Là xã đặc biệt khó khăn, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo tại xã anh hùng Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) chiếm tới 47,6% dân số toàn xã. Nhưng đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chỉ còn 18,4%.
Là xã đặc biệt khó khăn, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo tại xã anh hùng Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) chiếm tới 47,6% dân số toàn xã. Nhưng đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chỉ còn 18,4%. Với tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng này đã phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng đất anh hùng.
|
Chè TB14 là 1 trong 2 loại cây trồng chủ lực ở xã Lộc Lâm |
Từ lâu, Lộc Lâm được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người đồng bào Châu Mạ ở Lộc Lâm luôn một lòng sắt son, thủy chung với Đảng. Họ bám vào rừng để kiếm cái ăn từ củ mài, trái bắp, lá bép, đọt mây… để tham gia chiến đấu; bám trụ để giữ bình yên cho buôn làng. Năm 1978, Lộc Lâm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Hiện nay, toàn xã có 548 hộ, với 2.160 nhân khẩu. Trong đó, người dân là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm trên 80%. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng. Bà Ka Phờm, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Lâm, cho biết: “Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã đã xây dựng quy chế hoạt động và có kế hoạch thực hiện giảm nghèo; đồng thời, có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên”.
Xác định được những khó khăn từ công tác giảm nghèo, những năm qua, Lộc Lâm đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo sát với thực tế để giúp đỡ người dân. Từ các nguồn vốn 30a, 134, 135, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội…; xã đã tổ chức lồng ghép với các chương trình, dự án khác, như hỗ trợ về an sinh xã hội, nước sạch, “xóa” nhà tạm, giới thiệu việc làm, chi trả dịch vụ môi trường rừng… Riêng trong năm 2014, Lộc Lâm được đầu tư 1 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Với nguồn vốn này, xã sử dụng để hỗ trợ phân bón và giống cà phê, chè cho người dân. Cùng với nguồn vốn giảm nghèo, trong năm nay, kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Lộc Lâm gần 5,4 tỷ đồng. Cùng với đó, chính quyền xã còn tích cực phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con. Đặc biệt, đối với những hộ nghèo là đồng bào DTTS, xã trực tiếp cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đồng thời, tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất, thời gian làm việc…
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, cho biết: “Để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững và tránh tình trạng “tái nghèo”, chúng tôi khuyến khích họ tự đăng ký thoát nghèo. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của huyện để rà soát, đánh giá lại các hộ đã thoát nghèo tại địa phương. Vì vậy, hiện nay, đa số hộ nghèo của xã chủ yếu thuộc diện người già, phụ nữ neo đơn và các hộ mới tách”.
Một trong những giải pháp hàng đầu đã và đang được Lộc Lâm chú trọng, hướng tới để giảm nghèo hiệu quả là việc chuyển đổi giống cây trồng. Từ đó, các giống cà phê, chè năng suất cao được đưa vào trồng thay thế cho những loại giống đã bị thoái hóa, kém năng suất. Đến nay, Lộc Lâm đã có khá nhiều hộ đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chính 2 loại cây trồng chủ lực này. Điển hình như các hộ bà Ka Tuyết, ông K’Hóa, K’Đòi… mỗi năm có sản lượng cà phê nhân đạt từ 10 - 15 tấn. Riêng hộ ông K’Yàng (thôn 2) hiện có 3ha cà phê, 1ha chè cành và chăn nuôi bò. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Từ những cách làm nói trên, cùng với sự phấn đấu vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm từ 47,6% (năm 2011) xuống còn 18,4% (cuối năm 2013). Năm 2014, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Trước sự “thay da, đổi thịt” trông thấy, già làng K’Tin (84 tuổi, ngụ tại thôn 1, xã Lộc Lâm) vui mừng: “Mỗi khi nghĩ lại những ngày tháng hào hùng tham gia đánh Mỹ, tôi rất tự hào về bà con và mảnh đất này. Giờ đây, được chứng kiến cuộc sống trên quê hương ngày một đổi thay, mọi người được no cái bụng và nhà nhà có “của ăn, của để”, tôi thật sung sướng. Tôi tin và hy vọng rằng, bà con sẽ cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh hơn, xứng danh là xã anh hùng”.
KHÁNH PHÚC