Đam Rông chuẩn bị cho một năm học mới thắng lợi

02:08, 24/08/2014

Những năm qua, xuất phát từ quan điểm "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển toàn diện", huyện Đam Rông đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho ngành giáo dục trên cả hai phương diện: nhân lực lẫn nguồn lực...

Những năm qua, xuất phát từ quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển toàn diện”, huyện Đam Rông đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho ngành giáo dục trên cả hai phương diện: nhân lực lẫn nguồn lực. Kết quả, qua từng năm học, ngành Giáo dục huyện Đam Rông đã gặt hái được nhiều thành tựu, được các cấp, các ngành và xã hội đánh giá cao. Tiếp bước sự thành công đó, năm học 2014 - 2015, với sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành, của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, ngành Giáo dục Đam Rông tự tin bước vào năm học mới, với niềm tin thắng lợi mới.
 
Kiểm tra đồ dùng dạy và học tại Trường Mầm non Rô Men
Kiểm tra đồ dùng dạy và học tại Trường Mầm non Rô Men
 
Ông Trần Phú Vinh - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Đam Rông phấn khởi báo tin: Năm học 2013-2014, với sự chuẩn bị khá tốt về nhân lực, vật lực và tinh thần trách nhiệm, cũng như thực hiện nhiều biện pháp triển khai đồng bộ các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Hai không” với 4 nội dung “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh ngồi nhầm lớp”, gắn với yêu cầu thực hiện “5 chuẩn mực đạo đức", “5 xây, 5 chống”, “5 có, 3 đủ”…, ngành Giáo dục huyện đạt được những thành tích đáng ghi nhận. 100% các trường học mầm non, mẫu giáo thực hiện đúng, đủ yêu cầu về giảng dạy, vui chơi, chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Tỷ lệ lên lớp thẳng bậc tiểu học đạt 98,2%, tăng 2,8% so với năm học trước; bậc THCS lên lớp thẳng đạt tỷ lệ 91,2%, tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,2%, học lực giỏi đạt tỷ lệ 7,6%, khá 35,3% và chỉ có 0,2% học lực yếu; bậc THPT lên lớp thẳng đạt 89,4%, học lực giỏi 5,4%, khá 37,6% và chỉ có 0,2% học lực kém, tốt nghiệp đạt tỷ lệ 95%...
 
Qua điều tra, khảo sát cho thấy, so với năm học 2013-2014, năm học 2014 -2015, học sinh mầm non toàn huyện sẽ tăng 113 cháu; bậc tiểu học tăng 100 học sinh; bậc THCS tăng 210 học sinh. Học sinh tăng, kéo theo đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp tăng. Theo đó, toàn ngành sẽ tăng 48 biên chế, trong đó có 42 giáo viên và 6 nhân viên hành chính. Về trường lớp, bậc mầm non tăng 6 lớp, bậc tiểu học tăng 5 lớp và bậc THCS tăng 6 lớp. Để đáp ứng tốt việc dạy và học trong năm học mới, ngay trong thời gian nghỉ hè, Phòng GD-ĐT huyện đã phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng chủ động triển khai công tác chuẩn bị khá chu đáo, đồng bộ, hiệu quả, cụ thể: Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, Phòng GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, rà soát thực trạng trường lớp, phương tiện, dụng cụ phục vụ việc dạy và học của các bậc học. Trên cơ sở đó, có báo cáo đề nghị Sở GD-ĐT, UBND huyện, UBND các xã bố trí vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới phòng học và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ dạy và học. Đến nay, ngoài kinh phí do Sở GD-ĐT đầu tư hỗ trợ, UBND huyện đã bố trí 4 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ dạy và học và đã hoàn thiện được 20 phòng học khang trang, sạch đẹp, với tổng kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng, kịp đưa vào sử dụng vào đầu năm học mới. Đối với bậc mầm non, hiện còn 4 lớp phải mượn hội trường thôn, nhưng UBND huyện đã có kế hoạch chuyển hội trường thôn đi nơi khác và sẽ đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp làm phòng học cho các cháu.
 
Đối với đội ngũ giáo viên, học sinh: Ngay trong những ngày nghỉ hè, Phòng GD-ĐT huyện đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức sư phạm, lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên các cấp. Đồng thời, động viên các giáo viên tự học tập, nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cũng như kiến thức sư phạm. Cùng với đó, phòng đã đề nghị Sở GD-ĐT sớm phân bổ số giáo viên còn thiếu và có hướng tiếp nhận, bố trí giáo viên cho các trường một cách hợp lý, khoa học. Mặt khác, đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học trong toàn khóa như: Tổ chức thao giảng, hội giảng, tiết học chất lượng cao, kiểm tra chéo, dự giờ lên lớp, đánh giá chất lượng giảng dạy của từng trường, từng lớp, từng bộ môn... Đối với học sinh, phòng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa học sinh ra trường, đến lớp đúng độ tuổi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh yên tâm học tập.
 
Tuy nhiên, do đặc thù của một huyện nghèo, hiện ngành Giáo dục huyện Đam Rông vẫn chưa hết khó khăn, đó là tình trạng thiếu sách giáo khoa. Thống kê ban đầu cho thấy, tại các trường có đến 30% học sinh chưa mua được sách giáo khoa. Khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ, ngoài nỗ lực của ngành, của huyện hỗ trợ kinh phí để mua sách cho học sinh mượn học, nhất là đối với học sinh đồng bào DTTS, Phòng GD-ĐT huyện cần phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, tặng sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS, vùng ĐBKK của huyện. Đặc biệt, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân, nhất là đồng bào DTTS nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, để dù có khó khăn đến đâu cũng sẵn sàng đầu tư cho con em đến trường, đến lớp trang bị kiến thức để thoát nghèo và có tri thức để làm người hữu ích cho gia đình và xã hội!
 
HOÀNG ĐẠI HUYNH