Về Rạch Giá viếng đền và mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực

08:08, 21/08/2014

Tháng bảy âm lịch, mùa Vu Lan năm 2014, chúng tôi có dịp về Rạch Giá viếng đền và mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực, ôn lại truyền thống hào hùng của ông cha trong công cuộc chống thực dân Pháp cứu nước.

Tháng bảy âm lịch, mùa Vu Lan năm 2014, chúng tôi có dịp về Rạch Giá viếng đền và mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực, ôn lại truyền thống hào hùng của ông cha trong công cuộc chống thực dân Pháp cứu nước.
 
Đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực
Đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực
 
Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, người huyện Cửu An, phủ Tân An, nay thuộc địa phận xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Xuất thân là dân chài lưới, lúc mới vào lính, Nguyễn Trung Trực được biên chế trong hệ thống lính đồn điền của quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương (sinh năm 1800, mất năm 1873, người tỉnh Thừa Thiên). Song, sách “Việt Sử Tân biên” ghi cụ thể hơn, Nguyễn Trung Trực quê quán gốc gác vốn người ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (hoặc Nguyễn Cao Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng. Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên là người có thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và có nhiều can đảm, mưu lược.
 
Cũng theo Việt Sử Tân biên, sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ ngày 25 tháng 2 năm 1861, Nguyễn Trung Trực về Tân An. Đến ngày 12 tháng 4 năm1861, thành Định Tường thất thủ, quân Pháp kiểm soát vùng Mỹ Tho, thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động. Một trong số đó là chiếc tiểu hạm Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Vào khoảng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng Phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Tán quân Nguyễn Học, Võ Văn Quang và hương thôn Hồ Quang Chiêu... tổ chức cuộc phục kích đốt cháy tàu chiến này. Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 8 người trốn thoát (2 lính Pháp và 6 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní). Lúc đó, viên sĩ quan chỉ huy tàu là trung úy hải quân Parfait không có mặt, nên sau khi hay tin dữ, Parfait đã dẫn quân tiếp viện đến đốt cháy nhiều nhà cửa trong làng Nhựt Tảo để trả thù.
 
Cũng rất ít người biết dòng sông Nhựt Tảo là một chi lưu của sông Vàm Cỏ Tây, mà thượng nguồn là dòng Vàm Cỏ Đông chảy từ Campuchia qua tỉnh Tây Ninh, đến Bến Lức hình thành dòng Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Long An.
 
Sau nhiều trận chiến đấu ác liệt, ngày 19/9/1868, ông đã bị giặc bắt ở Phú Quốc, giam giữ tại khám đường Sài Gòn và xử chém cùng 6 nghĩa binh kiên trung khác tại Rạch Giá vào ngày 27/10/1868, lúc ông vừa tròn 30 tuổi! Sự hy sinh của Nguyễn Trung Trực đã để lại cho nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Rạch Giá và Nam bộ nói riêng lòng tiếc thương vô hạn và sự cảm phục tấm lòng kiên trung gan dạ trước giặc Pháp. Rất nhiều giai thoại kể lại sự ung dung, bình tĩnh của ông trước khi ra pháp trường. Ông đã nói thẳng vào mặt bọn giặc Pháp: “Khi nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Trước lưỡi đao vấy máu của Đao phủ, ông điềm nhiên đọc bài thơ tuyệt mệnh: “Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên/ Yên gian đởm khí hữu long tuyền/ Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/ Báo hận thâm cừu bất đái thiên", hai tay giữ chặt lấy đầu không cho rơi xuống đất! Hay đồng bào Tà Niên (gốc người Khmer thuộc làng Vĩnh Hòa Đông, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) vì quí trọng ông, đã đan một tấm chiếu dài, trải đường cho Nguyễn Trung Trực ra pháp trường. Tấm chiếu màu vàng ngà truyền thống của cói, lác Rạch Giá, thấm máu ông như có hình chữ “Thọ”, và cũng từ đấy, người Tà Niên dệt chiếu có thêm hoa văn chữ Thọ màu đỏ để mãi mãi nhắc nhớ về ông. Tương truyền tấm chiếu ấy được cuộn tròn và trưng bày trên giá phía bên phải (từ ngoài vào) của đền thờ Nguyễn Trung Trực. Cảm khái trước khí phách phi thường của ông, Huỳnh Mẫn Đạt đã viết: “Anh hùng cương cảnh phương danh thọ/ Tu sát đê đầu vị tử thân”.
 
