Họ đều là những người còn trẻ, nhiệt huyết trẻ, đam mê và tràn đầy ước mơ. Và họ đều đang giữ những vị trí lãnh đạo trong những cơ quan, chính quyền của huyện Lạc Dương, mang sức mình đóng góp cho cộng đồng, cho bà con, góp phần giúp quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.
Họ đều là những người còn trẻ, nhiệt huyết trẻ, đam mê và tràn đầy ước mơ. Và họ đều đang giữ những vị trí lãnh đạo trong những cơ quan, chính quyền của huyện Lạc Dương, mang sức mình đóng góp cho cộng đồng, cho bà con, góp phần giúp quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.
• Cil Bri: “Tôi muốn thay đổi nhận thức của người phụ nữ K’Ho”
Cil Bri sinh năm 1977, là người K’Ho sinh ra và lớn lên ngay chân đỉnh Lang Biang. Thời Bri còn bé, Lạc Dương lúc ấy còn khó khăn, vất vả rất nhiều nhưng cô gái nhỏ vẫn cố gắng vươn lên học tập. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Tây Nguyên, Cil Bri trở thành bác sĩ và trở về phục vụ cho bà con quê hương. Suốt những năm công tác tại Trạm y tế thị trấn Lạc Dương, dù trong vai trò bác sĩ khám bệnh hay một trạm trưởng, Cil Bri đều làm việc hết lòng. Với lợi thế là người dân tộc K’Ho, Bri đặc biệt thích hợp với việc tuyên truyền tới những người phụ nữ bản địa những kiến thức về chăm sóc sức khỏe gia đình, sức khỏe sinh sản.
Và vừa qua, Cil Bri vừa được tin tưởng, giao nhiệm vụ mới, cô trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện Lạc Dương, đơn vị chuyên chăm lo tới công tác dân số và gia đình cho nhân dân. Ở cương vị này, lợi thế gần gũi, thấu hiểu chị em phụ nữ cùng dân tộc của Bri càng được phát huy. Cô cho biết, Lạc Dương còn khó khăn, nhận thức của cả cộng đồng nói chung và chị em phụ nữ nói riêng về vấn đề sức khỏe sinh sản, dân số và kế hoạch hóa gia đình còn khá hạn chế. Làm sao để giảm mức sinh, giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ là nhiệm vụ của đội ngũ người làm công tác dân số từ huyện tới xã, tới thôn. Khẩu hiệu làm việc của người làm công tác dân số được Bri chia sẻ với nụ cười rất tươi “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ gia đình”, nắm bắt hết mọi tình hình và thuyết phục, hướng dẫn chị em. Cil Bri tâm sự: “Nói chung thì trong các gia đình, phụ nữ vẫn là người phải chủ động trong việc quyết định phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy, tôi mong muốn cùng chị em thay đổi nhận thức, giữ gìn sức khỏe và giảm số con trong từng hộ”. Gắn bó với mỗi hộ gia đình, Cil Bri, cô bác sỹ của núi rừng đang làm tốt công việc của mình, đồng hành với chị em phụ nữ.
• Phi Srổn Ha NRàng: “Khát khao cho tương lai của quê hương”
Gặp chủ tịch xã còn rất trẻ của xã khó khăn Đưng K’Nớ, Lạc Dương, điều đầu tiên là nhận thấy anh khá nghiêm nghị, sự nghiêm nghị của chàng thanh niên 31 tuổi. Phi Srổn Ha NRàng sinh năm 1983, vừa được bầu bổ sung trở thành Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ đầu năm 2014. Sự nghiêm nghị của anh không lạ nếu biết Phi Srổn Ha NRàng xuất thân từ quân ngũ. Vốn là người K’Ho quê ngay tại Đưng K’Nớ, Phi Srổn Ha NRàng vào bộ đội, sau đó xuất ngũ trở về địa phương, học tiếp qua trung cấp quân sự địa phương và giữ vai trò xã đội trưởng nhiều năm, luôn thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, thúc đẩy phong trào cũng như động viên tinh thần nhập ngũ phục vụ nhân dân của thanh niên. Được bà con tin yêu, anh trở thành Phó Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2010 và vừa trở thành Chủ tịch xã trẻ nhất huyện Lạc Dương.
Bắt tay vào công việc mới, Phi Srổn Ha NRàng gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa tiếp tục tìm hiểu, học tập do chưa có kinh nghiệm quản lý thực tế. Anh kể, Đưng K’Nớ có tới 97% là người dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn về mọi mặt, nhất là xây dựng kinh tế. Bà con chủ yếu sống nhờ cây cà phê, giá cà phê vốn lên xuống thất thường. Không những thế, nhiều bà con còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa cố gắng lao động thoát khỏi nghèo đói. Công việc của một chủ tịch xã rất nhiều, anh vừa làm, vừa sâu sát bà con, vận động bà con tăng gia sản xuất. Đồng thời, tìm những nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, giúp bà con vượt qua khó khăn. Anh hi vọng trong tương lai không xa, Đưng K’Nớ quê anh sẽ khá giả hơn. Và với tinh thần quên mình của người lính, Phi Srổn Ha NRàng sẽ cùng bà con hăng say lao động sản xuất, vươn lên cho một quê hương no ấm.
• R’Ông K’Síu - Chủ tịch UBND xã Lát: “Tìm cách giữ cho bà con có 2 chân đi vững”
Sinh năm 1976, R’Ông K’Síu lớn lên trong môi trường của vùng đồng bào dân tộc K’Ho với đa phần là người K’Ho, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, nên 11 tuổi K’Síu mới được đi học lớp 1. Nhưng chính cái nghèo ấy đã thôi thúc anh phải học, phải làm gì đó để giúp bà con dân làng trong vùng. Anh đã quyết tâm học và tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Sau đó, anh được nhận vào làm cán bộ Văn phòng UBND xã Lát, huyện Lạc Dương từ năm 2004 đến nay.
Mới đây, R’Ông K’Síu được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Lát. K’Síu chia sẻ: cũng có nhiều phòng, ban của huyện muốn kéo về, nhưng tôi thích ở cơ sở, gắn bó với bà con, có tiếng nói cho bà con đỡ thiệt thòi. Tôi luôn nhắc nhở mình làm việc gì cũng phải có cái tâm, đã là cán bộ càng cần phải có tâm hơn. Hiện nay, xã Lát đã có 78km đường nhựa đến trung tâm xã, bà con chủ yếu trồng cà phê và có 40ha lúa nước, một số ít trồng rau. Đây là hai cây trồng chủ lực mà vị tân chủ tịch xã Lát đang thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cho bà con. K’Síu nói hai loại cây trồng chủ lực như “2 cái chân” của bà con, cây cà phê sẽ cho thu nhập ổn định, cây lúa nước, và sắp tới là hướng đến trồng rau sạch, cây dược liệu Atiso là hướng mở cho bà con duy trì cuộc sống hàng ngày. Thế nên phải làm sao giữ cho “2 chân” đi thật vững. Khi đó, cuộc sống của bà con mới khấm khá lên được. Với nụ cười thật tươi, Chủ tịch UBND xã Lát khẳng định, chỉ có làm dân no, trẻ em được tới trường, đời sống của bà con được đảm bảo, anh cũng như chính quyền xã, huyện mới hoàn thành nhiệm vụ của mình, mới thực hiện tốt vai trò người cán bộ của nhân dân.
D.Quỳnh - N.Thu