Có dịp trò chuyện cùng những người con ưu tú của đại ngàn Bảo Lâm, cho dù là cán bộ hay là dân, chúng tôi nhận ra ở họ những tố chất mộc mạc, chân tình và có ý chí vượt khó, có tinh thần trách nhiệm và biết đoàn kết, yêu thương…
Có dịp trò chuyện cùng những người con ưu tú của đại ngàn Bảo Lâm, cho dù là cán bộ hay là dân, chúng tôi nhận ra ở họ những tố chất mộc mạc, chân tình và có ý chí vượt khó, có tinh thần trách nhiệm và biết đoàn kết, yêu thương…
Ông K’Wi (Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm)
|
|
Sinh năm 1957, đến hôm nay, ông K’Wi đã 38 năm theo Đảng, làm cán bộ. Từ cán bộ thị trấn B’Lao (năm 1976), Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Lộc, Trưởng Ban Định canh định cư huyện Bảo Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lâm đến Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm (năm 2005 đến nay), ông K’Wi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông tâm sự: “Dù ở vị trí công tác nào, tôi cũng đều đem hết khả năng, với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm. Riêng trong thời gian làm Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, tôi cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Đảng bộ huyện tích cực chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương và công tác vận động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước…”. Trong quá trình công tác, ông đã được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương. Phần thưởng cao quý nhất, là năm 2014, ông được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
“Trong cuộc đời làm cán bộ, điều gì ông tâm đắc nhất và còn có gì trăn trở?” - chúng tôi hỏi. Ông K’Wi vui vẻ: “Điều tâm đắc là tôi đã góp phần cùng với Đảng bộ và chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS. Tuy nhiên, điều tôi còn trăn trở là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS còn cao; một số người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước, chưa thực sự vươn lên làm ăn để thoát nghèo. Để khắc phục được điều đó, không riêng gì tôi mà cả Đảng bộ đều mong muốn!”.
Già làng K’Séo (thôn B’Đơr, xã Lộc An)
Năm nay đã ở tuổi 80, nhưng già làng K’Séo còn minh mẫn. Già kể: Từ 1975 đến 1984, già làm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn B’Đơr; năm 1985 đến 1995, làm Phó Chủ tịch UBMTTQ VN xã Lộc An và từ năm 1996 đến nay là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn B’Đơr. Trong chừng ấy năm tham gia công việc xã hội, già làng K’Séo luôn mẫu mực, tích cực vận động, tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS; qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con.
“Mỗi năm, tôi hòa giải thành công từ 10 - 15 vụ mâu thuẫn. Có những vụ việc chỉ hòa giải 1 lần, nhưng cũng có những vụ phức tạp phải giải quyết 4 - 5 lần mới xong” - già K’Séo chia sẻ. Bí quyết hòa giải của già làng K’Séo cũng khá đơn giản: “Cái gì đúng mình nói đúng, cái gì sai mình bảo sai. Có như vậy bà con mới nghe!”. Tuy nhiên, để làm được như vậy, theo già làng K’Séo, cần phải vận động từng bước, từng hộ và từng người, dựa vào luật pháp và truyền thống, luật tục tốt đẹp của đồng bào bản địa Tây Nguyên thì mới mang lại sự đoàn kết thực sự trong nhân dân. Theo già làng K’Séo, hiện nay, tuy cuộc sống của người dân thôn B’Đơr đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn một số hộ thiếu đất sản xuất; vì vậy, rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế để góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chị Vi Thị Đẹp (Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Bảo Lâm)
Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, chị Vi Thị Đẹp (dân tộc Nùng) đã thỏa lòng mơ ước trở thành một cô giáo. Do điều kiện gia đình, năm 1990, chị vào Đạ Tẻh dạy học và đến năm 1995, chuyển công tác về huyện Bảo Lâm. Là một giáo viên dạy toán - lý, chị say sưa với nghề đã chọn và luôn đạt thành tích cao trong giảng dạy. Năm 1997, chị được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường THCS Lộc Quảng. Năm 2000, chị được luân chuyển làm Hiệu phó Trường THCS Lộc Phú và đến năm 2004, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Từ năm 2010 đến nay, chị được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Bảo Lâm.
