Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng chúng tôi lúc đó có 1 đơn vị chuyên đấu tranh với bọn phản động lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước. Tất cả anh em trong đội chống Fulro tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất đoàn kết, thương yêu nhau như anh em trong gia đình.
Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng chúng tôi lúc đó có 1 đơn vị chuyên đấu tranh với bọn phản động lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước. Tất cả anh em trong đội chống Fulro tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất đoàn kết, thương yêu nhau như anh em trong gia đình.
Lúc bấy giờ, tôi nhớ người đội trưởng chống Fulro là anh Nguyễn Đức Hiệp, người cao, dáng rất thư sinh, nhanh nhẹn. Anh ở một phòng riêng tại căn nhà số 35 Trần Bình Trọng, là trụ sở tập trung Ban chỉ huy của đội chống Fulro và là đầu mối của anh em trinh sát mỗi khi đi địa bàn về Đà Lạt tập trung để báo cáo tình hình và nhận quân trang, phục vụ chiến đấu. Anh được bố trí một phòng ở nơi đó để gần chỉ huy nhằm thuận tiện cho công tác bất cứ giờ nào khi có lệnh. Ngày đầu tiên vào phòng nghỉ của anh, cảnh tượng rất khác với suy nghĩ của tôi, một căn phòng nhỏ nhưng được bày trí rất đẹp, ngăn nắp, giản dị, nếu không có 3 khẩu súng (AK, M72, 1 khẩu súng ngắn) và một số dụng cụ sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thì không ai nghĩ đó là nơi ở của “một vị chỉ huy” lúc bấy giờ. Sau này sống cùng anh, tôi càng hiểu thêm phong cách sống gần gũi, hòa đồng của anh. Trong những năm tháng sống và công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, anh đã “hóa thân” thành một con “Chau (1)” thật sự: không ai có thể phân biệt được anh là con “Yoan (2)” khi anh nói tiếng con “Chau” với người con Chau, đây là điều đặc biệt mà rất nhiều anh em trinh sát không thể “hóa thân” được.
|
Đội Trinh sát vũ trang lực lượng 04 (trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, bìa phải hàng sau) |
Những năm 1981-1989, vấn đề Fulro ở Lâm Đồng rất phức tạp, tình hình ANCT, đời sống kinh tế đồng bào dân tộc vô cùng khó khăn. Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc CA tỉnh yêu cầu tất cả anh em trinh sát chống Fulro phải bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư của bà con, từ đó tuyên truyền, giáo dục để không mắc mưu kẻ xấu, không tiếp tế cho Fulro mà vận động con em họ từ bỏ hàng ngũ Fulro về với buôn làng. Đội chống Fulro của chúng tôi tất cả trinh sát đều triển khai xuống những vùng trọng điểm ăn ở với bà con dân tộc. Còn nhớ năm 1983, tại vùng PăngTing, Đạ Nghịt, thuộc xã Lát, Lạc Dương, rất nhiều thanh niên dân tộc đã bị một số đối tượng kích động kéo ra rừng theo Fulro hàng loạt. Tôi được phân công về đây công tác, mũi công tác của tôi có anh và anh Bùi Văn Sơn, cùng một số anh em trinh sát khác. Thời gian xuống địa bàn nơi đây thật sự khó khăn vì không có đường xe đi, phải đi bộ băng rừng 4 tiếng đồng hồ giữa bốn bề rừng núi, ở giữa là buôn dân tộc, không một bóng người Kinh, khi bước xuống buôn, anh như người con của buôn làng về nhà vậy. Anh gặp và nói chuyện với già làng. Anh cười, một giọng cười tươi, sảng khoái, vang vọng rừng núi buôn làng, lúc đó anh em tôi vui lắm vì biết anh đã được già làng tiếp chuyện và coi anh như người của buôn làng. Tối hôm đó thấy bà con đã kéo đến rất đông, một cuộc họp giữa chúng tôi và bà con được tổ chức, tôi và mấy anh em trinh sát khác chưa hiểu được gì về những phong tục tập quán cũng như ngôn ngữ vì chúng tôi còn rất trẻ, mới ra trường, chỉ có anh làm tất cả mọi công việc, kể cả phiên dịch từ tiếng đồng bào sang tiếng Kinh. Lúc ấy, anh như một người đồng bào thực thụ, buổi họp đó già làng đã kêu gọi bà con đến để thông báo đoàn công tác của CA tỉnh Lâm Đồng xuống ở với buôn làng để giữ gìn an ninh nên già làng vận động bà con làm nhà cho chúng tôi ở tại giữa buôn để tiện sinh hoạt và công tác.
