Huyện Bảo Lâm: Hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư trong vùng DTTS

08:08, 27/08/2014

Những năm qua, cùng với các dự án, chương trình đầu tư của Nhà nước, huyện Bảo Lâm cũng dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Các chương trình, dự án đầu tư đem lại hiệu quả.

Những năm qua, cùng với các dự án, chương trình đầu tư của Nhà nước (như Dự án định canh định cư, Chương trình 327, 135, Nghị quyết 30a…), huyện Bảo Lâm cũng dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Các chương trình, dự án đầu tư đem lại hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của bà con DTTS được nâng lên rõ rệt.
 
Xác định sản xuất nông nghiệp là căn bản nhằm ổn định đời sống của bà con DTTS, những năm qua, huyện Bảo Lâm đã chuyển đổi mục đích sử dụng và cấp 5.939ha đất sản xuất. Để giúp bà con định canh định cư, hàng năm, huyện Bảo Lâm đều hỗ trợ giống cây trồng (chủ yếu là chè và cà phê), đến nay, 100% đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên trong huyện đều có diện tích cây trồng, bình quân mỗi hộ từ 0,6 đến 1ha. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, các ngành chức năng của huyện cũng đã giúp bà con DTTS thực hiện tái canh bằng hình thức ghép cải tạo và trồng mới hơn 1.400ha cà phê bằng các giống đầu dòng và chuyển đổi 615ha chè cao sản, chè cành. Kết quả đạt được từ chương trình chuyển đổi này đã nâng năng suất cà phê nhân trong vùng đồng bào DTTS từ 1,2 tấn/ha lên 2 tấn/ha. Năng suất chè bình quân đạt từ 8 - 9 tấn/ha, tăng hơn 2 tấn so với 5 năm trước đây. 
 
Kiểm tra Dự án hỗ trợ trồng mít nghệ ở xã Lộc Bảo. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Kiểm tra Dự án hỗ trợ trồng mít nghệ ở xã Lộc Bảo. Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Ngoài hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi và thâm canh 2 giống cây trồng chủ lực là chè và cà phê, để đa dạng hóa giống cây trồng cho bà con DTTS, huyện cũng hỗ trợ bà con trồng hơn 300ha cây ăn quả các loại có giá trị kinh tế cao như mít nghệ, bơ ghép đầu dòng, măng cụt, sầu riêng và hỗ trợ các giống vật nuôi (120 con bò giống lai sind để từng bước cải tạo đàn bò vàng của địa phương, cấp cho các hộ chăn nuôi 50 con dê giống, 2.500 con gà thả vườn và cá giống các loại). Nhằm giúp bà con tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong vòng 5 năm qua, ngành chức năng của huyện Bảo Lâm cũng tổ chức 339 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, hội thảo đầu bờ trong vùng đồng bào DTTS. Huyện cũng xây dựng nhiều mô hình thí điểm về thâm canh cây chè, cà phê tại các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Nam. Thông qua những mô hình này, bà con được hướng dẫn cụ thể, chi tiết theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để bà con học hỏi và áp dụng.
 
Cùng với sự đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng năm, huyện Bảo Lâm cũng ưu tiên nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thuộc cơ sở hạ tầng và công trình phục vụ đời sống dân sinh. Đến nay, hầu hết các xã vùng DTTS đều đã xây dựng trụ sở làm việc rộng rãi, khang trang. 100% số xã đã xây dựng tuyến đường nhựa vào trung tâm xã. Trong vòng 5 năm qua, các xã vùng DTTS của huyện được đầu tư xây dựng và nâng cấp 217km đường giao thông liên thôn, liên xóm (123km được nhựa hóa, bê tông hóa). Huyện cũng hỗ trợ kéo mới 25km đường dây điện trung thế và hạ thế; lắp mới 12 trạm biến áp để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân và đến nay, tỷ lệ hộ DTTS có điện sử dụng đạt trên 97%. Cùng với việc đầu tư mở rộng lưới điện, huyện Bảo Lâm cũng chú trọng đầu tư các công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt trong vùng DTTS. Huyện đã xây mới 14 giếng khoan, nâng cấp 7 công trình khác và hỗ trợ cho hàng ngàn hộ đào giếng; qua đó, nâng số hộ đồng bào DTTS có nước sạch sử dụng lên khoảng 85%. Từ các chương trình 132, 134, 135, 168 và Nghị quyết 30a của Chính phủ… lồng ghép với các dự án, chương trình của địa phương, huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ xây dựng 1.175 căn nhà cho bà con DTTS và đến nay, toàn huyện đã căn bản “xóa” được nhà tạm bợ dột nát. 
 
Ngoài các chương trình, dự án được đầu tư trong 5 năm qua, huyện Bảo Lâm cũng tạo điều kiện cho 19.180 lượt hộ là đồng bào DTTS được vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 215 tỷ đồng để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi nhằm ổn định cuộc sống. Huyện cũng tổ chức đào tạo nghề cho 598 lao động là người DTTS. Hàng năm, có khoảng 2.500 hộ đồng bào DTTS trong huyện được nhận quản lý bảo vệ rừng để có thêm thu nhập.
 
Từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước và chương trình hỗ trợ của huyện, đến nay, đời sống của bà con DTTS Bảo Lâm được nâng lên đáng kể. Số hộ giàu và hộ khá tăng lên và số hộ nghèo giảm mạnh. Năm 2011, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo là 28,59%; đến cuối năm 2013, giảm xuống chỉ còn 14,26%. Như vậy, chỉ sau 2 năm, huyện Bảo Lâm đã có 1.063 hộ đồng bào DTTS thoát được nghèo.
 
VŨ NGÀN