Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên, những gương điển hình trong sản xuất - kinh doanh, những giọng hát hay, những nhân tố tiêu biểu trong các phong trào… đã trở nên phổ biến.
Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên, những gương điển hình trong sản xuất - kinh doanh, những giọng hát hay, những nhân tố tiêu biểu trong các phong trào… đã trở nên phổ biến. Còn trong lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT), mà nhất là ở môn thể hình, để có được một vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp, đạt thành tích cao trong các mùa giải và trở thành “hạt nhân” vận động thanh thiếu niên DTTS tham gia phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thì quả thực là lâu nay hiếm. Với anh K’Sép (sinh năm 1988, dân tộc K’Ho, ở thôn 4, xã Tân Thượng, huyện Di Linh) đã làm được điều đó. Anh là một VĐV thể hình, được bà con vùng sâu ghi nhận là một “bông hoa” đang nở giữa đại ngàn.
|
Anh K’Sép |
Rất chân chất, giản dị, trong lần đầu tiên gặp K’Sép, anh trải lòng với chúng tôi: “Sinh ra trên đất Cao nguyên Di Linh, được thừa hưởng những nét văn hóa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, bản thân tôi cảm thấy tự hào nơi mình sinh ra và lớn lên. Với tôi, đã ý thức được rằng, cuộc sống không chỉ đòi hỏi về vật chất, mà rất cần đến đời sống tinh thần, nên tôi luôn tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT tại địa phương. Noi theo gương sáng của Bác Hồ, tôi quan niệm rằng, luyện tập TDTT, trước hết là để gìn giữ và tăng cường sức khỏe cho bản thân. Do vậy, tôi đã tham gia luyện tập từ nhỏ. Mỗi khi ở thôn, ở xã tổ chức các giải TDTT, tôi đều hăng hái tham gia. Và, sau khi tham gia nhiều môn, tôi thấy môn thể hình là phù hợp với mình nhất, tuy rằng môn thể thao này còn “lạ lẫm”, chưa phổ biến ở vùng sâu, vùng DTTS”.
Với suy nghĩ ấy, K’Sép đắn đo mãi, vì muốn mua dụng cụ để tập luyện tại nhà nhưng không đủ tiền. Vì thế, anh làm xà đơn để tự tập, nâng cao thể lực. Đến năm 2007, luyện tập một mình mãi cũng buồn, hơn nữa muốn được giao lưu học hỏi với bạn bè, anh rủ thêm một số bạn tham gia Câu lạc bộ (CLB) Thể hình huyện Di Linh. Cứ mỗi chiều, anh cùng nhóm bạn rong ruổi 20 cây số ra thị trấn Di Linh để luyện tập. Càng tập, càng thấy thú vị, anh vận động anh em trong dòng họ đóng góp tiền để mua thêm dụng cụ tập luyện tại nhà.
Từ thực tiễn dày công luyện tập, anh K’Sép chia sẻ: “Tập thể hình không hề đơn giản, đòi hỏi rất nhiều sức lực và ý chí, vì khả năng gặp chấn thương không phải nhỏ, nên phải có chế độ ăn đặc biệt. Mỗi tuần, tôi tập ít nhất 3 buổi tập chính và các buổi tập bổ trợ. Để không ảnh hưởng tới công việc gia đình, tôi thường tập luyện vào buổi tối. Thời gian đầu, nhiều lần sau khi tập xong, thân mình đau mỏi kinh khủng, nhưng với lòng quyết tâm, cố gắng luyện tập đều đặn, tôi đã vượt qua…”. Cũng theo lời tâm sự của anh, ban đầu K’Sép chỉ nghĩ rằng luyện tập thể hình là để rèn luyện sức khỏe cho bản thân và có thêm cơ hội giao lưu với bạn bè, chứ đâu dám nghĩ là sẽ được tham gia thi đấu trong và ngoài tỉnh cũng như tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Nghĩ tới chuyện lần đầu tiên xa nhà, chuyện lên sàn thi đấu với những lực sĩ chuyên nghiệp trong lần tham gia Đại hội thể thao toàn quốc tại Đà Nẵng, anh có cảm giác hơi… “run”. Nhưng được huấn luyện viên và anh em VĐV động viên dặn dò, anh đã bình tĩnh, tự tin thi đấu và đạt được thành tích ngoài sự mong đợi. “Lần đầu tiên trong đời mình, với Huy chương Bạc ở nội dung thi đấu “tuyệt đối nam”, là nguồn động lực thúc đẩy tôi tiếp tục theo môn thể thao này) - anh K’Sép nói.
Vừa luyện tập, K’Sép không một lần thiếu vắng trong các giải thể hình trong tỉnh và ngoài tỉnh, như tại An Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Dương, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Anh đã giành được 1 Cúp giải tuyệt đối nam; 9 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng, 3 Bằng khen của Trung ương Đoàn, 1 Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng và 1 Bằng khen của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Những thành tích đạt được đã giúp anh tăng thêm niềm tin và nghị lực vào môn thể thao thể hình. Anh đã dành trọn số tiền thưởng qua các mùa giải và tiền của mình tích góp được để mở CLB Thể hình tại thôn 4 (xã Tân Thượng). Điều mà anh nhận biết trước là, mở một CLB thể hình tại trung tâm huyện lỵ hoặc ở trung tâm xã đã khó, còn mở tại một thôn ở vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn. Cái khó chính là việc thu hút người tham gia tập luyện ở CLB. Không sai với những điều mà anh đã dự đoán, khi CLB Thể hình thôn 4 mở ra, chỉ có vài thanh thiếu niên đăng ký tham gia luyện tập. Anh vừa kiên trì duy trì đều đặn hoạt động của CLB vừa tích cực đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và các già làng để vận động thanh thiếu niên trong thôn, xã tham gia. Nhờ vậy, CLB Thể hình của anh dần dần thu hút và tạo được “sân chơi” cho 200 thanh thiếu niên tại địa phương tham gia luyện tập; trong đó, có 45 học viên luyện tập đều đặn và trở thành VĐV tham gia các giải đấu trong và ngoài tỉnh.
Anh Phù Tường Hùng - huấn luyện viên thể hình, Chủ nhiệm CLB Thể hình huyện Di Linh, người trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ K’Sép, có lời nhận xét: “K’Sép hiện là một VĐV thể hình chuyên nghiệp có nhiều triển vọng. Nếu cố gắng không ngừng luyện tập, K’Sép chắc chắn sẽ giành được thành tích cao hơn. Mặt khác, với lòng đam mê môn thể thao này, tôi rất hy vọng với CLB Thể hình tại thôn 4, K’Sép sẽ là VĐV chắp cánh cho môn thể hình phát triển ở vùng sâu DTTS”.
BÙI TRƯỞNG