Một trong những chương trình "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được Công an thành phố Đà Lạt đặc biệt chú trọng, đó là việc tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe dân nói". Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện ""Công an Nhân dân làm theo lời Bác"; chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân mà phục vụ".
Một trong những chương trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Công an thành phố Đà Lạt đặc biệt chú trọng, đó là việc tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe dân nói”. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện “”Công an Nhân dân làm theo lời Bác”; chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân mà phục vụ”.
Theo lời của thượng tá Hồ Minh - Phó Trưởng Công an thành phố Đà Lạt, diễn đàn này đã được tổ chức cách đây 5 năm và hiện đã trở thành công việc thường xuyên. Diễn đàn đã phát huy hiệu quả và nâng cao quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch vững mạnh.
Diễn đàn được thực hiện thông qua 6 hình thức: Mở hội nghị Công an lắng nghe ý kiến nhân dân; phối hợp với MTTQ tổ chức họp cán bộ chủ chốt lấy phiếu góp ý trực tiếp; lấy ý kiến góp ý tại các bộ phận tiếp dân; gửi phiếu xin ý kiến đến các tổ dân phố, thôn trên địa bàn để nhân dân góp ý; Công khai những quy định về những điều cán bộ chiến sĩ công an không được làm gởi đến chi bộ, khu phố để nhân dân biết, thực hiện quyền giám sát và hình thức cuối cùng là lấy ý kiến nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri. Từ năm 2009 đến nay, Công an thành phố Đà Lạt đã tổ chức 529 lượt hội nghị ở 100% khu phố, thôn với trên 21 ngàn lượt người tham dự, 2.651 lượt ý kiến góp ý. Có thể nói, đây là việc làm thể hiện mối quan hệ không thể thiếu giữa cán bộ chiến sĩ công an thành phố Đà Lạt với nhân dân, trao cho dân quyền theo dõi, giám sát trên lĩnh vực an ninh trật tự, có tác dụng giáo dục rất lớn đối với cán bộ chiến sĩ (CBCS), khắc phục thiếu sót, phòng ngừa sai phạm. Từ những điều dân góp ý, từng CBCS tự chấn chỉnh bản thân, nêu cao lòng tự trọng và trách nhiệm nghề nghiệp, phấn đấu xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ CAND trong cuộc sống thường nhật.
|
Làm chứng minh lưu động |
Nghe thôi chưa đủ mà phải làm cho dân thấy
Việc tổ chức diễn đàn để nghe dân nói, nghe dân góp ý là việc làm vô cùng cần thiết nhưng không dễ thực hiện vì dân có tin mới nói. Không phủ nhận rằng, thời gian qua, tình cảm cũng như niềm tin của dân đối với lực lượng cảnh sát vẫn còn có những giới hạn nhất định, vì vậy để diễn đàn thực sự của dân, vì dân thì trước hết công an phải củng cố và xây dựng niềm tin của dân. Muốn xây dựng niềm tin của dân, điều đầu tiên mà Công an thành phố Đà Lạt phải tuân thủ, đó là lời nói phải đi đôi với việc làm. 5 năm qua, Công an thành phố Đà Lạt đã thường xuyên cử cán bộ tham dự các diễn đàn, ghi chép, trực tiếp trả lời những câu hỏi của nhân dân. Toàn bộ ý kiến của dân được tổng hợp đầy đủ và tiến hành họp rút kinh nghiệm, cam kết khắc phục, sửa chữa trong thời gian sớm nhất. Trường hợp có các kiến nghị, yêu cầu chính đáng các vụ việc cụ thể mà thiếu sót thuộc về cán bộ chiến sĩ công an thì xử lý, giải quyết ngay cho dân; cương quyết không để tồn đọng kéo dài... Thông qua phát hiện, góp ý từ diễn đàn “Công an lắng nghe dân nói”, từ năm 2009 đến nay, Công an thành phố Đà Lạt đã cương quyết hạ bậc danh hiệu thi đua “Vì ANTQ” đối với hàng chục lượt tập thể, cá nhân. Riêng, đối với những cán bộ, chiến sĩ có thái độ, tác phong không chuẩn mực, có biểu hiện gây phiền hà cho nhân dân, không tự giác khắc phục sửa chữa khuyết điểm thì Công an thành phố Đà Lạt đã cương quyết chuyển đổi vị trí công tác, hoặc điều động đến đơn vị công tác khác nhằm giáo dục và làm gương cho CBCS trong đơn vị.
Thực tiễn sau 5 năm tổ chức, diễn đàn “Công an lắng nghe dân nói” đã đúc kết được nhiều bài học quý báu. Việc làm này không còn là một “phép thử” mà đã đi vào đời sống xã hội. Không còn nữa những người mặc cảnh phục ngồi lê la ở quán xá; thái độ tiếp dân đã đảm bảo sự chuẩn mực cần thiết trong văn hóa ứng xử; căn bệnh nghề nghiệp “nhìn ai cũng là tội phạm” đã cơ bản được chữa trị. Diễn đàn đã thực sự là môi trường để mỗi một cán bộ chiến sĩ Công an thành phố Đà Lạt rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong, lề lối làm việc, tạo dựng mối quan hệ gần gũi, gắn kết giữa công an với nhân dân, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
NHẬT MINH