 Sau khi Nguyễn Trung Trực bị hành hình, người dân chẳng thể nào biết được thân xác của ông nằm ở đâu. Ông được chôn cất hay bị kẻ thù thủ tiêu mất xác? Căn cứ vào lời truyền trong dân gian và từ một số tài liệu do Pháp để lại thì sau khi bị hành hình, thi thể ông được giao cho toán lính Pháp đưa ra phía sau Tòa bố chính (còn gọi dinh Tỉnh trưởng) cách nơi hành hình 70m chôn cất. Vì khiếp sợ oai linh của ông và cũng vì kính nể sự hiên ngang của vị anh hùng mà chính những người lính Pháp đã trồng một cây đa trên mộ ông để làm dấu.
 
Sau năm 1975, để tưởng nhớ và ghi công vị anh hùng kháng Pháp của dân tộc, chính quyền và nhân dân Rạch Giá đã cho tìm kiếm và di dời mộ Nguyễn Trung Trực vào ngày 19/4/1986 về đền Nguyễn Trung Trực ngày nay (thuộc phường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, Kiên Giang, mộ và đền thờ được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 22 tháng 3 năm 1988). Ngày 15/11 năm ấy, ngôi mộ mới của cụ Nguyễn được hoàn thành, nằm trước nhà Tây lang bên trái đền thờ là nơi thiêng liêng được nhân dân Rạch Giá và mọi người khắp nơi trong nước đến viếng hàng năm vào ngày giỗ của ông từ ngày 26 đến 28/8 âm lịch. Ngôi đền được xây dựng năm 1964, khánh thành năm 1970, tọa lạc tại số 08 Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Đình hình chữ Tam, có cổng dạng tam quan, trước cửa chánh điện có một lư hương bằng đá; ngày 15/9/2000, nhân dân đã thỉnh tượng Nguyễn Trung Trực (mà nhân dân gọi bằng từ “Cụ” đầy kính nể), về thờ trước cửa chánh điện. Trên nóc mái đình được trang trí cảnh lưỡng long tranh châu, các góc mái đắp hình lá cúc tần cách điệu và hình rồng. Tất cả các mảng phù điêu trên được làm bằng xi măng khảm những mảnh gốm nhiều màu. Cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh.
 
Đền có rất nhiều bài vị thờ, phía trong có 3 ngai thờ chính. Chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực, bên trái là ngai thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky, bên phải thờ Thần Nam Hải Tướng Quân.
 
Theo sự hướng dẫn của quản lý đền, chúng tôi kính cẩn vào dâng hoa trong đền chính và ra thắp hương viếng mộ “cụ” ở phía góc trái tây lang của đền. Khói hương trầm nhang bảng lảng, buổi trưa Rạch Giá, nắng vàng trải nhẹ, phía trước đền, con sông Kiên lặng lờ êm chảy xanh trong ngày nắng nhạt, lung liêng một chùm hoa tím lục bình phiêu lãng.
 
 Tác giả trước đền và bên mộ cụ
Tác giả trước đền và bên mộ cụ

 
Ngoài lễ hội, đền còn thường xuyên tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, trung bình hiện mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám bệnh, hốt thuốc điều trị không mất tiền. Có những bệnh nhân trước khi vào khám bệnh, họ vào chính điện làm lễ khấn nguyện với sự tín ngưỡng, cầu mong anh linh cụ Nguyễn Trung Trực phù hộ, độ trì cho mau lành bệnh, mà điển hình là khoảng sân bên phải đền phơi đầy những cây thuốc Nam, thơm nồng nàn một mùi thơm đặc biệt của cây cỏ quê nhà.
 
Tạm biệt đền thờ và mộ Nguyễn Trung Trực, bất giác như nghe giọng đọc thơ trầm hùng và hào sảng của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt ca tụng chiến công hiển hách của người anh hùng: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần…” như còn vang đâu đây trong mùa Vu Lan tưởng nhớ…
 
TRẦN HOÀNG VY