Mặt trận các cấp với việc xây dựng "Đô thị văn minh "

08:08, 20/08/2014

Cùng với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang đẩy mạnh việc xây dựng "Đô thị văn minh" trên địa bàn.

Cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang đẩy mạnh việc xây dựng “Đô thị văn minh” trên địa bàn.
 
Hướng đến các “Đô thị văn minh” 
 
Là một tỉnh miền núi, nông nghiệp là chính nhưng tốc độ đô thị hóa của Lâm Đồng trong những năm gần đây khá nhanh. Toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu người sinh sống tại 10 huyện, 2 thành phố; 147 xã, phường, thị trấn; 1.569 khu dân cư. Trong đó, TP Đà Lạt là đô thị loại I có 12 phường, TP Bảo Lộc có 6 phường.
 
Trong những năm gần đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) các cấp trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” từ vùng nông thôn đến đô thị. Riêng ở đô thị, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, tính đến cuối tháng 6/2014, toàn tỉnh có 15 trong tổng số 30 phường và thị trấn đã công nhận đạt chuẩn văn hóa; 534/577 tổ dân phố đã được công nhận đạt danh hiệu văn hóa. Đã có 25/30 phường, thị trấn đã xây dựng được nhà văn hóa (tỷ lệ 83,3%); 278/577 tổ dân phố đã có nhà sinh hoạt cộng đồng (chiếm trên 48%).
 
Là nơi tập trung dân cư cao, cơ sở hạ tầng phát triển, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của một vùng nên đô thị cần được đánh giá khác với vùng nông thôn. Tháng 6/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 27/2013 ban hành quy chế xét công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quy chế mới này ra đời nhằm thay thế cho quy chế công nhận danh hiệu “Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa” do tỉnh ban hành trong năm 2009 trước đó. Theo quy chế mới, các phường và thị trấn trong các vùng đô thị muốn là “Đô thị văn minh” phải đạt các tiêu chuẩn đặt ra như: chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và qui định chung của địa phương; phát triển kinh tế, quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch; phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị. Trong những điều này có các quy định khá cụ thể, chẳng hạn trong văn hóa - xã hội có các yêu cầu như nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình… UBMTTQ các cấp cho đến nay đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai phong trào xây dựng “Đô thị văn minh” tại địa phương. Theo UBMTTQ tỉnh, trong tỉnh đã xuất hiện nhiều hình thức, cách làm phong phú, đa dạng, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như TP Đà Lạt. Trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thành phố này đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể, từng bước chỉnh trang đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Xây dựng cơ sở hạ tầng tại thành phố Đà Lạt
Xây dựng cơ sở hạ tầng tại thành phố Đà Lạt
 
Cần thống nhất các tiêu chí 
 
Một bất cập lớn hiện nay, theo UBMTTQ tỉnh, là các nội dung, tiêu chí để xây dựng “Đô thị văn minh” ở từng địa phương trong tỉnh hiện chưa có sự thống nhất. Không thống nhất trong công tác chỉ đạo; quy trình thực hiện và phân công trách nhiệm cho các tổ chức triển khai thực hiện cũng mỗi nơi một khác. Đặc biệt, các tổ dân phố hiện nay vẫn chưa xác định rõ nội dung xây dựng “Đô thị văn minh” trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng như trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia chủ trì phối hợp thực hiện. Nguyên do được UBMTTQ tỉnh chỉ ra: nội dung xây dựng “Đô thị văn minh” còn mới quá nên các cấp… lúng túng. Cho đến nay, trung ương cũng như tỉnh chưa có các văn bản chỉ đạo, quy định hoặc hướng dẫn một cách chi tiết hơn về xây dựng “Đô thị văn minh”. “Các tiêu chí đề ra chỉ có tính định hướng, nhiều tiêu chí chỉ phù hợp ở các khu vực đô thị miền xuôi, vùng đồng bằng hơn là một đô thị miền núi như Lâm Đồng” - ông Phạm Kim Khang, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng nhận xét. 
 
Một so sánh: với chương trình xây dựng nông thôn mới, trung ương đã có hướng dẫn cụ thể với các tiêu chí khá rõ ràng để các địa phương thống nhất thực hiện. Cùng đó, hầu như cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; huy động được đông đảo các tầng lớp người dân tham gia nên đã đạt được những kết quả rất lớn. Chính vì vậy, theo UBMTTQ tỉnh, thời gian đến cần có những giải pháp tích cực hơn trong phong trào xây dựng “Đô thị văn minh”, trước hết là thống nhất các nội dung, tiêu chí xây dựng “Đô thị văn minh”; có phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành tham gia thực hiện. “Cần xác định rõ các tiêu chí đô thị, phân loại đô thị để có hướng dẫn cụ thể; đẩy mạnh việc xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, tăng cường công tác quản lý đô thị” - ông Khang đề xuất.
 
Riêng MTTQ các cấp, như UBMTTQ tỉnh xác định: xây dựng “Đô thị văn minh” là một trong những nội dung quan trọng, gắn liền với phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ chủ trì, phối hợp thực hiện. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, UBMTTQ tỉnh đang lồng ghép, đưa các nội dung tiêu chí xây dựng “Đô thị văn minh” vào các nội dung để thực hiện cuộc vận động này; hướng dẫn MTTQ các cấp, các tổ dân phố triển khai, vận động người dân tham gia; coi đây là cơ sở để kiểm tra đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua và công nhận “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hằng năm.
 
GIA KHÁNH