Khi màn sương còn ôm lấy sự tĩnh lặng của phố phường Ðà Lạt, từ những cung đường về phố đã nghe bước chân họ, những người bạn núi Cil, Lạch... Họ xuống phố gùi theo những sản phẩm từ đại ngàn.
Khi màn sương còn ôm lấy sự tĩnh lặng của phố phường Ðà Lạt, từ những cung đường về phố đã nghe bước chân họ, những người bạn núi Cil, Lạch... Họ xuống phố gùi theo những sản phẩm từ đại ngàn.
|
Lan rừng xuống phố |
Sáng…
Sáng. Sương tan trễ nải. Trong mịt mờ đã nghe từng bước chân ngăn nắp của họ, những phụ nữ dân tộc Cơ Ho. Tôi hòa theo để cùng họ một ngày mưu sinh trên phố. Họ nói với nhau bằng tiếng bản địa, hơi e dè khi có “người lạ”, tình huống có lẽ họ chả mấy khi gặp.
- Mình đi bộ ra Ðà Lạt hả? - Tôi bắt chuyện với người phụ nữ lớn tuổi đi giữa.
- Ồ, ngày xưa thôi, vừa đi, vừa nghỉ phải đi mất 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Giờ thuê xe ôm, đi có một giờ à!
Bà là K’Thu, dân tộc Cơ Ho ở xã Ða Nhim (Lạc Dương). Ðã qua 55 mùa rẫy, “núi” củi ngo ngất ngưởng ngự trên lưng bà. Ấy là lõi của cây thông dầu, thường dùng để nhóm bếp than. Bước chân bà đã có ba mươi năm thâm niên trên từng con phố Ðà Lạt. Dòng người dừng lại trước ngõ vào chợ trung tâm thành phố, một người trẻ tuổi trong đoàn ngước nhìn tôi lạ lẫm. Một ngày rong ruổi của họ bắt đầu...
Tôi cười để xóa đi sự ngăn cách và không quên mua mở hàng năm bó củi ngo hết mười nghìn đồng để bắt chuyện. Phố phường Đà Lạt bắt đầu tấp nập. Bà K'Thu nói: “Nhà mình đông con, bảy đứa mà! Mùa không làm rẫy thì vào rừng tìm những gốc thông già mà nhà nước đã cưa cây rồi để làm ngo, mang ra phố bán lấy tiền. Giờ ngo hiếm lắm! Ði mãi trong rừng sâu mới gặp. Hai ngày mới kiếm được 200 bó, chia ra hai gùi mà!”.
Người Cơ Ho hiếm khi đi một mình khi ra khỏi buôn. Nhưng số người đi có đông đến đâu, họ vẫn đi theo hàng một, bước chân ngăn nắp, lề lối như thước đo của Yàng |
Gùi củi ngo ấy trên lưng bà K'Thu độ khoảng từ 40 đến 45 ki-lô-gam. Cỡ từng ấy, chất lên lưng tôi chắc là té ngửa. Bọn trẻ thì tùy lứa tuổi mà được chia nhẹ hơn vừa sức. Con bé K'Phương, con gái thứ của bà K'Thu bẽn lẽn nhìn chiếc gùi ngất ngưởng ngự trên lưng mẹ, thả ánh mắt ra phố phường. Cái nhìn ước ao sự nặng nhọc vơi đi trong chiếc gùi của mẹ.
Tôi lại nhấc giùm từng chiếc gùi nặng trĩu lên vai họ. Ðoàn người hòa vào phố phường. Hương nồng củi ngo tan dần vào từng con phố... Họ đi theo đoàn trên những tuyến đường quen. Cứ đi, chừng nào hết thì về, nhưng thường thì trong buổi sáng.
Giữa phố phường tấp nập, dòng người như chạy đua với thời gian. Những chiếc gùi chất đầy củi ngo trên lưng người phụ nữ dân tộc Cil K'Rúc (30 tuổi), cùng con gái K'Hương (7 tuổi), con trai Ha Súp (5 tuổi) cứ chậm rãi lang thang khắp phố. Họ đi như “kẻ lữ hành” không bao giờ mỏi, chắt chiu từng ngụm nước trên đường. K'Rúc nói: “Ồ, còn sức khỏe thì phải làm để có tiền cho con đi học sau này, rồi còn lo gạo cho gia đình nữa. Ðảng, Nhà nước giúp nhiều rồi... Không ở nhà được đâu!”. Tôi đứng lặng nhìn người phụ nữ tuổi 30 cùng hai con nhỏ loang dần vào sự lo toan của phố phường...