Một tuần sau, tại căn nhà mới đơn sơ mái tranh, vách nứa vừa được dựng lên, đã diễn ra buổi cúng nhà mới, tất cả người trong buôn tập trung đông đủ, người mang bắp, người mang gạo, người mang gà, rượu đến, để chứng kiến già làng K’kron tuyên bố làm lễ cúng Yang, cúng nhà mới, công nhận anh là con của đồng bào dân tộc Păng Ting. Già làng đặt tên cho anh là K’Hiệp, sau đó làm lễ cắt máu ăn thề - đó là những hình ảnh cảm động nhất thể hiện tình cảm gắn bó giữa quân với dân như “cá với nước” và đồng bào còn gọi anh là “ông già DămJoang (3)”. Từ đó, công việc của tổ công tác chúng tôi đạt kết quả rất tốt, anh đã tranh thủ già làng vận động, kêu gọi được số thanh niên chạy ra rừng theo Fulro trở về buôn làng.
Chủ trương trong công tác giải quyết vấn đề Fulro ở Tây Nguyên là lấy công tác vận động chính trị là chính, song phải kết hợp với lực lượng vũ trang để trấn áp những tên ngoan cố đầu sỏ. Nhiều đêm tôi thấy anh thức trắng không ngủ để bàn bạc với già làng và sau đó đã mạnh dạn đề xuất Ban giám đốc cho thành lập tổ trinh sát vũ trang chỉ sử dụng người đồng bào dân tộc; Phải sử dụng số người từng tham gia hoạt động Fulro đã về hàng được giáo dục giác ngộ để tự họ trực tiếp làm công tác giải quyết vấn đề Fulro ở địa phương - đây là một quyết định vô cùng táo bạo. Khi Ban giám đốc CA tỉnh có quyết định thành lập đội trinh sát vũ trang (lực lượng 04) (4), anh được giao trực tiếp chỉ đạo, tuyển chọn trong số anh em Fulro về hàng vào đội trinh sát vũ trang, cùng ăn ở với chúng tôi như anh em trong đơn vị. Thời gian đầu, trên địa bàn vẫn còn 2 toán Fulro xuất hiện, nhưng chưa giải quyết được khiến anh rất căng thẳng, lo lắng. Tôi còn nhớ, vào một buổi chiều cuối năm, trời rét lạnh, thấy anh từ trong phòng anh Nguyễn Văn Độ (Trưởng phòng BVCT lúc bấy giờ) đi ra miệng “lầm bầm” gì đó …, sau đó anh thốt lên một câu: “Lần này đi nếu không tiêu diệt được toán Fulro đó tôi sẽ không về nữa”. Sáng hôm sau, tổ công tác do anh chỉ đạo lên đường vào buôn, thấy tôi và anh em trinh sát buồn, anh đã động viên chúng tôi cố gắng bám địa bàn, nắm chắc tình hình khi có tin báo Fulro về là tổ chức anh em trinh sát vũ trang truy quét bằng được, không để cho chúng tiếp tục về buôn khống chế bà con và bắt thanh niên ra rừng.
Hàng ngày, ngoài công việc nghiệp vụ như tiếp xúc với thân nhân những người còn con em theo Fulro trong rừng, anh còn vận động bà con cảnh giác với âm mưu của bọn Fulro, xây dựng đời sống kinh tế, an ninh ổn định ở buôn làng. Bao công việc bề bộn song anh vẫn lạc quan. Anh thường kể cho chúng tôi nghe tuổi thơ của mình sống trong chế độ Mỹ Ngụy bị đàn áp, bắt bớ rất tàn khốc nên phải vào chùa làm chú tiểu để quét dọn và cũng chính thời gian đó, anh đã giác ngộ cách mạng. Lúc ở chùa có thời gian rỗi, anh đọc nhiều sách truyện Tam Quốc Chí, Thủy Hử và trinh thám... Có lẽ thời gian ở chùa cộng với bản tính có sẵn trong anh đã tạo nên một con người có cái tâm, cái đạo và vì vậy trong cuộc sống cho dù người đó là ai, lúc gian nguy anh vẫn sẵn sàng giúp đỡ.
