"Già làng" chưa già

08:08, 21/08/2014

Đóng góp vào sự yên bình của Bon Đơng 2 không thể không kể tới sự có mặt của một người đàn ông, một "già làng" chưa già, ông Krajăn B Lôm, người đã nhiều năm gắn bó với cuộc sống của bà con Bon Đơng 2.

Khu phố Bon Đơng 2, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương là nơi sinh sống của 135 hộ gia đình vừa người K’Ho và người Kinh với nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó, bà con K’Ho chiếm đại đa số. Nhiều năm nay, bà con sống với nhau đoàn kết, cùng nhau phát triển đời sống kinh tế - xã hội của mỗi gia đình và giữ gìn sự bình yên trong từng mái nhà, ngõ xóm. Và đóng góp vào sự yên bình của Bon Đơng 2 không thể không kể tới sự có mặt của một người đàn ông, một “già làng” chưa già, ông Krajăn B Lôm, người đã nhiều năm gắn bó với cuộc sống của bà con Bon Đơng 2.
 
Ông Krajăn B Lôm
Ông Krajăn B Lôm
Trò chuyện với bà con Bon Đơng 2 mới hay, nguyên nơi ở gốc khi xưa của bà con hiện đã được xây đập Ankroet - Suối Vàng. Khi đập được xây dựng, bà con di dời từ Suối Vàng về thị trấn Lạc Dương và tạo lập cuộc sống mới nơi đây, ban đầu là một buôn có hầu hết bà con K’Ho. Cùng với thời gian, trong thôn có thêm nhiều hộ gia đình người Kinh, người Hoa cùng chung sống. Giữa cộng đồng ấy, ông Krajăn B Lôm nổi lên với vai trò một người có uy tín, một “già làng” dù tuổi chưa già. Ông B Lôm nói vui, ông là bị “bắt” trở thành cư dân Bon Đơng 2 vì phong tục ở rể, ông vốn là dân gốc thôn Đăng Gia. Về sinh sống ở thôn mới, ông nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và tham gia vào công tác xã hội để góp sức cùng bà con xây dựng cuộc sống. Ông kể: “Sống ở Bon Đơng 2 mấy chục năm, tôi trải qua nhiều nhiệm vụ lắm rồi, từ trưởng thôn, công an viên, tổ trưởng tổ hòa giải… và bây giờ là trưởng ban công tác mặt trận thôn. Mình là người sống ở đây, đóng góp gì được cho bà con, cho buôn làng thì làm thôi”. 
 
Quả thật, làm công tác xã hội, ông B Lôm thật sự là một người rất nhiệt tình. Bon Đơng 2 tuy không lớn nhưng tranh chấp đất đai, mâu thuẫn dòng tộc, cãi vã xung đột… vẫn thường xảy ra và lúc ấy luôn có sự có mặt của ông. Với tư cách sống mẫu mực, hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán người K’Ho, ông luôn phân tích, chỉ rõ cho những người liên quan những khúc mắc để họ thấu hiểu và thông cảm với nhau. Hầu hết những vụ tranh chấp đều được ông và tổ hòa giải tham gia giải quyết ngay từ khi mới manh nha nên không phát sinh những hậu quả xấu. Cũng bởi vậy, tình làng nghĩa xóm của bà con Bon Đơng 2 ngày thêm bền chặt. Không chỉ tham gia hòa giải những vụ việc trong khu phố, ông B Lôm còn là người nhiệt tình tham gia mọi hoạt động chung như xóa đói giảm nghèo, xây dựng kinh tế, vận động con cái đi học. Đặc biệt, ông rất có khả năng trong việc vận động các hộ gia đình tự nguyện xin thoát hộ nghèo. Ông tới từng nhà, đánh giá khả năng kinh tế của gia đình, sau đó vận động gia đình tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo, động viên họ phấn đấu trồng cà phê, trồng cây rau, cây màu để xây dựng kinh tế mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chị Bon Đing Luyên, Phó Chủ tịch MTTQ thị trấn Lạc Dương nhận xét: “Ông Krajăn B Lôm là người rất nhiệt tình, năng nổ, có trách nhiệm với bà con, được bà con tin tưởng, là người có uy tín trong cộng đồng người K’Ho nơi đây”. 
 
Không chỉ trong công tác xã hội ở riêng khu phố Bon Đơng 2, với cộng đồng bà con K’Ho theo Thiên chúa giáo tại địa phương, ông Krajăn B Lôm thực sự là người có tiếng nói. Là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, bà con cũng theo nhiều tôn giáo khác nhau như Thiên chúa, Tin lành, Phật giáo, ông B Lôm khẳng định, chỉ có chung sống hòa hợp mới giữ được thôn xóm bình yên. Bởi vậy, là một giáo dân Thiên chúa giáo ngoan đạo, là một công dân tốt, ông luôn giữ vững tư tưởng và hành động đoàn kết mọi tôn giáo, mọi dân tộc, không để xảy ra xung đột về tinh thần. Có bất cứ biến động gì về tranh chấp tôn giáo, ông đều tham gia giải quyết theo quan điểm bảo vệ sự bình yên chung của cộng đồng, không để vấn đề lòng tin làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con. Ông nói: “Cụ Hồ đã chỉ dạy chúng ta phải đoàn kết dù theo bất cứ tôn giáo nào. Là người “kính Chúa yêu nước”, tôi luôn xác định theo lời của Cụ Hồ, góp phần giữ vững đoàn kết mọi tôn giáo, mọi dân tộc, để cộng đồng bà con chúng tôi nơi đây ngày càng no ấm, bình yên”.  
 
Về phương pháp vận động, thuyết phục bà con, ông B Lôm chia sẻ, thực sự sức tiếp thu của bà con K’Ho còn thấp, nếu nói riêng cái lý thì bà con ít tiếp nhận. Bởi vậy, mỗi khi vận động bà con, ông đều dùng phương pháp giải thích kết hợp với thuyết phục có lý có tình và phù hợp với tâm lý của bà con. Hôm nay bà con chưa thông, mai ông lại tới chia sẻ, mưa dầm thấm lâu, bà con dần dần hiểu ra “sự đúng, lẽ đúng”. Vả lại, ông nói: “Đầu tiên mình phải sống đúng mới nói được bà con, bà con mới tin lời mình”. Trong nhà ông, con cái đều được học hành, ngoan ngoãn, chăm chỉ lao động sản xuất. Bản thân ông cũng hăng say chăm sóc vườn cà phê của gia đình, xây dựng kinh tế khá giả. Mỗi khi có công việc của khu phố, từ làm đường, dọn vệ sinh, ông luôn “miệng nói tay làm”, vừa động viên bà con tham gia vừa tay chổi, tay cuốc tham gia làm trước. Bởi vậy, bà con tin ông B Lôm không phải người nói xuông, nói mà không làm, lời nói của ông ngày càng có “trọng lượng”.
 
Ông Krajăn B Lôm đã được rất nhiều cấp, từ thị trấn, huyện cho tới UBND tỉnh khen tặng, biểu dương trong vai trò người có uy tín trong cộng đồng. Nhưng niềm vui lớn nhất với ông vẫn là lòng tin của bà con, là sự góp phần của ông vào sự bình yên của quê hương. Thực hiện tôn chỉ đoàn kết mọi thành phần dân tộc, tôn giáo theo lời dạy của Bác Hồ, ông Krajăn B Lôm đang sống đầy trách nhiệm với bà con nơi quê hương dưới chân núi Lang Biang.
 
Diệp Quỳnh