Mười giờ sáng. Ðà Lạt nắng lạnh ngọt lành. Lâu rồi, Cil Trang (xã Tà Nung, TP Ðà Lạt) mới có lan rừng đem xuống phố. “Con rể và con trai xuống tận rừng giáp ranh Bình Thuận một tuần, mười ngày mới có chừng 80 giò lan mang về à. Vậy là đủ lo cho gia đình rồi” - Cil Trang thổ lộ.
Hơn 20 năm “xuống núi” bán lan rừng, Cil Trang đã thuộc làu những góc phố Ðà Lạt, sành sỏi trong phân biệt chủng loại lan để “ra” giá, từ loài hồ diện (khoảng 50 nghìn đồng/giò), đến lan kim điệp, ngọc điểm... khoảng từ 300 nghìn đồng/giò. “Vẫn biết giá rẻ hơn nhiều những vườn kinh doanh ở Ðà Lạt, nhưng cũng đành chấp nhận để có tiền “tươi” mang về trong ngày lo trang trải cuộc sống, và hai đứa con đang học đại học ở Sài Gòn” - Cil Trang nói. Bao nhiêu năm như vậy, đường vào chợ Ðà Lạt, phố Quang Trung đã quá quen với họ.
Liêng Hót Níc, con rể chị Cil Trang bảo: “Giờ lan không nhiều nữa. Rừng gần đã cạn kiệt, phải vào tận rừng sâu. Vào rừng, nhiều hiểm nguy lắm, nhưng cũng phải đi thôi...”. Anh bỏ lửng câu nói, nhưng sự mong ước về cuộc sống đầy đặn hiển hiện trên khóe mắt. Người Cơ Ho không còn mùa “nhàn rỗi” nữa, hàng ngày vào buổi sáng tinh sương, họ vẫn “xuống núi” mưu sinh với quà tặng của núi rừng.
…và chiều
Không “lữ hành” như người Tây Nguyên oằn mình “gùi” cuộc mưu sinh qua từng con phố, những hộ người Chăm ở làng dệt Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) đến “tạm cư” ngay phố trung tâm Ðà Lạt. Khi hoàng hôn chập xuống, với họ những người con lớn lên từ phía biển - mới bắt đầu “ngày” làm việc trên những vỉa hè.
“Thổ cẩm Chăm... Thổ cẩm Chăm...”, tiếng rao xuyên qua màn sương lạnh nhập nhoạng chiều muộn phố núi. Bà Hải Thị Lục, năm nay đã qua tuổi lục tuần, hơn mười năm ở trọ trên con hẻm tập trung khoảng 15 hộ người Chăm cùng làng đang chào mời khách. Tất tả ngược núi kiếm kế sinh nhai, nhưng sự chất phác, mặn mòi của người miền biển vẫn in trên khuôn mặt. Vừa mời khách, bà vừa trả lời nhát gừng những câu hỏi của tôi. “Dì có tám đứa con. Bảy đứa theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chỉ còn lo cho thằng út đang học lớp 9 và đứa cháu nội đang học đại học. Ðỡ vất vả hơn ngày mới lên nhiều rồi” - Bà Lục nói.
Làng dệt Mỹ Nghiệp nổi tiếng thế, sao lại lên đây? - Tôi hỏi rốn. Đêm đã lùi dần, những vị khách phương xa vẫn cố lựa hàng, ngã giá. Những làn hơi trắng phà ra trong tiếng rao giữa đêm lạnh. Bà Lục quay sang tôi: “Người Chăm từ thuở biết đi thì phụ nữ đã biết dệt thổ cẩm, đàn ông đã biết may. Nhưng ở làng thời đó khó bán hàng nên cả nhà thay nhau lên đây làm ăn. Mình có sức khỏe thì phải làm, đừng ỷ lại vào Nhà nước”.
|
Bà Lục chuẩn bị hàng hóa để “xuống đường” khi hoàng hôn chập xuống |
Làng dệt Mỹ Nghiệp của bà Lục, bà Mận, của Phú Thị Mây... là làng nghề truyền thống hiếm hoi còn lại của người Chăm Ninh Thuận. Ngày xưa, dân Mỹ Nghiệp tự trồng bông làm nguyên liệu, nhuộm tự nhiên để tạo ra sản phẩm nổi tiếng như khăn choàng, khanh (váy phụ nữ)... cung cấp cho cộng đồng người Chăm và các cư dân quanh vùng như Raglai, Churu, Cơ Ho. Giờ đây, làn gió thị trường buộc họ phải bươn chải lên tới tận đây.
