Như Báo Lâm Đồng đã thông tin, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành LĐTB&XH - Công an tỉnh và địa phương huyện đã kiểm tra cả 5 DN GTVL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại 2 huyện Lâm Hà và Đức Trọng; đồng thời, trực tiếp gặp người sử dụng lao động và người lao động để tìm hiểu thực tế...
[links()]
Ngày 11/8, Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng ký 2 quyết định xử lý 2 doanh nghiệp (DN) giới thiệu việc làm (GTVL) tại huyện Lâm Hà.
Như Báo Lâm Đồng đã thông tin, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành LĐTB&XH - Công an tỉnh và địa phương huyện đã kiểm tra cả 5 DN GTVL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại 2 huyện Lâm Hà và Đức Trọng; đồng thời, trực tiếp gặp người sử dụng lao động (SDLĐ) và người lao động (NLĐ) để tìm hiểu thực tế và có báo cáo trình lên UBND tỉnh.
|
Bất hòa giữa người SDLĐ và NLĐ tại trang trại thị trấn Nam Ban xảy ra không ít. Chị Thủy, chủ trang trại (ảnh nhỏ) và những người chăn nuôi trụ lại được |
Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động
Theo Quyết định 121/SLĐTBXH-QĐ do Giám đốc Sở LĐTB&XH Trương Ngọc Lý ký, Công ty TNHH Hằng Ngũ ở thôn Tân Đức, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động GTVL trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày 11/8/2014. Lý do là Công ty này không hoạt động 6 tháng kể từ ngày cấp giấy phép, theo quy định tại điểm 1, khoản 6, điều 1, Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 5/6/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức GTVL. Tại buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Hằng Ngũ cũng thừa nhận nhân sự hoạt động tại Công ty chưa đủ điều kiện hoạt động GTVL theo quy định tại Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH như đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Mặt khác, sổ sách theo dõi cung ứng lao động, hợp đồng cung ứng lao động chưa đầy đủ theo quy định. Công ty này cũng không có sổ thông báo lưu trú với NLĐ trong khi chờ công việc.
Cũng có hiệu lực từ ngày 11/8/2014, Quyết định 23/QĐ-XPVPHC do Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH Lê Quang Huy ký xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với Công ty TNHH Môi giới việc làm Tân Hoàng Phát ở khu phố Văn Tâm, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Công ty này có 3 hành vi vi phạm bị xử lý phạt là: Không xây dựng thang lương, bảng lương; không xây dựng định mức lao động và không xây dựng quy chế thưởng. Quyết định này căn cứ vào Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2013; Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ… Tổng cộng mức phạt 10,5 triệu đồng (mỗi hành vi 3,5 triệu đồng), “là mức phạt trung bình”, ông Huy cho biết. Ngoài ra, Công ty Tân Hoàng Phát thu phí cung ứng lao động với người SDLĐ nhưng không lập phiếu thu; chưa chứng minh được hồ sơ bằng cấp của một số lao động đang làm việc tại Công ty theo quy định tại Thông tư số 20 đã nêu ở trên.
Đối với 2 công ty ở thôn Đoàn Kết, xã N’Thôl Hạ, huyện Đức Trọng là Công ty TNHH Đức Hoàng và Công ty TNHH GTVL Cung ứng lao động Tuấn Sơn, Đoàn kiểm tra hồ sơ và gặp trực tiếp người SDLĐ và NLĐ. Công ty Đức Hoàng liên kết nhận nguồn cung ứng lao động từ Công ty TNHH Cung ứng lao động Tiến Đạt (137/31/3 Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) là DN không có giấy phép hoạt động GTVL. Đối với Công ty Tuấn Sơn, có 2 lao động của Công ty không ký nhận tại bảng lương. Việc đăng ký bảng lương của Công ty Tuấn Sơn tại thời điểm Đoàn kiểm tra mới có giấy biên nhận đã nộp cho ngành chức năng huyện. Ngoài ra, cả 2 công ty Đức Hoàng và Tuấn Sơn đều khai báo lưu trú chưa đúng mẫu theo quy định của pháp luật… Sau 3 ngày cho phép khắc phục, những lỗi trên của 2 công ty được khắc phục nên đoàn kiểm tra không quyết định lập biên bản xử phạt hành chính. Quá trình kiểm tra, ngoài việc hướng dẫn thực hiện đúng các văn bản pháp quy, đoàn đã tư vấn, nhắc nhở cả DN, người SDLĐ và NLĐ phải thực hiện nghiêm túc hơn những quy định của luật pháp.
Tiếp tục nâng chất lượng nguồn nhân lực
Công ty TNHH GTVL và Cung ứng lao động Tâm Đức Lộc ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà là DN có nhiều ưu điểm nhất trong số các DN GTVL. Nhưng ở đây cho thấy tình hình về nguồn nhân lực cung ứng cho các cơ sở SDLĐ còn tiềm ẩn nhiều bất an. Trong số 584 lao động mà Công ty này giới thiệu chỉ có 180 lao động đi làm, số lao động bỏ không làm lên đến 282 người, số lao động bỏ trốn 33 người và số lao động biến động 89 người. Đây là nguồn nhân lực chủ yếu lao động phổ thông như chăm sóc cà phê, chăn nuôi. Tình trạng này cũng diễn ra đối với 4 công ty trên, tuy mức độ khác nhau. Một DN SDLD ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết DN này mới bị NLĐ ăn cắp xe máy và bỏ trốn. Tình trạng làm việc của NLĐ không hiệu quả cũng dẫn đến những bất hòa giữa người SDLĐ và NLĐ không phải ít. Vấn đề cho thấy, nguồn cung ứng đầu vào của các công ty GTVL ở Lâm Đồng không đảm bảo. Nguyên nhân chính là do hoặc thu gom từ hệ thống “cò” hoặc từ các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động GTVL. Trong lúc nhu cầu về lao động trong khu vực nông nghiệp ở Lâm Đồng hàng năm rất lớn, khoảng 10 ngàn người.
Trưởng đoàn kiểm tra, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Sau đợt kiểm tra, tại văn bản báo cáo UBND tỉnh, đoàn sẽ đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đầu vào nguồn nhân lực. Đó là: Sự phối hợp giữa các trung tâm GTVL nhà nước của các tỉnh, thành để phát huy chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm. Tăng cường công tác quản lý, giám sát trước và trong mùa vụ cà phê, đặc biệt là thời gian thu hoạch. Tích cực cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong tỉnh…
MINH ĐẠO