Một hôm, sau buổi kể chuyện, anh gọi tôi và anh em trinh sát thông báo chuẩn bị súng đạn và tập trung toàn bộ về Đà Lạt. Tôi linh tính chắc có một quyết định gì đây. Về đến đơn vị, anh họp toàn đội thông báo chuẩn bị truy quét toán Fulro vừa từ Campuchia xâm nhập về địa bàn. Anh em chúng tôi đều vui nhưng cũng rất hồi hộp. Chúng tôi được nhận thêm vũ khí, đạn dược và lên đường tập kết tại buôn PăngTing cũ vào lúc 7h tối, cắt rừng đi về hướng Cổng trời chuẩn bị phương án đánh địch. Chỉ huy chuyên án là đ/c Vũ Linh, lúc đó là Phó Giám đốc và đ/c Nguyễn Văn Độ, nguyên Trưởng phòng BVCT lúc bấy giờ, còn anh là người trực tiếp chỉ huy trận đánh. Tôi và anh em trinh sát được bố trí đón lỏng nếu có tên nào thoát chạy về hướng chúng tôi thì đó là nhiệm vụ phải giải quyết. Đây là trận đầu tiên tôi và anh Sơn được tham gia nên chúng tôi rất hồi hộp. Đúng 4h sáng khi nghe tiếng súng M72 và hàng loạt tiếng súng AK vang lên, trận đánh đã bắt đầu. Kết quả trận đánh, chúng tôi tiêu diệt toàn bộ toán Fulro từ Campuchia xâm nhập về Việt Nam tại thôn Păng Ting. Cũng từ vụ tiêu diệt số Fulro đầu sỏ ở Campuchia về mà số còn lại ở trong rừng ra hàng hàng loạt, vì vậy trên địa bàn xã Lát, Lạc Dương đã cơ bản giải quyết được vấn đề Fulro. Sau trận đánh, anh được lãnh đạo Phòng điều về một địa bàn phức tạp, nguy hiểm hơn, địa bàn đó nằm sâu giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk. Anh Sơn được giao nhiệm vụ tiếp tục bám địa bàn và chỉ huy đội trinh sát vũ trang thay anh.
Có dịp gặp lại anh tại Đà Lạt, tôi vẫn còn thắc mắc vì ánh mắt buồn của anh dù đánh thắng toán Fulro hôm đó, anh chậm rãi nói với tôi: “Tất cả những người theo Fulro, họ cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh, họ không có tội, họ chết một cách vô ích. Còn đối với chúng ta chưa thật sự làm tốt công tác mà Đảng giao”. Tôi hỏi vì sao vậy anh? Anh trầm ngâm trả lời: “Nếu chúng ta kiên trì lấy công tác giáo dục cảm hóa, cho dù một năm, hai năm và có thể lâu hơn nữa họ cũng phải nghe, ta có thể kéo họ về với buôn làng để trở thành người có ích cho xã hội”. Nói đến đây, hai mắt anh đỏ hoe, tôi ngẫm lại thấy câu nói của anh đầy nhân văn.
Cũng từ thời điểm này mà tất cả các huyện trong tỉnh có Fulro còn hoạt động đã triển khai mô hình thành lập các đội trinh sát vũ trang là người dân tộc để họ tự đứng lên giải quyết vấn đề Fulro tại địa phương đạt kết quả tốt; thông qua vận động quần chúng, công tác chính trị kết hợp với tấn công vũ trang tiêu diệt bọn đầu sỏ ngoan cố và kêu gọi những người lầm đường lạc lối, bị ép buộc từ bỏ con đường theo Fulro về hàng. Chính vì điều đó, năm 1989, tỉnh Lâm Đồng cơ bản giải quyết được vấn đề Fulro, đây là một kết quả không ai phủ nhận được tính sáng tạo và vận dụng đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà anh - đại tá Nguyễn Đức Hiệp - nguyên Giám đốc Công an tỉnh là người thực hiện đầu tiên trong vấn đề giải quyết Fulro ở Tây Nguyên.
Đà Lạt, tháng 8/2014
(1) Con Chau: tức người dân tộc.
(2) Con Yoan: tức người Kinh.
(3) DămJoang: người cao lớn nuôi giữ bảo vệ buôn làng.
(4) Lực lượng 04: Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về giải quyết vấn đề Fulro ở Tây Nguyên.
PHAN TẤT CHÍ