Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng, Hội Khuyến học huyện Di Linh là một trong những đơn vị hoạt động tích cực, đã đồng hành cùng ngành Giáo dục, góp phần thúc đẩy các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Cuộc vận động xây dựng "Gia đình hiếu học".
Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng, Hội Khuyến học huyện Di Linh là một trong những đơn vị hoạt động tích cực, đã đồng hành cùng ngành Giáo dục, góp phần thúc đẩy các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học”.
|
Hội Khuyến học Di Linh khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích |
Kể từ ngành thành lập, Hội Khuyến học huyện Di Linh đã nhanh chóng đi vào hoạt động và xây dựng, phát triển tổ chức Hội. Tất cả 19 xã, thị trấn trong toàn huyện đều xây dựng tổ chức Hội. Ngoài ra, nhiều thôn, tổ dân phố, trường học, cơ quan, hội đồng hương, dòng họ… cũng xây dựng Chi hội Khuyến học. Tổng số hội viên khuyến học toàn huyện hiện có gần 10 ngàn người.
Ông Phạm Xuân Phương - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Di Linh, cho biết: “Trong những năm qua, Hội Khuyến học các cấp trong huyện đã đồng hành cùng ngành Giáo dục, các trường học, Hội Cha mẹ học sinh, các ngành, các cấp… vận động con em ra lớp; chống lưu ban, bỏ học; phải học hết cấp, hết lớp; chăm lo trường lớp xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực và phong trào thi đua dạy tốt, học tốt”. Nhờ vậy, Hội đã góp phần nâng cao dần chất lượng giáo dục và thành tích của toàn ngành.
Chỉ tính trong 2 năm gần đây, Hội Khuyến học các cấp từ huyện đến cơ sở đã phối hợp vận động các nguồn tài trợ để cấp 350 suất học bổng, gần 2.000 phần quà, 30 chiếc xe đạp, hàng ngàn quyển vở, cặp sách, bút mực và tổ chức phát thưởng những học sinh học giỏi, học sinh tiên tiến các cấp trị giá trên 2,3 tỷ đồng và khen thưởng 372 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Điểm nổi bật là trong Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học; hội đồng hương, thôn và tổ dân phố khuyến học được nhân dân đồng tình, phong trào nhanh chóng tạo sức lan tỏa rộng khắp trên các địa bàn dân cư. Theo Hội Khuyến học huyện Di Linh, hiện nay, toàn huyện đã có 7.650 gia đình hiếu học và đã xuất hiện nhiều dòng họ, hội đồng hương tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, như các dòng họ Bùi Đình Thới (xã Đinh Lạc), Trần Đức Thống (xã Tân Châu), Trương Công Minh, Trần Văn Ngôn (thị trấn Di Linh)… và các hội đồng hương Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Nam, Hải Dương…
Anh Trần Trung Thực (thôn 18, xã Hòa Bắc) trao đổi với chúng tôi: “Sau khi xuất ngũ, năm 1994, tôi từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Thời gian đầu trên quê mới quá nghèo và hơi đông con, nên không có sự lựa chọn nào khác, là phải chịu khó làm ăn và lo các con học hành. Trong những năm gần đây, theo xu hướng chung mà chính quyền địa phương cũng như các cấp của Hội Khuyến học đã vận động, lúc nào vợ chồng tôi cũng động viên, khuyên bảo các con phải cố gắng học tập. Và, chỉ có học thì mới nên người!”. Anh Thực cho biết thêm: “Tôi có 4 đứa con, đứa nào cũng chăm ngoan và học giỏi. Con gái đầu (sinh năm 1985) hiện là thạc sĩ kinh tế, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Con trai thứ 2 đã học xong Học viện Quân y (7 năm), tốt nghiệp đạt loại giỏi. Con trai thứ 3 vừa học xong Học viện Quân y. Con trai út học xong năm thứ 4 Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ phấn đấu tốt, 3 con đầu của anh đã được kết nạp vào Đảng CSVN”.
Tương tự như gia đình anh Trần Trung Thực, thì tại huyện Di Linh cũng có khá nhiều. Riêng trong vùng đồng bào DTTS, ngoài “Làng cử nhân” Ka Ming, đã xuất hiện nhiều “gia đình hiếu học” và có con tốt nghiệp các trường đại học. Anh Mo Ock Brai (tổ dân phố Di Linh Thượng 1, thị trấn Di Linh) là một trong số đó. Vợ chồng anh Mo Ock Brai chỉ sinh 2 con (1 trai và 1 gái). Anh chia sẻ: “Điều mà vợ chồng tôi toại nguyện, là đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học và con thứ 2 vừa học xong cao đẳng ngành Y”.
Từ thực tiễn, ông Phạm Xuân Phương - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Di Linh, cho biết kinh nghiệm hoạt động của Hội: Cùng với việc vận động, Hội phải biết nắm bắt, phát hiện và tập hợp những gia đình hiếu học; thôn, tổ dân phố, trường học, cơ quan, hội đồng hương, dòng họ khuyến học và những học sinh học giỏi để kịp thời tôn vinh, khen thưởng sau mỗi năm học, mỗi học kỳ hoặc sau mỗi kỳ thi tuyển… Có như vậy mới có thể động viên được các phong trào và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
XUÂN LONG