Ðêm tạnh, đêm mưa, họ đều xuống phố “đứng đường” để những chiếc ví, túi xách, áo ghi-lê thổ cẩm mang “thương hiệu” Chăm đến với du khách. Khuôn mặt bà Mận (61 tuổi) chưa ráo sự chát mặn của người vùng biển. Theo sự mách bảo của người đi trước, bà đã có “thâm niên” một mình ngược núi mưu sinh bốn năm. “Lấy công làm lời thôi. Phải tích góp để còn nuôi ba đứa con đi học xa. Bố nó mất 15 năm rồi, vất vả lắm, lâu lâu mới được về quê một lần” - bà Mận thổ lộ.
Ngày dệt, đêm bán. Cuộc mưu sinh của họ cứ bám lấy những đêm lạnh phố núi Ðà Lạt. Người này ốm, có người khác lên thay. Chỉ những người bươn chải đơn độc như bà Mận mới có những đêm dài tiếc nuối, vì không được xuống phố trong mùa “trái gió” tuổi già. |
Theo tính toán của bà Mận, để dệt một tấm khanh bằng sợi tự nhiên cũng phải mất bốn, năm công, nhưng giá chỉ tầm ba, bốn trăm nghìn; còn những thứ như túi xách, ví... dệt sợi công nghiệp thì mỗi ngày làm được 30 đến 40 cái, có giá từ 10 đến 50 nghìn đồng, tùy lớn nhỏ. “Những cái này dễ bán, dễ mua lắm; còn khanh thì khi nào có người đặt hàng mới dám làm” - bà Mận cho hay.
Có những người con theo cha mẹ lên đây đã nên vợ, nên chồng. Và nghề dệt thổ cẩm truyền thống người Chăm vẫn “bám” theo họ dẫu thổ cẩm bây giờ phần lớn đều dệt chỉ công nghiệp. Anh Hán Khanh (31 tuổi), năm nay đã tròn 20 năm “lăn lộn” với thổ cẩm vỉa hè Ðà Lạt kể: “Vợ mình người trên này, vừa về quê mình ở Mỹ Nghiệp để sinh con. Sinh đôi hai thằng đó...”. Hán Khanh cười khoe với tôi, nhưng trong đôi mắt anh chất chứa những lo toan mới của cuộc mưu sinh nơi đất khách.
Ðêm sâu hun hút. Những bước chân lữ thứ đã gõ nhịp đi về. Chị bán ngô nướng “châm” thêm vào lò miếng củi ngo chẻ nhỏ. Mùi nhựa thông nồng nàn theo sợi khói lan xa. Những tiếng rao “lịm” dần giữa đêm lạnh...
Mai này...
Trong câu chuyện bỏ dở với K'Rúc, chị chỉ mong ước hai đứa con lớn lên không phải đeo mãi gùi củi ngo trĩu nặng như trên lưng mẹ. Những giọt mồ hôi tảo tần đổ xuống, khó khăn sẽ qua đi. Mai này, K'Hương, Ha Súp sẽ “xuống núi” cùng mẹ và mùi củi ngo chỉ còn giàn giụa trong ký ức.
Tôi nhớ lại câu chuyện với trưởng thôn ÐanKia, Lạc Dương Cil Brét, ông bảo: “Ngặt lắm họ mới ra phố bán củi ngo. Mình và bên bảo vệ rừng khuyên họ hoài à, nhưng họ khó khăn quá... Thôn mình chỉ vài hộ lâu lâu mới xuống núi thôi”. Thông vẫn còn đó, nhưng những chuyến củi ngo xuống phố giờ đã ít dần vì đã có bếp ga, bếp từ... thay lò than củi ngày xưa.
“Mấy lần lên huyện họp, mình nghe nói Nhà nước đã cơ bản “đuổi” được cái nghèo cho bà con. Riêng Lâm Ðồng hiện còn khoảng 4,1% hộ nghèo thôi; đồng bào mình cũng đã được Nhà nước cho học cái nghề, những làng nghề truyền thống cũng được khôi phục... Mai này, sẽ hiếm người phải gùi củi ngo xuống núi” - Cil Brét nói.
Trong căn gác trọ của bà Lục, bà Mận... ngổn ngang sản phẩm thổ cẩm truyền thống, mỗi thứ đặt mỗi nơi, rời rạc như cuộc tha phương. Không diễn tả hết lời, nhưng họ đều có ước mơ mai này sẽ là những truyền nhân nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho con cháu mình. Chợt, bà Mận nhìn len qua khe cửa, chiều đã nhuốm vàng phố núi...
Phóng sự: MAI VĂN BẢO