tìm kiếm, sưu tầm, nhưng những chiếc ché hàng trăm năm tuổi này là của ông bà để lại cho con cháu, cho tôi bây giờ. Do đó, nhiệm vụ của tôi là tiếp tục lưu giữ cho con cháu mình”. Chúng tôi hiểu ý nguyện và tấm lòng mà bà Ka Nhoi dành cho tiền nhân. Bởi, trong tiềm thức người K’Ho, ngoài cồng chiêng và đồ trang sức, ché cũng được coi là một loại tài sản quý. Ché gắn liền với đời sống sinh hoạt lễ hội thần thánh tự ngàn đời. Ché thể hiện đẳng cấp, sự giàu - nghèo của gia chủ. Cao và xa hơn, ché còn được người K’Ho xem như một linh vật. Xưa kia, gia đình K’Ho dẫu nghèo khó đến đâu nhất thiết cũng phải có tối thiểu một chiếc ché. Gia đình khá giả hơn thì có từ một đến vài chục chiếc ché, đủ các kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, được cất giữ cẩn trọng trong nhà và mọi thành viên trong gia đình đều xem đó như vật gia bảo.
 
Nhìn vào cách bài trí, có thể thấy bà Ka Nhoi quý nhất 4 chiếc ché được đặt trang trọng cạnh bàn thờ, nơi hằng ngày bà vẫn thường hương khói. Tiếp đến, là 7 chiếc ché lớn, mà nghe đâu đã có rất nhiều người đến hỏi mua và trả giá mỗi chiếc lên tới 300 triệu đồng; thế nhưng, đều nhận được cái lắc đầu lạnh lùng từ bà Ka Nhoi. “10 năm trước, có người từ Sài Gòn tìm đến nhà để hỏi mua 4 chiếc ché kia, trị giá mỗi chiếc là 1 cây vàng, nhưng tôi kiên quyết không bán” - bà Ka Nhoi kể. “Còn chiếc ché này (vừa nói vừa chỉ tay vào một trong số 7 chiếc ché lớn) cũng đã có người ở huyện Lạc Dương trả 1 con trâu cho mỗi chiếc rồi đấy!” - bà Ka Nhoi kể tiếp. Gặng hỏi lý do vì sao không bán, bà Ka Nhoi bảo, đơn giản chỉ vì những chiếc ché này đã được bôi máu của con vật hiến sinh từ 4 đời trước. Hóa ra, trong tâm thức người K’Ho, ngoài giá trị vật chất có thể đong đếm được, ché còn mang thêm giá trị tinh thần và hơn thế còn mang theo cả giá trị tâm linh. Bà Ka Nhoi nhớ lại: “Ngày trước, nghe ông bà kể, để được sở hữu những chiếc ché này, ông bà đã phải đổi bằng nhiều tiền, trâu bò và cồng chiêng. Tất nhiên, công việc trao đổi cũng hết sức khó khăn, vì người K’Ho không biết chế tác đồ gốm, nên phải lặn lội đường rừng, có khi cả nửa tháng về miền xuôi thì mới có ché để mà đổi!”. 
 
Có được chiếc ché rồi, công việc tiếp theo của người K’Ho là thực hiện nghi thức cúng mừng ché. Theo lời bà Ka Nhoi, lễ vật cúng mừng ché mới, bao gồm: Một con gà trống hoặc dê (tùy vào điều kiện kinh tế của gia chủ), một ché rượu cần, trứng gà, cơm lúa mới và chuối chín... Sau đó, gia chủ tiến hành cắt tiết con vật hiến sinh rồi lấy máu bôi lên miệng ché. Kế đến, gia chủ đọc bài khấn rước thần ché về nhập vào ché. Nghi thức rước thần ché hoàn tất, gia chủ bắt đầu mang ché vào nhà đặt ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách, rồi mời tất cả những người tham gia cúng mừng ché ăn mừng. Mọi người cùng chúc tụng cho đến khi tàn tiệc. 
 
Cũng theo lời bà Ka Nhoi, ché không chỉ là vật tín ngưỡng, trang trí cho căn nhà, mà người K’Ho còn sử dụng ché để ủ rượu cần. Ông K’Mun Sơn cho biết: “Rượu cần trong tín niệm người K’Ho, không chỉ là thức uống đơn thuần, mà còn gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân ở nơi rừng sâu, rú thẳm này và cả trong sinh hoạt văn hóa đời thường, như: Nghi lễ đặt tên con, mừng nhà mới, đám cưới, tang ma... lẫn trong lễ hội truyền thống buôn làng, gồm: Nhô lir bong (uống mừng lúa mới), Nhô hòi yàng mìu (uống hỏi thần mưa), uống trừ điềm gở cho cả buôn...”. 
 
Thế nhưng, một thực tế đáng lo ngại là những giá trị văn hóa đặc sắc này ngày một mai một dần. Trong buôn, giờ chỉ còn duy nhất gia đình bà Ka Nhoi là còn lưu giữ lại 65 chiếc ché cổ. Bà Ka Nhoi lo lắng: “Tôi chỉ mong sao con cháu trong nhà giữ gìn những chiếc ché cổ như gìn giữ kỷ vật quá khứ của ông bà để lại. Nhưng vào thời buổi bây giờ, trước sự săn lùng ráo riết bởi những tay buôn đồ cổ và sức hút của đồng tiền, tôi cũng không dám chắc con cháu mình có giữ được không!”. 
 
Trong rất nhiều trăn trở, bà Ka Nhoi vẫn canh cánh bên lòng niềm ước ao, giá như tuổi trẻ K’Ho bây giờ biết và yêu văn hóa nguồn cội, có thể cảm nhận được quá khứ, đụng chạm được vào thời xa xưa, để “thấy được ông bà ngày xưa”. Ước mong thì ước mong vậy, chứ thực ra hơn ai hết bà hiểu rất rõ rằng không ít người trẻ tuổi K’Ho đang “quay lưng” lại với quá khứ, xa lạ với những tập tục, lễ nghi xưa. Rượu cần dần bị thay thế bằng rượu đế, rượu ngoại. Vì thế, chiếc ché cũng dần dần biết mất trong đời sống cộng đồng. “Cứ cái đà này, rất có thể sẽ đến một lúc nào đó, những chiếc ché cổ (kỷ vật của quá khứ) chỉ còn là ký ức” - bà Ka Nhoi thở dài. Sự đau đáu về vốn cổ dân tộc của người phụ nữ K’Ho này cũng là nỗi lo chung cho những ai vốn nặng lòng với di sản văn hóa tộc người K’Ho.
 
TRỊNH CHU