Để Liên Nghĩa thành đô thị văn minh

08:08, 11/08/2014

Từ một thị trấn vùng cao, Liên Nghĩa - Đức Trọng đang dần thay da đổi thịt và rất cần sự đầu tư thích đáng để tiến đến một "đô thị văn minh".

Từ một thị trấn vùng cao, Liên Nghĩa - Đức Trọng đang dần thay da đổi thịt và rất cần sự đầu tư thích đáng để tiến đến một “đô thị văn minh”.
 
Một thị trấn năng động 
 
Là trung tâm của huyện Đức Trọng, thị trấn Liên Nghĩa có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.700ha với gần 12 nghìn hộ dân, 54 nghìn nhân khẩu sinh sống. Đây là một thị trấn “đa văn hóa”, nơi có rất đông các cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống cùng nhau qua nhiều thế hệ. 
 
Thống kê của thị trấn cho biết, tại đây có đến 14 dân tộc. Bên cạnh người Kinh chiếm khoảng 70% dân số, các cộng đồng còn lại đông đảo nhất là người Thái, người Tày và người Nùng vốn từ các tỉnh phía bắc vào đây lập nghiệp đã qua nhiều thế hệ. Những cộng đồng này đến nay vẫn duy trì bản sắc văn hóa riêng của mình, hàng quán nơi đây có rất nhiều những món ăn của các dân tộc khác nhau mà nhiều đô thị khác không có. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, địa phương thường xuyên tổ chức các ngày hội văn hóa với sự góp mặt đầy màu sắc của các cộng đồng dân tộc. 
 
Từ một thị trấn vùng cao ban đầu, Liên Nghĩa hôm nay đã có dáng vẻ của một đô thị hiện đại. Nhờ hệ thống giao thông thuận lợi với Quốc lộ 20 chạy dọc theo huyện và băng ngang qua thị trấn; sân bay Liên Khương nằm ngay trên địa bàn; dân số tập trung đông, đô thị hóa nhanh, đã biến Liên Nghĩa thành một thị trấn năng động. Chợ Liên Nghĩa lâu nay đã trở thành chợ đầu mối cung cấp cho cả khu vực từ Đơn Dương qua Lâm Hà, hàng hóa có giá thấp hơn nhiều so với các nơi. Nơi đây cũng có chợ đầu mối nông sản cung cấp cho thị trường TP HCM và các tỉnh trong nước. Trong nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã gắn kết việc phát triển kinh tế cùng phát triển đô thị, mở rộng thị trấn, phát triển hệ thống giao thông, xây nhiều công trình lớn, trồng thêm cây xanh… làm diện mạo Liên Nghĩa thay đổi nhanh chóng; năm 2009, Liên Nghĩa được công nhận là đô thị loại 4. Trong nhiều năm nay, UB MTTQ thị trấn phối hợp chính quyền cùng các đoàn thể nơi đây thực hiện rất tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Thị trấn đã có những chương trình hỗ trợ thiết thực để giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn hằng năm, hiện nay chỉ còn khoảng 100 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 0,89%). 
 
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMT TQ) thị trấn Liên Nghĩa, UBMTTQ thị trấn đã cùng chính quyền địa phương xây dựng quy ước đưa Liên Nghĩa thành một thị trấn đạt chuẩn “đô thị văn minh”, trong đó gắn kết với các tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa. Thị trấn đang thực hiện thí điểm lấy Tổ dân phố 8 xây dựng thành “Tổ dân phố an toàn không có tội phạm” và Tổ dân phố 9 “Thực hiện nếp sống văn hóa, mỹ quan đô thị”; vừa qua, thị trấn đã có tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai rộng cho 60 tổ dân phố còn lại. 
 
