Huyện Lâm Hà có 30 dân tộc thiểu số, với số dân 32.620 người, chiếm 22,4% dân số toàn huyện. Những năm qua, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Lâm Hà luôn ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS.
Huyện Lâm Hà có 30 dân tộc thiểu số (DTTS), với số dân 32.620 người, chiếm 22,4% dân số toàn huyện. Những năm qua, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Lâm Hà luôn ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà - Nguyễn Đức Tài cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ - TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 135, 134, 167, 30a…; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lâm Hà đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định định canh, định cư trong vùng đồng bào DTTS. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hình thức như phân công các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân giúp đỡ các thôn nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; các tổ chức đoàn thể phân công đoàn viên, hội viên giúp đỡ các đoàn viên, hội viên nghèo; nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, mô hình sản xuất giỏi trong xây dựng vườn hộ, vườn rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, không trông chờ ỷ lại, mà phải tự lực tự cường vươn lên.
|
Lâm Hà hôm nay |
Trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện Lâm Hà đã chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135 và nguồn ngân sách huyện, từ 2009 đến nay, huyện Lâm Hà đã hỗ trợ 1.271 tấn phân bón các loại cho 3.452 hộ, với kinh phí thực hiện trên 19,4 tỷ đồng; hỗ trợ 34 giàn máy tưới cà phê và 99 giàn máy xịt thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 207 hộ, với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ 72 con bò, 377 con heo cho 131 hộ, với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng… Cũng từ nguồn vốn Chương trình 135, đã có 18 nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây mới, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; 35km đường giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư làm mới và 12km đường GTNT được duy tu, sửa chữa, với tổng kinh phí trên 30,7 tỷ đồng. Chương trình 167 đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho 215 hộ, với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình 134 và nguồn ngân sách địa phương, huyện đã đầu tư nâng cấp 3 hệ thống giếng khoan và xây dựng mới 1 công trình nước tự chảy phục vụ nước sinh hoạt cho 500 hộ đồng bào DTTS, với kinh phí thực hiện trên 5,4 tỷ đồng.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Hiện nay, về cơ bản huyện Lâm Hà đã xóa được nhà tạm; vùng đồng bào DTTS không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm từ 20% (năm 2009) xuống còn dưới 10%; 100% số xã và trên 95% số hộ trong vùng đã được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 70% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; hầu hết các hộ đồng bào đều có phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại phục vụ đời sống và sản xuất. Các xã vùng đồng bào DTTS đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS và cụm xã có trường THPT. Hiện, Lâm Hà có 7.544 em học sinh người DTTS và hơn 500 sinh viên - học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện có 2 phân viện và 100% xã có trạm y tế; 12/16 xã, thị trấn có bác sỹ công tác thường xuyên, đảm bảo y tế cơ sở cung cấp khoảng 90% lượng dịch vụ y tế phục vụ nhân dân vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Lâm Hà vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là, tính tự lực, tự cường trong nhân dân chưa cao; nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng thấp; công tác đào tạo, giải quyết việc làm chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động còn lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn cao, giảm nghèo chưa thật sự bền vững; công tác thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một số tập tục lạc hậu, mê tính dị đoan chưa được bài trừ triệt để, bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số đang mai một. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, thiếu cán bộ có trình độ, năng lực…
Khắc phục hạn chế này, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc thời gian tới cần xác định là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, cần tập trung xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng DTTS, nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào. Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, mà trước hết là hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân. Phát triển vùng đồng bào DTTS phải nằm trong kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từng vùng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương, nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS.
Trước mắt, cần tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, giải quyết những vấn đề bức xúc như đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, phương tiện sản xuất… Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên, tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS; tăng cường cơ sở vật chất khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Tăng cường bảo đảm ANCT-TTATXH, không để xảy ra “điểm nóng” trong vùng đồng bào DTTS; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu phá hoại gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng chính sách dân tộc, tự do tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS một cách bền vững.
TỨ KIÊN