Ngày 23/8, tại Đà Lạt, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Khoa học và Công nghệ ngành Y tế năm 2014 với sự tham dự của 200 đại biểu cả nước. GS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt động KH&CN của ngành Y tế đến năm 2020.
Ngày 23/8, tại Đà Lạt, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Khoa học và Công nghệ ngành Y tế năm 2014 với sự tham dự của 200 đại biểu cả nước. GS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt động KH&CN của ngành Y tế đến năm 2020.
Hiện nay, Bộ Y tế có 73 đơn vị có chức năng hoạt động KH&CN, gồm 23 viện nghiên cứu, 37 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 13 trường đại học - cao đẳng, 83 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ y - dược học, 39 chuyên ngành đào tạo nội trú, BSCK I,
BSCK II, với 6.500 người, trong đó, 452 giáo sư, phó giáo sư; 678 tiến sĩ.
Trong giai đoạn 2010 -2014, có 144 đề tài, dự án KH&CN cấp Bộ Y tế được thực hiện ở các lĩnh vực nghiên cứu gồm: Y học dự phòng, vắc xin, sinh phẩm; y học lâm sàng, dược - dược liệu; nghiên cứu chế tạo, sản xuất trang thiết bị y tế; nghiên cứu y học cơ sở - cơ bản; y tế công cộng, chính sách y tế, với tổng kinh phí đầu tư hơn 134 tỷ đồng và thực hiện 12 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
12 vườn lưu giữ và bảo tồn cây thuốc
Tổng diện tích 12 vườn này khoảng 15ha, trung bình 1,2ha/vườn, lưu giữ 2.562 loại cây thuốc, với tổng số nhân lực hơn 300 người. Trong đó, có Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt lưu giữ 220 loài do Vimedimex quản lý. Việc mở rộng các vườn thuốc này khó khăn bởi phần lớn không được quy hoạch dài hạn để đủ diện tích, bị bao bọc bởi các khu dân cư. Hiện nay, Vườn cây thuốc Yên Tử là vườn cây thuốc đúng nghĩa, lớn nhất Việt Nam, rộng 15ha, trồng 650 loài cây thuốc được thu thập từ 14 tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Theo đề án quy hoạch phát triển dược liệu VN đến 2020 tầm nhìn 2030, một hệ thống gồm 5 vườn cây thuốc cấp quốc gia ở các vùng sinh thái khác nhau được phê duyệt. Mỗi vườn có diện tích từ 50ha trở lên lưu giữ khoảng 1.500 - 2.000 loài cây thuốc trong vùng sinh thái.
DH
|
Một số kết quả nổi bật là thành tựu nghiên cứu sản xuất thành công các vắc xin dự phòng đại dịch như: Công nghệ sản xuất vắc xin sởi theo chuẩn WHO-GMP, nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 (đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2) và vắc xin ngừa cúm A/H1N1 đã sản xuất thành công 11.700 liều quy mô phòng thí nghiệm, thiết lập công nghệ sản xuất vắc xin cúm A/H1N1/09 theo tiêu chuẩn WHO-GMP.
Lĩnh vực y học lâm sàng với các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nổi bật như: Kỹ thuật ghép tạng - là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong y học. Với việc thực hiện thành công 3 trường hợp ghép tim từ người cho chết não, đến nay, một số kỹ thuật ghép tạng từ người cho sống đã trở thành thường quy tại các trung tâm ngoại khoa, đã thực hiện 15 ca ghép gan, 312 ca ghép thận và nhiều ca ghép tủy, ghép giác mạc, ghép da. Năm 2013, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép gan thành công từ người cho sống và người chết não hiến tạng. Kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp mạch đã đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, riêng can thiệp mạch cấp cứu đã cứu sống trung bình 200 -250 ca/năm. Điều trị can thiệp các bệnh tim bẩm sinh thành công cho 1.500 bệnh nhân. Phát triển các kỹ thuật nội soi và vi phẫu thuật nội soi trong chuyên khoa thần kinh sọ não, tai mũi họng, nhãn khoa, tiêu hóa, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Lĩnh vực y học cơ sở bước đầu đã có những nghiên cứu cơ bản về biệt hóa tế bào gốc, ứng dụng công nghệ tế bào gốc, ứng dụng công nghệ gen, ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán.
Lĩnh vực dược và dược liệu ưu tiên nghiên cứu khai thác dược liệu và các bài thuốc cổ truyền. Cây thuốc Trinh nữ hoàng cung đã được nghiên cứu chứng minh tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư và hiện đại hóa bằng thuốc viên Crila bán ra thị trường, hiện đã đăng ký xuất khẩu đợt đầu tiên 2 tấn tinh bột Trinh nữ hoàng cung sang Mỹ. Nghiên cứu sản xuất cây Thìa canh hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Tiếp tục nghiên cứu cây Thanh hao hoa vàng chọn lọc giống cho hàm lượng Artemisinin cao. Nghiên cứu cây Thông đỏ chọn lọc giống và chiết xuất thành công các hoạt chất chữa ung thư với hàm lượng cao.
Định hướng nghiên cứu y - dược đến năm 2020, Bộ Y tế xác định các nội dung nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh; các kỹ thuật ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc xin phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất các vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Chú trọng nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, tăng dần tỉ lệ dùng nguyên liệu trong nước, phát huy ưu thế, tiềm năng dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Quy hoạch một số vùng chuyên canh để sản xuất dược liệu. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền.
Hội thảo đã giới thiệu 9 đề án trong Kế hoạch hành động của Bộ Y tế triển khai đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN, bao gồm: Quy hoạch sắp xếp hệ thống các viện nghiên cứu và tổ chức KH&CN trong ngành y tế; triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đề án nghiên cứu ứng phó với các dịch bệnh mới nổi và mô hình bệnh tật mới; Nghiên cứu hiện đại hóa công nghiệp dược; Đề án xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu và chẩn đoán kỹ thuật cao; Đề án bảo tồn các phương thuốc chữa bệnh truyền thống; Phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong y tế; Phát triển thông tin KH&CN trong y tế; Phát triển dịch vụ KH&CN trong lĩnh vực y tế.
Phát biểu chào mừng hội thảo KH&CN ngành Y tế năm 2014, đồng chí Đoàn Văn Việt – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa gắn nhiệm vụ phát triển KH&CN với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội, tạo tiền đề hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, tỉnh Lâm Đồng đang phấn đấu xây dựng một trung tâm y học hạt nhân tầm cỡ khu vực; phát triển nhiều kỹ thuật hiện đại như: can thiệp tim mạch, cobalt xạ trị; phấn đấu sản xuất trên 300.000 liều vắc xin thương hàn/năm; củng cố trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu trên cơ sở 1.664 cây thuốc, 327 loài dược liệu, trong đó có một số cây đặc trưng của tỉnh như: artiso, canh ki na, đẳng sâm…
DIỆU HIỀN