Một ngôi nhà Đại đoàn kết được UB MTTQ thị trấn Liên Nghĩa vận động các nhà tài trợ hỗ trợ cho người dân xây dựng tại thị trấn
Một ngôi nhà Đại đoàn kết được UB MTTQ thị trấn Liên Nghĩa vận động các nhà tài trợ hỗ trợ
cho người dân xây dựng tại thị trấn
 
Cần một sự đầu tư thích đáng 
 
Rất nhiều vấn đề đặt ra cho một thị trấn đang chuyển mình nhanh như Liên Nghĩa. Theo UBMTTQ thị trấn, đó là hạ tầng thị trấn vẫn chưa đâu vào đâu, hệ thống chiếu sáng công cộng nhiều nơi chưa có; thiếu công viên, cây xanh; thiếu hệ thống thoát nước dẫn đến nhiều khu vực trong thị trấn ngập úng trong mùa mưa... Vệ sinh môi trường cũng là một vấn đề bức xúc của người dân khi thu gom rác thải trên địa bàn chưa hiệu quả; rác thải vứt ra đường nhiều, các vị trí tập kết rác bất hợp lý, gây ô nhiễm khu dân cư, nhất là khu vực chợ Liên Nghĩa. 
 
Trong quản lý đô thị, thị trấn vẫn chưa có quy chế quy định cụ thể trong nhiều mặt như quản lý xây dựng, quản lý vệ sinh môi trường… Vai trò của chính quyền trong quản lý đô thị vẫn còn nhiều hạn chế; trình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực công cộng để làm nơi buôn bán, kinh doanh, sản xuất còn diễn ra, gây ách tắc giao thông; quảng cáo, rao vặt treo dán tùy tiện khắp nơi làm mất mỹ quan đô thị; nhiều công trình trái phép còn ngang nhiên mọc lên…
 
Cùng đó, việc chia tách tổ dân phố như hiện nay (với 62 tổ dân phố), khiến dân số mỗi tổ quá đông. Nhà sinh hoạt cộng đồng một số tổ chưa có nên rất khó khăn trong việc tổ chức hội họp, sinh hoạt triển khai các hoạt động đến người dân trong tổ. Một số tổ dân phố vùng ven vẫn là vùng nông thôn (còn khoảng 40% dân số thị trấn làm nông nghiệp), đời sống nhiều khó khăn trong khi các công trình giao thông lại chưa được đầu tư nâng cấp thích đáng như các tổ 59, 61 nằm ven sông Đa Nhim; tổ 60, 62. 
 
Là địa phương có đông các dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc một phong tục tập quán khác nhau nên theo bà Huyền, việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang cũng gặp không ít khó khăn. Vẫn còn tình trạng phô trương linh đình, làm nhiều cỗ, ăn uống kéo dài; tệ mê tín, dị đoan…
 
Hướng đến một đô thị văn minh, UBMTTQ thị trấn cho biết đang tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên vận động người dân trên địa bàn thực hiện tốt quy ước tổ dân phố; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản, tổ an ninh; vận động dân thực hiện tốt việc giữ gìn cảnh quan môi trường, xử lý rác, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. UBMTTQ thị trấn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vận động thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa và các tiêu chuẩn xây dựng văn minh đô thị.
 
Theo bà Huyền, để là một đô thị văn minh, thị trấn Liên Nghĩa còn phải giải quyết nhiều vấn đề đặt ra nhưng trước tiên cần có biện pháp tuyên truyền rộng rãi trong dân thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông, không để cảnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường như hiện nay; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đảm bảo hè thông đường thoáng, đặc biệt là các nơi công cộng. Bà cũng đề nghị huyện Đức Trọng và tỉnh nên quan tâm đầu tư hệ thống giao thông của thị trấn, lắp thêm đèn chiếu sáng cho các khu vực; đặc biệt nên đầu tư thích đáng để xây dựng hệ thống thoát nước mưa ra sông Đa Nhim vì cứ đến mùa mưa nhiều vùng của thị trấn bị úng nước.
 
VIẾT TRỌNG