Một số giải pháp để phát huy vai trò đội ngũ trí thức Lâm Đồng hiện nay

08:08, 04/08/2014

Những năm qua, tuy số lượng đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng lên khá mạnh nhưng việc tập hợp và phát huy như thế nào để trí thức có điều kiện đóng góp tối đa trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là vấn đề rất cần được sự quan tâm…

Theo số liệu thống kê (1/4/2002) Lâm Đồng hiện có 54.806 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên, chiếm 4,45% dân số của tỉnh, trong đó có hơn nửa đang công tác trong các cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp. Những năm qua, tuy số lượng đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng lên khá mạnh nhưng việc tập hợp và phát huy như thế nào để trí thức có điều kiện đóng góp tối đa trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là vấn đề rất cần được sự quan tâm từ cả 2 phía: đội ngũ trí thức và tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.
 
 Ươm mầm tương lai - Ảnh: NGỌC MINH
Ươm mầm tương lai - Ảnh: NGỌC MINH
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Lâm Đồng đã đề ra một số giải pháp vừa cụ thể vừa có tính định hướng như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác trí thức, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay nhằm xây dựng, tập hợp và phát huy mọi khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Lâm Đồng; Tăng cường sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức hội của trí thức; Đổi mới hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, v.v…
 
Ngoài những giải pháp nêu trên thì một trong những giải pháp có thể mang lại hiệu quả cao nhất trong việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là tạo cho trí thức có được một sân chơi phù hợp với năng lực sở trường của mình, thông qua đó mỗi trí thức đều được thể hiện ý tưởng khoa học, sáng tạo của mình tham gia đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện và hiến kế những giải pháp tích cực cho các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh bớt những sai sót có thể xảy ra trong quá trình tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách đó trong thực tiễn.
 
Hàng năm, tỉnh giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh làm đầu mối tập hợp đội ngũ trí thức tiêu biểu thực hiện một số nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám sát xã hội về một số chương trình, kế hoạch, qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước khi trình Hội đồng Nhân dân tỉnh tại các kỳ họp của Hội đồng. Làm điều này cũng chính là để triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam một cách hiệu quả trong thực tiễn.
 
Về hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh, vẫn còn nhiều bất cập, tỉ lệ trúng thầu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm các đơn vị ngoài tỉnh còn chiếm đa số. Theo chúng tôi, đây là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động khoa học - công nghệ thời gian qua vẫn chưa gắn kết chặt chẽ được với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, v.v…
 
Để khắc phục, chúng tôi thiết nghĩ hàng năm lãnh đạo tỉnh nên gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với trí thức để lắng nghe, đồng thời vừa đặt hàng vừa trực tiếp giao cho đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ của tỉnh một số nhiệm vụ khoa học - công nghệ nhằm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi cộm đang đặt ra trong thực tiễn có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Tóm lại, phải bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp mới phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của trí thức đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng.
 
ThS NGỤY XỨNG HÙNG
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Lâm Đồng