Với niềm say mê "cái chữ" từ nhỏ, suốt hơn 20 năm qua, cô giáo Rơ Ông K'Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương) đã đem hết tâm huyết, sự sẻ chia và lòng yêu thương gắn bó với học sinh vùng sâu...
Với niềm say mê “cái chữ” từ nhỏ, suốt hơn 20 năm qua, cô giáo Rơ Ông K’Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương) đã đem hết tâm huyết, sự sẻ chia và lòng yêu thương gắn bó với học sinh vùng sâu. Trong cô, mong muốn “đem “cái chữ” đến cho con em mình” là động lực. Cô là gương điển hình trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của ngành Giáo dục huyện Lạc Dương.
Hiến đất xây trường
Tôi trở lại ngôi trường nằm ở địa bàn xa xôi nhất của xã vùng sâu Lát theo lời giới thiệu cách đây hơn nửa năm của thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học Păng Tiêng Rơ Ông Ha Xuân về cô giáo tiêu biểu của trường - Rơ Ông K’Thủy. Đón tôi trong sân của ngôi trường mới xây khang trang, thầy hiệu trưởng dẫn tôi đi một vòng khắp khuôn viên trường và thốt lên đầy tự hào: “Toàn bộ diện tích ngôi trường này là do cô K’Thủy hiến đất xây từ hơn 3.000m
2 đất đang canh tác của gia đình cô”. Theo lời thầy hiệu trưởng, hồi đó, Păng Tiêng chưa có trường tiểu học, học sinh phải học chung 2 cấp ở trường TH & THCS cũng có tên Păng Tiêng nhưng đóng chân ở thôn Đạ Nghịt - cách thôn Păng Tiêng hơn 3 cây số. Thương học trò mới chập chững những “con chữ” đầu đời đã phải lội suối, băng rừng (đúng nghĩa hồi đó) để đến với trường, với lớp, cô giáo K’Thủy (khi đó cũng dạy tại Trường TH & THCS Păng Tiêng) đã tự nguyện hiến toàn bộ quả đồi đang trồng hồng của gia đình để xây trường. Qua khảo sát, đo đạc thiết kế, ngôi trường còn mở rộng đến một phần đất của hàng xóm cô K’Thủy, vậy là cô lại “tạm ứng” tiền của mình để “bồi dưỡng” cho nhà này để ngôi trường được dựng lên theo thiết kế (đến giờ, thầy Nguyễn Đình Tiến - Trưởng Phòng GD & ĐT huyện Lạc Dương mỗi khi gặp cô K’Thủy vẫn nhắc vui “Tôi đang nợ cô K’Thủy 1 triệu” (hồi đó có giá trị hơn 2 chỉ vàng).
|
Cô giáo Rơ Ông K’Thủy đang chuẩn bị sách vở, đồ dùng để chuẩn bị cho năm học mới |
Thỏa ước mơ “say chữ”
Với cô, có trường, có lớp nghĩa là học sinh được đi học nhiều hơn, được thỏa mãn niềm khát khao biết đọc, biết viết mà hồi còn nhỏ khó khăn lắm cô mới có được. Những năm 80 của thế kỷ trước, một lớp học bằng nhà tranh vách nứa học chung cấp tiểu học nhưng lôi cuốn cô bé K’Thủy “say chữ”, có hôm ngồi một mình đợi cô giáo đến hơn 3 giờ chiều, không thấy cô giáo đến K’Thủy mới lủi thủi ra về. Hồi đó, vì nhiều lý do, lớp học bị giải tán, mẹ K’Thủy bảo con “Hay là nghỉ học đi”, nhưng cô bé chưa tròn 10 tuổi nhất quyết đòi đi học lại cho bằng được. Vài năm sau, một lớp học khác lại được mở ra ở “làng trong” xa xôi khiến cho niềm vui của K’Thủy được tiếp nối. Học hết tiểu học, không có lớp học tiếp, K’Thủy xin mẹ cho đi học ở “ngoài phố”, rồi theo hệ 9 + 1, tiếp đến 9 + 3 và trung cấp sư phạm. Ra trường, K’Thủy xin về dạy ở chính ngôi trường theo học ngày còn nhỏ. Vừa đi dạy, cô vừa học thêm bổ túc văn hóa để lấy bằng THPT, cho đến cách đây ít năm, cô cũng vừa hoàn thành xong chương trình đại học. Bằng lòng yêu nghề và niềm say mê “con chữ”, cô giáo trẻ đem hết tâm huyết với mong muốn “đem “cái chữ” về cho con em trong làng” để em nhỏ nào cũng được biết đọc, biết viết. Ngôi trường được dựng lên trên mảnh đất cô tự nguyện hiến cũng bắt nguồn từ mong muốn này.
Tấm lòng cô giáo vùng sâu
Tuy có trường nhưng vẫn có nhiều học sinh ở “làng trong” cách trường hơn 3 cây số buổi trưa phải ở lại để chiều học tiếp phụ đạo. Thương các em nhỏ như chính con của mình, cô giáo K’Thủy lại đưa các em về nhà, nấu cơm có rau ăn rau có mắm ăn mắm rồi buổi chiều phụ đạo ngay tại nhà vì trường không đủ lớp. Đối với học trò là vậy, còn với những đồng nghiệp (đa số ở xa trường hơn 20 cây số), cô như người chị luôn mở rộng lòng thương yêu. Đường sá giờ đi lại bớt khó khăn hơn, đó cũng là lý do cô K’Thủy đã có được mùa hè đúng nghĩa. Những năm trước, thực hiện chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1”, lớp học được tổ chức trong những tháng hè đều do cô K’Thủy phụ trách, bởi “đó cũng là mùa mưa, đường sá bùn lầy, mình ở tại đây thì mình dạy luôn để các cô khỏi phải vất vả đi lại”. Tâm sự nhỏ nhẹ ấy của cô K’Thủy khiến tôi thấy chứa chan tình yêu thương, sẻ chia với đồng nghiệp của cô giáo vùng sâu này. Đa số giáo viên của trường đều mới ra trường, từ ngoài trung tâm huyện hay thành phố Đà Lạt vào dạy, bằng tình thương của người chị, cô luôn động viên các giáo viên trẻ bám lớp, bám trường. Được tín nhiệm bầu làm chủ tịch công đoàn, cô K’Thủy thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống của đồng nghiệp. Không chỉ được đồng nghiệp ở trường tin yêu, cô giáo K’Thủy còn được bà con trong bản làng tin tưởng, cô là “nòng cốt” trong việc vận động học sinh ra lớp và cũng là người góp phần để Trường Tiểu học Păng Tiêng duy trì sĩ số 100% trong nhiều năm liền. Có được thuận lợi trong công việc cũng một phần cô được sự ủng hộ của gia đình, con gái đầu Rơ Ông K’Huyền noi gương mẹ đang là sinh viên Khoa Tiểu học của Trường CĐSP Đà Lạt.
Bữa cơm trưa muộn của các giáo viên Trường Tiểu học Păng Tiêng đi tập huấn để chuẩn bị cho năm học mới được nấu tại nhà cô K’Thủy. Người mang bó rau, người mang con cá vừa câu được chiều qua, mỗi người một tay rộn rã tiếng cười cho một bữa cơm ấm tình người. Tôi tin rằng, trong sự khó khăn, thiếu thốn của nơi vùng sâu, vùng xa này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.
Phóng sự: Tuấn Hương