Giáo dục Lâm Hà: Đồng bộ các giải pháp

08:08, 14/08/2014

Là địa phương có tổng số học sinh đông chỉ đứng sau Đà Lạt, HS dân tộc thiểu số nhiều, cơ sở vật chất còn rất khó khăn, nhưng Ngành Giáo dục huyện Lâm Hà ngày càng đạt nhiều thành tựu. 

Là địa phương có tổng số học sinh (HS) đông chỉ đứng sau Đà Lạt, HS dân tộc thiểu số (DTTS) nhiều, cơ sở vật chất còn rất khó khăn, nhưng Ngành Giáo dục huyện Lâm Hà ngày càng đạt nhiều thành tựu. Đây là kết quả của tính đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn, chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng DTTS.  
 
Cùng vượt khó và phấn đấu 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết: Toàn huyện còn khoảng 40 điểm trường mầm non (MN) phải mượn hội trường thôn, hơn 100 phòng học tạm; thiếu các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm. Năm học 2013-2014, Lâm Hà xây dựng và đưa vào sử dụng 52 phòng học, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố gần 74%. Thiếu cơ sở vật chất là do khả năng ngân sách của huyện không thể đáp ứng, mặc dù huyện đã triển khai nhiều cuộc vận động từ nhiều nguồn xã hội để khắc phục. Những khó khăn khác ở Lâm Hà nữa là một bộ phận HS bị tác động mạnh từ hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn; một bộ phận HS DTTS chưa chuyên cần nên khó khăn đến việc huy động HS ra lớp, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 
 
Muốn nâng chất lượng giáo dục dân tộc phải tăng cường thực hành tiếng Việt
Muốn nâng chất lượng giáo dục dân tộc phải tăng cường thực hành tiếng Việt
Để giải quyết, trước hết là xây dựng đội ngũ, từ nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý đến trình độ chuyên môn. Năm học vừa qua, Lâm Hà có hơn 93% (gần 2.100 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB,GV,CNV)) được bồi dưỡng nhận thức chính trị; hơn 94% CB,GV,CNV học tập quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Theo đó, nhiều việc làm cụ thể hóa như: ứng dụng tối đa về công nghệ thông tin; hội nghị, hội thảo đổi mới phương pháp dạy học... 100% cán bộ quản lý (CBQL) trường học đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; 99,3% GV đạt chuẩn, tăng 3,3% so với năm trước. GV trên chuẩn, THCS gần 64%, tăng gần 3,8%; TH gần 88%, tăng 3% và MN gần 66%, tăng hơn 18%. 
 
Dạy tốt phải hiện thực hóa bằng học tốt. Nhiều trường học ở Lâm Hà phát động, động viên HS tham dự các cuộc thi như: Giải toán trên Internet cấp huyện có 736 em, cấp tỉnh có 197 em và 104 HS đã đạt giải; 8 HS dự thi cấp quốc gia (đạt 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng). Thi Olympic tiếng Anh trên Internet có 572 HS dự thi cấp huyện; 70 HS dự thi cấp tỉnh và 52 em đạt giải; có 3 HS dự thi quốc gia và đạt 1 giải khuyến khích. Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện có 500 vận động viên, 142 vận động viên tham dự cấp tỉnh, đạt 25 huy chương, xếp thứ ba toàn đoàn…
 
Về kết quả nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Sinh vui mừng cho biết: Đến tháng 12 năm 2013, Lâm Hà đã được tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) MN cho trẻ em 5 tuổi, sớm trước 1 năm. Tháng 5 năm 2014, 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi. UBND tỉnh công nhận Lâm Hà duy trì đạt chuẩn quốc gia về PCGD TH đúng độ tuổi và PCGD THCS. Năm học 2013-2014, chất lượng giáo dục phổ thông có tỷ lệ HS khá và giỏi tăng, HS yếu và kém giảm. 100% HS hoàn thành chương trình TH; hơn 99% HS THCS tốt nghiệp... Toàn huyện thêm Trường THCS Tân Hà đạt chuẩn quốc gia và đang đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận 1 trường TH và 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia… 
 
Còn giáo dục dân tộc, Lâm Hà tích cực chuẩn bị tiếng Việt ngay cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục MN ở các vùng khó khăn. Theo đó, bồi dưỡng năng lực cho GV; sử dụng nhiều hình thức, hoạt động linh hoạt... Kết quả, chất lượng đại trà đều tăng hơn so với năm học trước. Ở TH, gần 100% HS đạt hạnh kiểm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ; 96,6% xếp loại học lực từ trung bình trở lên; lên lớp thẳng gần 97%. Ở THCS, gần 91% HS đạt hạnh kiểm khá và tốt; học lực từ trung bình trở lên đạt hơn 84% và tỷ lệ duy trì sĩ số đạt hơn 95%. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Tài, muốn nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc phải quyết không để HS ngồi nhầm lớp. Vì vậy, quan trọng nhất là trách nhiệm của trường học, trong đó tăng cường tri thức tiếng Việt bằng sự tận tâm của đội ngũ và huy động tối đa các nguồn tài trợ. Mặt khác, sự tác động và hiệu quả từ Nghị định 49 của Chính phủ là hết sức quan trọng, nơi nào biết phát huy tốt thì nơi đó sẽ đạt kết quả cao. Còn để duy trì sĩ số, nhất là bậc THCS, phải phối hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục với hệ thống chính trị địa phương và phát huy vai trò cán bộ thôn, chức sắc tôn giáo. 
 
Kỳ vọng bội thu vào năm học mới 
 
Dĩ nhiên giáo dục của huyện Lâm Hà vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục khi năm học mới 2014-2015 bắt đầu. Đó là một bộ phận đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý giáo dục, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục. Sự bắt nhịp tiến trình phát triển đổi mới giáo dục của một số GV còn thiếu chủ động và sáng tạo. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục còn thiếu so với yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Trưởng phòng Nguyễn Văn Sinh thẳng thắn cho rằng, trước hết là ở một số CBQL trường học. Đó là tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chưa thường xuyên, chưa hiệu quả; chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; có biểu hiện lười học tập, bồi dưỡng để tự nâng cao trình độ năng lực. Mặt khác, trình độ năng lực của một bộ phận GV chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…
 
Vì vậy, năm học mới, Lâm Hà tiếp tục phát huy những ưu điểm của các giải pháp như xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp trên cơ sở bám sát và vận dụng hợp lý chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá; lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa - môi trường - đạo đức và kỹ năng sống… Đồng thời, tiếp tục tăng cường đổi mới quản lý hoạt động chuyên môn trong nhà trường; đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, trong dự giờ rút kinh nghiệm, ra đề kiểm tra và xây dựng chương trình giáo dục của nhà trường. Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn. Dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; thực hiện chương trình linh hoạt và mềm dẻo; chú trọng cải tiến phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS…
 
Sự đánh giá nghiêm túc của ngành, sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp và kinh nghiệm, trách nhiệm, lòng yêu nghề của đội ngũ giáo dục, tin chắc năm học 2014-2015 huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu cao hơn.   
 
MINH ĐẠO