Trong vai trò Chủ tịch Công đoàn, chị Vi Thị Đẹp tham mưu tốt cho lãnh đạo Phòng Giáo dục về công tác thi đua, khen thưởng và xây dựng kế hoạch triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành và của cấp trên; đồng thời, phối hợp với Phòng và các trường học triển khai tốt nghiệp vụ công đoàn. Nhờ vậy, hàng năm, tỷ lệ công đoàn cơ sở các trường học đạt vững mạnh chiếm tỷ lệ cao. Riêng năm học 2013 – 2014, có 59 công đoàn cơ sở đạt vững mạnh, chiếm tỷ lệ 95,2%; không có công đoàn cơ sở yếu kém. Bản thân chị đã được tặng thưởng nhiều giấy khen và bằng khen. Hai năm liền (2012, 2013), chị được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Anh Điểu Hòa (thôn 3, xã Lộc Lâm)
Năm 1995, rời quê Đồng Nai, chàng trai dân tộc Châu Ro - Điểu Hòa, bắt đầu khởi nghiệp tại thôn 3, xã Lộc Lâm, chỉ với số tiền 5 triệu đồng. Từ chỗ có được 5 sào đất trồng chè làm vốn, đến năm 1997, Điểu Hòa tiếp tục vay mượn để mua thêm 5,5ha đất canh tác. Trong đó, 3ha đất Điểu Hòa trồng cà phê; số diện tích còn lại trồng chè. Sau hơn 4 năm đầu tư chăm sóc, năm 2001, cà phê cho thu hoạch lứa đầu tiên. Song, vào thời điểm hiện tại, cà phê rớt giá, chỉ còn 4.200 đồng/kg. Vậy là tiền bán cà phê không đủ trả nợ. Mặt khác, do nắng hạn kéo dài, vườn chè 2,5ha cũng bị thiệt hại. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Điểu Hòa rất nhiệt tình và gắn bó với công tác Đoàn. Các buổi liên hoan văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức, Điểu Hòa đều tham gia và đạt nhiều giải. Năm 2006, thông qua Đoàn xã Lộc Lâm, Điểu Hòa được Ngân hàng Chính sách huyện Bảo Lâm cho vay 5 triệu đồng. Số tiền này Điểu Hòa dùng cho việc chăm sóc trở lại vườn chè và vườn cà phê. Cũng năm này, Đoàn xã Lộc Lâm tổ chức đại hội và Điểu Hòa được bầu là Phó Bí thư Đoàn xã. Năm 2008, nhờ được đầu tư chăm sóc, vườn chè và cà phê bắt đầu hồi phục và dần cho thu hoạch ổn định. Sau khi đã trừ các khoản chi phí, hàng năm, vườn chè và cà phê đã mang lại cho Điểu Hòa thu nhập trên 100 triệu đồng.
Năm 2009, Điểu Hòa được bầu làm Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm. Khi đã có nguồn thu từ chè và cà phê ổn định, Điểu Hòa tiếp tục chuyển sang làm mô hình chăn nuôi dê. Hiện tại, Điểu Hòa đang sở hữu 40 con dê lai. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mỗi năm Điểu Hòa còn giúp giải quyết việc làm thời vụ cho 20 lao động địa phương, với tiền công mỗi ngày là 150 ngàn đồng. Hiện nay, Điểu Hòa đã thành lập được 3 tổ đổi công, giúp nhau phát triển kinh tế, với 40 thành viên tham gia.
Ghi nhận thành tích của Điểu Hòa, năm 2008, anh được Hội LHTN tỉnh tặng Bằng khen; năm 2010, UBND tỉnh tặng Bằng khen; năm 2012, Huyện Đoàn Bảo Lâm tặng Giấy khen; năm 2013, được Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen.
XUÂN LONG - TRỊNH CHU