8,4% dân số Lâm Đồng bị khuyết tật là một con số không nhỏ. Chính sách hỗ trợ người khuyết tật có sẵn nhưng triển khai trong thực tế thế nào mới là vấn đề.
8,4% dân số Lâm Đồng bị khuyết tật là một con số không nhỏ. Chính sách hỗ trợ người khuyết tật có sẵn nhưng triển khai trong thực tế thế nào mới là vấn đề.
Khát vọng tự lập
Với Võ Thị Mỹ Trang, 29 tuổi, người Tân Hội - Đức Trọng, mỗi ngày là một sự nỗ lực. Nỗ lực vượt qua mặc cảm tật nguyền, nỗ lực vươn lên tự nuôi sống được bản thân mình, và nếu được giúp đỡ cho cha mẹ, người thân.
3 tuổi, Trang bị sốt bại liệt, gia đình tận lực chạy chữa. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức tiền bạc để đẩy lùi căn bệnh, nhưng đôi chân của Trang đã không còn như xưa. Trang lớn lên trong lặng lẽ. Khi ai đó đi đâu kể chuyện phương xa, Trang chỉ biết ngồi nghe và nhìn xuống đôi chân bất lực của mình.
Năm 24 tuổi, một lần có người giới thiệu với Trang về Công ty đan thêu móc len Nắng Mai dành cho người tàn tật tại Đà Lạt. Nhờ người lên tận nơi hỏi, Trang hăm hở đi học nghề đan thêu và với cái nghề này Mỹ Trang tìm thấy một cơ hội mới cho cuộc đời của mình. Trang trở thành công nhân của Công ty Nắng Mai.
Cùng làm việc với Trang tại đây trong nhiều năm nay còn có gần 15 người khuyết tật khác chung cảnh ngộ. Có người khuyết tật về vận động, có người khuyết tật về nghe nói… Không ít người làm việc tại đây có gần 10 năm thâm niên, vốn có mặt ngay từ lúc công ty này mới thành lập. Có người đến từ các tỉnh phía Bắc, tận Hà Nội, nhờ đọc báo biết có một cơ sở như thế ở Đà Lạt, đã gọi điện vào và một mình lên xe vào đây với đôi nạng gỗ. Mỗi cuộc đời một hoàn cảnh, nhưng nét chung nhất ở đây là họ đều làm việc rất chăm chỉ, ai cũng muốn tự lập, muốn trở thành một con người có ích cho xã hội.
Nắng Mai như một ngôi nhà chung cho những người khuyết tật. Máy móc được thiết kế để những người khó khăn về vận động có thể dễ dàng sử dụng; có chỗ ở tại chỗ, có bếp phục vụ cơm nước trong ngày cho mọi người. “Lúc đầu lên đây cũng nhớ nhà, ở nhà người thân giúp đỡ, lên đây mọi người lại cùng giúp nhau. Học đan thêu không khó lắm, công việc khoán sản phẩm nên ai có sức thì nhận nhiều làm nhiều” - Trang đưa chúng tôi xem các mẫu hàng rất đẹp cô vừa hoàn tất.
Bên cạnh số công nhân đang làm việc tại xưởng, Nắng Mai còn có khoảng 15 người khuyết tật khác đang làm việc cho mình tại nhiều huyện trong tỉnh Lâm Đồng. Đó vốn là những công nhân trước đây từng làm việc ở đây, nay lập gia đình về lại nhà sinh sống. Hầu hết những cặp đôi này cả vợ chồng đều là người khuyết tật, nhận hàng về nhà làm và khi hoàn tất gửi hàng trở lại cho công ty. “Hầu hết mọi người đều đã quen với việc gia công hàng len xuất khẩu, khoán nên cứ tùy sức đăng ký, công ty gửi qua xe buýt, làm xong gửi lên lại cho công ty” - bà Trần Thị Trang - Giám đốc Công ty Nắng Mai cho biết. Thu nhập của mọi người tại Nắng Mai hiện nay trung bình khoảng trên 2,2 triệu đồng/tháng, nhiều người cao hơn. Công ty bao cơm, cung cấp chỗ ở cho tất cả mọi người, thực hiện đầy đủ tất cả các chế độ cho người lao động về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
|
Các công nhân là người khuyết tật đang làm việc tại Công ty Nắng Mai |
Bên lề xã hội
Thống kê cho biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có khoảng 104 nghìn người khuyết tật, chiếm 8,4% dân số; trong đó có gần 45% là nữ, khoảng 60% sống ở nông thôn, 2,1% là trẻ em trong độ tuổi đi học. Hiện có hơn 10 nghìn người khuyết tật (khoảng 12,5%) còn khả năng lao động; trong đó số người được đào tạo nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định khoảng 2.000 người, chỉ chiếm gần 2% số người khuyết tật của tỉnh.
Cũng theo con số thống kê, 4 dạng khuyết tật chiếm tỷ trọng cao nhất là khuyết tật vận động (chiếm 24%), khuyết tật về thị giác (23,6%), khuyết tật trí tuệ (23%) và khuyết tật nghe nói (19,5%); những dị tật khác ở dưới mức 10%. Nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật: bẩm sinh, bệnh tật, hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… Điều đáng nói công tác phát hiện và điều trị sớm; điều trị phục hồi chức năng cho người khuyết tật của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tỷ lệ mắc khuyết tật nặng còn rất cao, gây ảnh hưởng lớn đến gia đình, cộng đồng và cả xã hội.
Lâu nay công tác dạy nghề cho người khuyết tật được nhiều tổ chức đơn vị quan tâm như Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Hội Người khuyết tật các huyện, thành phố trong tỉnh; các cơ sở bảo trợ xã hội và thông qua các chương trình đào tạo nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng tổ chức… Tuy nhiên, số người được đi học nghề, có việc làm ổn định hãy còn quá ít. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lâm Đồng cho biết, từ năm 2010 đến nay, có 205 người khuyết tật được đào tạo nghề, chủ yếu là nghề thủ công đan lát, thêu, may, vi tính.
Theo ông Lê Quang Hân - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật trong tỉnh hiện nay vẫn còn rất ít so với nhu cầu của người học nghề; trang bị phương tiện dạy nghề cho người khuyết tật hầu như chưa có gì; nhiều ngành nghề được dạy chưa phù hợp với người khuyết tật nên họ không tham gia, chưa mở được các lớp chuyên biệt dạy nghề riêng cho người khuyết tật. Kinh phí các cấp dành cho công tác dạy nghề người khuyết tật hằng năm vẫn còn rất hạn hẹp.
Cùng đó, không ít người khuyết tật dù hoàn tất các khóa học nghề nhưng vẫn rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm vì ít có doanh nghiệp nào nhận người khuyết tật vào làm việc. Không nhiều doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đến việc đào tạo nghề tại chỗ, tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Rất nhiều người khuyết tật hiện nay dù nỗ lực nhưng vẫn phải sống bên lề xã hội.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng, Lâm Đồng cần tăng cường công tác dạy nghề; miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật. Tỉnh nên có chính sách khuyến khích các tổ chức trong xã hội mở các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; khen thưởng và hỗ trợ ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho người khuyết tật (tiêu biểu như Nắng Mai). Còn theo ông Hân, tỉnh nên khuyến khích người khuyết tật thành lập các cơ sở sản xuất của riêng họ, có chính sách hỗ trợ để các cơ sở, doanh nghiệp này tự vận hành, tự nuôi sống được mình.
VIẾT TRỌNG