Trong ký ức của người đảng viên vừa tròn 65 tuổi Đảng, những dấu mốc phôi thai và hình thành Đảng bộ huyện Di Linh vẫn rất rõ nét. Đối với ông, thời gian kháng chiến nằm vùng để lãnh đạo Ban Cán sự Huyện ủy Di Linh gắn liền với những hồi ức đấu tranh kết hợp "hai chân" (vũ trang và chính trị) để phá hệ thống "ấp chiến lược", mở rộng Nam Bắc đường 20.
Trong số 3 người từng giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt Đảng bộ Di Linh những ngày đầu thành lập, chỉ duy nhất ông Hà Huy Do - nguyên Bí thư Huyện ủy Di Linh (1965 - 1979), là còn sống. Trong ký ức của người đảng viên vừa tròn 65 tuổi Đảng, những dấu mốc phôi thai và hình thành Đảng bộ huyện Di Linh vẫn rất rõ nét. Đối với ông, thời gian kháng chiến nằm vùng để lãnh đạo Ban Cán sự Huyện ủy Di Linh gắn liền với những hồi ức đấu tranh kết hợp “hai chân” (vũ trang và chính trị) để phá hệ thống “ấp chiến lược”, mở rộng Nam Bắc đường 20.
|
Đồng chí Hà Huy Do |
Cùng với ông Hà Ngọc Bích và ông Nguyễn Xuân Du, ông Hà Huy Do (còn gọi là Tư Do) là 1 trong 3 cán bộ của Khu V chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và Cực Nam (tên gọi khác của vùng tam giác Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận). Sau gần 10 năm hoạt động ở Tánh Linh (Bình Thuận), đầu năm 1960, ông được điều động về Huyện ủy Di Linh, thay ông Nguyễn Xuân Du, phụ trách Đội công tác Hoành Sơn - là đội công tác đặc biệt, gồm tiểu đội vũ trang và đội công tác phát động chính trị, có nhiệm vụ mở rộng Nam Bắc đường 20.
Di Linh trong thời chiến có biệt hiệu là K3, là vùng địch kiểm soát. Dọc dài quốc lộ 20, địch hình thành dày đặc 49 ấp chiến lược. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác chính trị thời kỳ đầu thành lập Đảng bộ Di Linh, chính là vận động quần chúng theo cách mạng, tham gia phá ấp chiến lược. Đó cũng là nhiệm vụ then chốt của Đội công tác Hoành Sơn. Ông Hà Huy Do kể: “Cuối năm 1961, để chuẩn bị cho yêu cầu mở đường Trường Sơn, Đội công tác Hoành Sơn có nhiệm vụ nối đường liên lạc của Khu 6 (Bình Thuận) qua đường 20 tới Kênh Đạ (ranh giới giữa Quảng Đức với Di Linh) bắt liên lạc với B7 (Đoàn công tác ở miền Bắc vào để mở đường Hồ Chí Minh). Từ cuộc gặp gỡ này, ngày 31/7/1961, Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã được thành lập, lấy biệt hiệu là E 300. Đầu năm 1962, Tỉnh ủy Lâm Đồng chính thức được thành lập; sau đó, ra quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng bộ Di Linh (thuộc E 300)”.
Tháng 9/1963, Đảng bộ Di Linh đại hội lần thứ nhất. Ông Hà Ngọc Bích được bầu làm Bí thư Huyện ủy, ông Hà Huy Do làm Phó Bí thư. Đến năm 1965, do yêu cầu công tác, ông Hà Huy Do được phân công giữ nhiệm vụ quyền Bí thư Huyện ủy Di Linh. Và, đến năm 1969, sau khi trúng cử Tỉnh ủy viên, ông chính thức giữ chức Bí thư Huyện ủy Di Linh.
Trong vai trò Bí thư kiêm Chính trị viên trưởng, ông Hà Huy Do đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và phối hợp với lực lượng toàn miền trong nhiều trận đánh ác liệt trên đường 20. Điển hình như trận đánh vào tháng 3/1967, tại cây số 3 (Di Linh), lực lượng bộ đội chủ lực của địa phương Đại đội 742 kết hợp với Tiểu đoàn 186 (Khu VI) bắn rơi máy bay L19 của địch và giết tên quận trưởng. Ông kể: “Trong đấu tranh, luôn lấy phương châm “2 chân, 3 mũi” (2 chân: Chính trị - vũ trang và 3 mũi giáp công: Chính trị - vũ trang - binh vận). Đấu tranh nhưng phải kèm chính trị và binh vận, thuyết phục địch theo ta, thu hồi vũ khí. Địch kiểm soát hệ thống ấp chiến lược trên đường 20, ta đóng trong rừng và chỉ hoạt động vào ban đêm, xâm nhập vào các ấp chiến lược để thuyết phục, vận động quần chúng theo cách mạng”. Vốn từng có nhiều năm kinh nghiệm vận động đồng bào Raglay (Bình Thuận) theo cách mạng, nay lên Di Linh ăn ở với đồng bào K’Ho, ông tiếp tục “3 cùng” với bà con, nhiều phen thoát chết nhờ được bà con che chở. Ông Hà Huy Do kể: “Sở dĩ bộ đội ta có thể đấu tranh chống lại hệ thống ấp chiến lược trên đường 20, là nhờ vào 2 căn cứ cách mạng quan trọng mà ta gây dựng được, gồm căn cứ Kon Rum (Hòa Bắc) ở phía Nam và căn cứ Xã 5 (nay là Đinh Trang Thượng) ở phía Bắc đường 20”.
Những năm sống với đồng bào dân tộc Raglay ở Bình Thuận, ông học tiếng Raglay; rồi sau lên Di Linh (Lâm Đồng) ở với đồng bào dân tộc K’Ho, lại học tiếng K’Ho, rồi học tiếng Châu Mạ. Ông không ngại trải nghiệm khó khăn cùng với đồng bào DTTS để vận dụng cho được 6 chữ đã thuộc nằm lòng trong suốt những năm nằm vùng thực hiện chính sách dân tộc: “Đoàn kết, tương trợ, bình đẳng”. Kinh nghiệm này đã giúp ông vận động đồng bào K’Ho, Châu Mạ ở Di Linh tổ chức nhiều hoạt động cách mạng nằm vùng cho đến ngày giải phóng. Một trong những thành quả quan trọng thời kỳ này, đó là ông đã chỉ đạo cơ sở chuẩn bị lực lượng UBND Cách mạng lâm thời ở 11 xã và lực lượng này đã bắt tay ngay vào việc sau khi Di Linh được giải phóng, bắt nhịp với yêu cầu củng cố, xây dựng và ổn định chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, cùng với việc tổ chức định cư, định canh cho người dân các địa phương đến Di Linh xây dựng kinh tế mới. Năm 1977, ông được cử đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội). Đó cũng là thời gian ông thôi giữ chức Bí thư Huyện ủy Di Linh và liên tục giữ các chức vụ công tác khác ở Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu.
Ở tuổi 88, ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Điều ông tâm đắc nhất cho đến tận bây giờ, là ông vẫn giữ được phẩm chất gương mẫu, thanh đạm của một người đảng viên sống giữa đời thường, làm gương sáng cho quần chúng về lòng tin của người đảng viên kiên trung đối với Đảng, với cách mạng.
HẢI UYÊN