Nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, huyện Đơn Dương vừa phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức lớp đào tạo nghề đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu tại thôn Ha Wai...
Nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, huyện Đơn Dương vừa phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức lớp đào tạo nghề đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu tại thôn Ha Wai, xã Tu Tra cho 12 học viên là người Churu có tâm huyết gìn giữ và phát triển nghề cha ông để lại. Trong 15 ngày, các học viên đã được nghệ nhân Ya Tuất truyền dạy các công đoạn để làm nên nhẫn bạc theo phương pháp truyền thống hoàn toàn thủ công: tìm nguyên liệu, làm khuôn, chế tác, đánh bóng, hoàn chỉnh sản phẩm và các bí kíp tạo ra sản phẩm đẹp được ưa chuộng. Vừa học lý thuyết, các học viên sẽ được trực tiếp thực hành tạo ra sản phẩm trong quá trình học. Lớp học nghề kết thúc, 12 học viên đều thuần thục các bước đúc nhẫn bạc và đã tạo ra được 10 loại nhẫn có ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của người Churu như: nhẫn lạ, nhẫn liền trơn, nhẫn có hoa văn nhẹ, nhẫn có “mắt”, nhẫn có “đầu” (núm)... Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cấp chứng chỉ đã hoàn thành học nghề đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu cho các học viên tham gia lớp đào tạo.
Được biết, nghề đúc nhẫn bạc của người Churu ở Tu Tra (Đơn Dương) vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận nghề truyền thống, nhưng chỉ còn nghệ nhân Ya Tuất giữ được nghề và sống với nghề. Vì vậy, việc truyền dạy nghề đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, không để nghề này bị mai một, thất truyền.
QUỲNH UYỂN