Cách đây hơn 15 năm, vào năm 1999, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng là thôn đầu tiên của tỉnh phát động xây dựng thôn văn hóa đã khởi đầu cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở Lâm Đồng...
Cách đây hơn 15 năm, vào năm 1999, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng là thôn đầu tiên của tỉnh phát động xây dựng thôn văn hóa đã khởi đầu cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở Lâm Đồng. 15 năm qua, phong trào không ngừng lan tỏa mạnh mẽ, toàn dân, toàn diện, trở thành sức mạnh nội lực cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua dựng xây và phát triển.
|
Nhiều hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh |
Ấn tượng đầu tiên với bất cứ ai lần đầu tiên đặt chân đến Lâm Đồng đều ngợi khen khi chứng kiến từ những buôn làng hẻo lánh xa xôi ở Đồng Nai Thượng, Phước Cát (Cát Tiên), Ton K’Long, Mỹ Đức (Đạ Tẻh), Gia Bắc, Sơn Điền, Đinh Trang Thượng (Di Linh), Lộc Bắc, Lộc Lâm (Bảo Lâm), Rômen, Đạ Tông (Đam Rông), đến đô thị Đà Lạt, Bảo Lộc... ở đâu cũng bắt gặp những dòng chữ quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá. Đôi khi hình thức cũng làm nên nội dung - điều đó hoàn toàn đúng với phong trào TDĐKXDĐSVH; hơn thế nữa, với phong trào TDĐKXDĐSVH, hình thức không chỉ làm nên nội dung mà đã phản ánh nội dung một cách khá chân thực trong suốt 15 năm phong trào chuyển mình, lớn mạnh, lan toả sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nếp sống nếp nghĩ của từng người, từng hộ gia đình, từng khu phố, từng cơ quan trường học.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 241.939/283.142 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá (85,4%), 1.304/1.564 khu dân cư đã được công nhận thôn - buôn - tổ dân phố văn hoá (83,4%), 40/147 xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn văn hoá (27,2%), 1.133/1.373 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hoá (82,5%). Phong trào đã thực sự khơi dậy những nét đẹp văn hoá, những thuần phong mỹ tục mà lâu nay bị lãng quên. Những giá trị đạo đức như trọng tình trọng nghĩa, nhân hậu, thuỷ chung, hiếu thảo; những đạo lý tốt đẹp của dân tộc như đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo được khơi dậy. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã cổ vũ nhân dân trong tỉnh thi đua lao động sản xuất nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát triển những thuần phong mỹ tục, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm. Qua đó, đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được nâng cao, hộ đói không còn, số hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ khá, giàu tăng lên; các gia đình chính sách được quan tâm sâu sắc; cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế sinh hoạt văn hóa được xây dựng; xây dựng chính quyền, đoàn thể cơ sở trong sạch vững mạnh; an ninh, chính trị được đảm bảo; ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của người dân ngày càng cao. Để làm cho phong trào phát triển sâu rộng, đồng bộ, bền vững và đi vào thực chất, công tác phúc tra kiểm tra và kiên quyết không công nhận lại đối với thôn, khu phố, cơ quan đơn vị, hộ gia đình không còn đạt chuẩn các tiêu chí; việc bình xét GĐVH từ tổ dân phố đến thôn được tiến hành nghiêm túc tạo thành phong trào thi đua sôi nổi.
Năm 2010, phong trào xây dựng nông thôn mới được tiến hành trên nền tảng thành quả phong trào TDĐKXDĐSVH, đồng thời, nâng phong trào TDĐKXDĐSVH lên tầm cao mới. Nâng cao chất lượng phong trào, thực hiện tốt từng tiêu chí, làm cho hoàn thiện, thực chất, không chạy theo thành tích. Đi qua những địa phương đã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp khí thế thi đua sôi nổi và nhìn thấy rõ sự chuyển mình trên nhiều mặt đời sống cả vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao, trách nhiệm công dân trong mỗi người được nâng lên bằng những việc làm cụ thể: tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống cầu đường, giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm. Mọi người ai cũng hiểu rằng, cuộc vận động do chính mình thực hiện, và cũng chính mình là người được hưởng thụ thành quả đó. Thực tế cho thấy, huyện nào có phong trào TDĐKXDĐSVH mạnh, phát triển bền vững thì huyện đó sẽ nhanh chóng hoàn thành xây dựng nông thôn mới như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Với nhiều tiêu chí tương đồng như: xây dựng lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất trường học, thiết chế văn hóa, nhà ở cư dân, giáo dục, y tế, môi trường nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị và an ninh trật tự… phong trào TDĐKXDĐSVH đã làm nền tảng để Lâm Đồng nhanh chóng xây dựng thành công nông thôn mới.
Nghị quyết TW 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vừa được TW Đảng ban hành, một lần nữa tiếp thêm sức sống mới cho phong trào TDĐKXDĐSVH trong toàn tỉnh. Trước đây, phong trào TDĐKXDĐSVH làm thay đổi nhận thức cộng đồng, thì nay phong trào sẽ bắt đầu từ con người, xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi con người, mỗi gia đình bằng những hành động cách mạng cụ thể, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ, loại bỏ những hành vi cư xử thiếu văn hóa, không vứt rác bừa bãi, không vi phạm Luật Giao thông...; phấn đấu xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cộng đồng; số hộ gia đình đạt chuẩn hộ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu xây dựng thôn, bản đạt đơn vị văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... Mục tiêu đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 85% số hộ được công nhận GĐVH, 75% khu dân cư, 30% phường - xã thị trấn, 95% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX (2010 - 2015) đề ra, đến nay 2 chỉ tiêu về gia đình văn hoá và khu dân cư văn hoá đã vượt mức đề ra. Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được mà từ đây phong trào xác định nhiệm vụ sâu hơn, xa hơn: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với thuần phong mỹ tục, cốt cách văn hóa của người Việt Nam nhưng phải phù hợp với thời kỳ hội nhập sâu và toàn diện vào kinh tế, văn hóa, giao lưu quốc tế, để chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa…
QUỲNH UYỂN