Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là công tác mà Đảng bộ và chính quyền huyện Bảo Lâm luôn quan tâm thực hiện. Từ nguồn vốn đầu tư của nhiều chương trình, dự án và bằng nhiều giải pháp triển khai phù hợp, công tác này đã mang lại hiệu quả.
Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là công tác mà Đảng bộ và chính quyền huyện Bảo Lâm luôn quan tâm thực hiện. Từ nguồn vốn đầu tư của nhiều chương trình, dự án và bằng nhiều giải pháp triển khai phù hợp, công tác này đã mang lại hiệu quả. Nhân Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Bảo Lâm lần thứ II, ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, đã trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng về vấn đề thực hiện công tác giảm nghèo.
PV: Thưa ông! Được biết, trong thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã đạt được kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Vậy, xin ông cho biết kết quả giảm nghèo đã có tác động tích cực như thế nào đối với đời sống của bà con?
|
Ông Nguyễn Văn Triệu Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm |
Ông Nguyễn Văn Triệu: Có thể khẳng định, trong thời gian qua, công tác phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS luôn được huyện quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu như trong năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm là trên 28%, thì đến nay, con số này đã giảm chỉ còn một nửa. Để đạt được kết quả đó, huyện Bảo Lâm đã quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Từ đó, huyện mới đề ra nghị quyết giảm nghèo cụ thể và đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Như chúng ta đã biết, huyện Bảo Lâm có hơn 80% người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Do đó, công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được xác định phải dựa vào thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cho bà con, tạo “cẩm nang” sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù sản xuất của bà con. Ngoài ra, tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, huyện đã tăng cường công tác thu hút đầu tư, xây dựng nông trường và các nhà máy chế biến để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và học hỏi những kinh nghiệm sản xuất khi bà con làm việc cho các doanh nghiệp để về áp dụng vào sản xuất của gia đình mình, nâng cao hiệu quả canh tác. Chính từ hiệu quả của việc giảm nghèo, đời sống vật chất của bà con ngày càng được nâng cao, đời sống tinh thần cũng ngày càng phong phú. Hiện tại, hầu hết các gia đình đều có ti vi, có điện thoại và một số gia đình đã có máy vi tính, nên người dân đã được tiếp cận với thông tin, thưởng thức văn hóa, văn nghệ, giải trí. Từ đó, các hủ tục, mê tín, dị đoan cũng dần bị đẩy lùi.
PV: Vấn đề khó nhất khi đầu tư trong vùng đồng bào DTTS chính là sự trông chờ, ỷ lại của bà con. Huyện Bảo Lâm đã có những cách làm như thế nào để khắc phục tình trạng này và nâng cao hiệu quả đầu tư, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Triệu: Điều này đúng với trước đây, bà con chỉ biết dựa vào sự hỗ trợ. Thế nhưng, suy nghĩ đó dần dần đã được thay đổi. Phần lớn đồng bào DTTS đã biết chủ động trong sản xuất, biết lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp và hiệu quả; biết sử dụng đúng mục đích nguồn vốn được hỗ trợ. Làm được điều này, huyện Bảo Lâm đã trải qua một quá trình khá dài. Thay vì đầu tư dàn trải như trước đây, thì nay huyện đã chọn cách đầu tư tập trung; xây dựng những mô hình sản xuất điểm, bà con có thể trực tiếp nhìn thấy để làm theo. Hiện tại, huyện đã xây dựng một số mô hình vườn hộ tại các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo và bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng.
Ngoài ra, thay vì hỗ trợ “vô điều kiện” như trước, thì nay những hộ muốn nhận được hỗ trợ đầu tư thì phải có cam kết thoát nghèo. Nếu tự bà con không có quyết tâm thoát nghèo, Nhà nước sẽ không đầu tư. Do đó, đến nay, có thể khẳng định nhận thức của bà con đã có chuyển biến rất rõ nét. Sự trông chờ, ỷ lại tuy vẫn còn, nhưng đã có xu hướng giảm dần, chỉ tồn tại ở những người lười lao động, không chịu làm ăn. Chính quyền các cấp đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để giúp cho họ thay đổi nhận thức. Trước mắt và lâu dài, huyện Bảo Lâm sẽ chú trọng đến việc nâng cao trình độ cho bà con vùng đồng bào DTTS, thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo…
PV: Mục tiêu giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được huyện Bảo Lâm đặt ra như thế nào và những giải pháp để huyện thực hiện mục tiêu đó?
Ông Nguyễn Văn Triệu: Từ nay đến cuối năm 2015, huyện Bảo Lâm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS xuống còn dưới 14%. Đối với các xã nghèo (theo Nghị quyết 30a), huyện phấn đấu giảm từ 4 xã xuống còn 2 xã nghèo và không còn thôn nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Bảo Lâm đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo; thực hiện khuyến nông, khuyến công và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ ổn định sản xuất…
Như tôi đã trao đổi, huyện luôn xác định mục tiêu thoát nghèo không thể “thoát ly” khỏi nông nghiệp. Do đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai các mô hình nông nghiệp phù hợp và sẽ xây dựng đề án phát triển riêng cho từng xã. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hầu như bà con chỉ mới nghĩ đến việc “xóa” nghèo bền vững, mà chưa có ý thức vươn lên làm giàu. Do vậy, thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích xây dựng các mô hình làm giàu; trong đó, lấy cán bộ làm gương thực hiện trước để bà con làm theo. Có như vậy mới có thể tạo được phong trào thi đua làm giàu trong vùng DTTS.
PV: Xin cảm ơn ông!
Huyện Bảo Lâm hiện có 19 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS có 7.888 hộ với 33.817 nhân khẩu, chiếm gần 30% dân số. Riêng DTTS gốc Tây Nguyên có gần 27 ngàn người, chiếm gần 80% trong số các DTTS. Người dân tộc Mạ chiếm đa số; còn lại là dân tộc Kơ Ho, Tày, Nùng, Hoa, Mường, H’Mông, Dao, Khơ Me, Thái, Cil, Lạch, Chu Ru, Sán Dìu, Sơ Tiêng, Châu Ro, Miên, Cao Lan. Mạng lưới trường lớp trong vùng DTTS đã được phát triển. Toàn huyện hiện có trên 22.500 học sinh DTTS các cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS được quan tâm. Gần 95% đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT. Toàn huyện có 41 thôn vùng đồng bào DTTS được công nhận “thôn văn hóa”. Hơn 5.500 gia đình DTTS được công nhận “gia đình văn hóa”. Huyện đã mở 3 lớp truyền dạy cồng chiêng, với gần 130 người tham gia. |
ĐÔNG ANH (thực hiện)