Để ai cũng có nơi ở

09:08, 31/08/2014

Hơn 70.600 tỷ đồng sẽ được huy động từ nhiều nguồn vốn với mục tiêu đạt tỷ lệ 70% nhà ở kiên cố, 25% nhà ở bán kiên cố và đặc biệt không còn tình cảnh người dân sống trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ. Đó là nội dung chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2020.

Hơn 70.600 tỷ đồng sẽ được huy động từ nhiều nguồn vốn với mục tiêu đạt tỷ lệ 70% nhà ở kiên cố, 25% nhà ở bán kiên cố và đặc biệt không còn tình cảnh người dân sống trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ. Đó là nội dung chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2020.
 
Nhu cầu nhà ở của người dân Đà Lạt. Ảnh: THANH TOÀN
Nhu cầu nhà ở của người dân Đà Lạt. Ảnh: THANH TOÀN
 
Nằm trong tổng thể của chương trình phát triển nhà ở (giai đoạn 2011 - 2020) nhiều tham vọng này, cần phải nhắc đến một số đề án, chương trình đã và đang được Lâm Đồng triển khai thực hiện. Nổi bật đó là chương trình nhà ở cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở đào tạo hay nhà ở cho hộ gia đình có thu nhập thấp với hàng ngàn căn được hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng, nhà ở công vụ cho giáo viên và mới đây là đề án hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo khó khăn... Với mục tiêu chung đặt ra đến năm 2020, tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 36,6 triệu m 2 sàn, khi ấy diện tích nhà ở bình quân trên đầu người toàn tỉnh đạt 26m 2 sàn, trong đó khu vực đô thị đạt 28,4m 2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 24m 2 sàn/người. Chỉ tiêu nhà ở tối thiểu bình quân đầu người của tỉnh phải đạt 8m 2 - ngang bằng chỉ tiêu quốc gia về nhà ở với chất lượng tỷ lệ nhà ở kiên cố khoảng 70%, nhà ở bán kiên cố 25% và không có nhà đơn sơ, tạm bợ. Mặt khác, Lâm Đồng cũng xác định tỷ lệ nhà chung cư, nhà cho thuê trong các dự án phát triển nhà ở đô thị đạt khoảng 10% tổng số nhà xây dựng mới. 
 
Cụ thể mục tiêu nêu trên, bên cạnh việc phát triển nhà ở thương mại và nhà ở do dân đầu tư xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng trên 10,8 triệu m 2, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở xã hội cũng được tỉnh Lâm Đồng quan tâm triển khai. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ nhà ở cho người có công đối với khoảng 3.500 hộ, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn khoảng 7.700 hộ. Song song đó phát triển quỹ nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị với diện tích 200.000m 2 sàn; nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt khoảng 24.000m 2 sàn; nhà cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề với tổng diện tịch khoảng 103.400m 2 sàn và nhà ở tái định cư khoảng 28.330m 2 sàn. Đối với nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức xây dựng 4.620m 2 sàn và 28.330m 2 sàn nhà ở công vụ cho giáo viên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Để thực hiện chương trình này, nhu cầu tổng vốn đầu tư lên đến trên 70.800 tỷ đồng. Lượng vốn này được tập trung đầu tư cho công tác lập quy hoạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo... và phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng. Trong đó, vốn ngân sách là 1.380 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2% tổng lượng vốn đầu tư chương trình phát triển nhà ở, còn lại (98%) là nguồn vốn huy động. Điều quan trọng ở đây đó là, ngoài các giải pháp như vận động người dân phát triển nhà theo quy hoạch, ứng dụng khoa học, công nghệ và quản lý có hiệu quả về mặt nhà nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng, còn cần có những chính sách và tài chính tốt nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh bố trí quỹ đất ở thành thị và nông thôn để tạo quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư và kêu gọi đầu tư, sẽ dành tối thiểu 10% diện tích đất các dự án phát triển nhà ở đô thị mới để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở tái định cư theo dự án của nhà nước. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở cho người có công, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật - trừ nhà ở thương mại. Đồng thời, huy động tốt các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở, trong đó, tập trung ngân sách cho công tác lập quy hoạch, phát triển quỹ đất, hỗ trợ đối tượng chính sách về nhà ở. 
 
Với chương trình về nhà ở cùng với chính sách tài chính, biện pháp quản lý hiệu quả và các bước đi cụ thể sẽ đảm bảo đến năm 2020, người dân Lâm Đồng ai cũng có nơi ăn, chốn ở.
 
XUÂN TRUNG