Vu Lan này Mẹ đã Anh hùng

08:08, 07/08/2014

Lễ Vu Lan năm nay (Phật lịch 2558, dương lịch 2014) ở tỉnh Lâm Đồng có thêm 5 người mẹ lần đầu tiên được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Đà Lạt, Lâm Hà và Di Linh là những nơi các mẹ đang sống những ngày "chuối chín cây". Mỗi người một hoàn cảnh, đong đầy trong hốc mắt. Biết là "sầu đong càng lắc càng đầy", nhưng hoàn cảnh của mẹ Đặng Thị Chi ở đường Cao Thắng, phường 7, thành phố Đà Lạt không khỏi làm tôi chạnh lòng... 

Lễ Vu Lan năm nay (Phật lịch 2558, dương lịch 2014) ở tỉnh Lâm Đồng có thêm 5 người mẹ lần đầu tiên được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Đà Lạt, Lâm Hà và Di Linh là những nơi các mẹ đang sống những ngày “chuối chín cây”. Mỗi người một hoàn cảnh, đong đầy trong hốc mắt. Biết là “sầu đong càng lắc càng đầy”, nhưng hoàn cảnh của mẹ Đặng Thị Chi ở đường Cao Thắng, phường 7, thành phố Đà Lạt không khỏi làm tôi chạnh lòng... 
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và tặng quà cho mẹ Chi nhân ngày 27/7/2014
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và tặng quà cho mẹ Chi
nhân ngày 27/7/2014
 
Hôm đó, mưa dầm. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và mọi người chạy bộ một đoạn hẻm nhỏ và dốc để vào với mẹ Chi. Gió hoang hoải từ lũng sâu phía trước thốc vào thềm nhà khá lạnh. Bàn tay dăn deo của mẹ nắm bắt, mừng tủi xen lòng. Ngồi bên mẹ, Chủ tịch tỉnh ân cần hỏi thăm sẻ chia với mẹ. Mẹ Chi nghẹn ngào cảm ơn…
 
Gần đến ngày báo hiếu Vu Lan, tôi quay lại để hiểu hơn về mẹ Chi. Mẹ Đặng Thị Chi năm nay 78 tuổi, quê ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Người bạn đời của mẹ là cụ Nguyễn Phúc, sinh năm 1936, là đại úy, đại đội trưởng, huyện đội phó, một cán bộ cốt cán nổi tiếng khắp vùng. Chồng đi hoạt động, mình mẹ cơ cực nuôi con. Năm 1970, người sĩ quan Nguyễn Phúc anh dũng hi sinh tại mặt trận Miền Đông Tư Nghĩa. Mẹ Chi nuôi dưỡng 3 người con nhỏ: Nguyễn Thanh Trị sinh năm 1962, Nguyễn Hữu Đã sinh năm 1964 và Nguyễn Thị Bốn sinh năm 1968. Mình mẹ Chi chèo chống con thuyền giữa sóng gió cuộc đời lam lũ và chiến tranh khốc liệt. Ngày ngày, thắp nén nhang lên bàn thờ hứa với người quá cố quyết tâm nuôi con thành người, mẹ rời căn nhà tạm của mình đi làm thuê. Mẹ - vầng trăng khuyết hao gầy ấy nhưng càng sáng khi vừa thay chồng nuôi con vừa tiếp nối bước chân của chồng giữ Đất giữ Nước. Mẹ trở thành cán bộ cơ sở của cách mạng. Nhưng, chính thứ ánh sáng trung trinh và cao quý ấy mà mẹ bị địch bắt giam cầm và tra khảo liên miên. Kẻ thù dùng nhiều cực hình tàn ác hòng lung lay ý chí của vợ một cán bộ cốt cán, nhưng không thể. Mẹ chia sẻ: “Chu cha… Ở tù tháng mấy lần, oánh gì mà oánh dữ thế…! Không khai là không khai. Oánh cứ oánh… Tui nói, không biết chi, chỉ ở nhà nuôi con… Nhưng mà thôi, không kể chi nữa, chiến tranh mà…”. Mẹ Chi hoạt động đến ngày giải phóng (năm 1975) và sau này được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. 
 
Năm 1986, mẹ Đặng Thị Chi rời vùng quê ắp đầy kỷ niệm thương nhớ, hào hùng và quả cảm Quảng Ngãi để vào Đà Lạt, Lâm Đồng cùng con trai đầu là chiến sĩ công an Nguyễn Thanh Trị. Sau đó người con trai thứ 2 của mẹ - Nguyễn Hữu Đã cũng gia nhập lực lượng công an Lâm Đồng vào năm 1985, lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Năm 1993, thiếu úy Đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ giành lại tài sản cho dân trước giặc lửa trong vụ cháy chợ tại huyện Đức Trọng. Còn cô gái út Nguyễn Thị Bốn lao động xuất khẩu tại Nga cho đến bây giờ. Mẹ Đặng Thị Chi trở thành vợ và mẹ liệt sĩ. 
 
Vào Đà Lạt, mẹ Đặng Thị Chi vẫn tiếp tục làm thuê cho đến năm 2010 vừa để đỡ dần cho con, vừa giữ sáng một tấm gương đức hi sinh cao cả cho con cháu noi theo. Những ngày tháng làm thuê vất vả ấy đã có lần mẹ Chi bị tai nạn. Đó là vụ lật máy cày xuống hố sâu 40 mét ở làng Đa Phú, mẹ Chi gãy tay, chân phải điều trị nhiều tháng. Chưa hết, cách đây chưa đầy một năm, thiếu tá Trị bất ngờ bị tai biến nặng, chữa trị cho đến bây giờ. Nhìn con, mẹ che mặt khóc. Hiện, mẹ Chi sống cùng vợ chồng anh Trị, 4 người cháu và chắt trong một ngôi nhà cấp 4. Con gái út của anh Trị cũng noi gương truyền thống ông bà, cha chú nay là chiến sĩ công an tỉnh Lâm Đồng. Con cháu của mẹ ý thức báo hiếu bằng sự phấn đấu đóng góp không ngừng cho xã hội. Tôi ước, Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Chi sớm có một ngôi “Nhà tình nghĩa” để khi trái gió trở trời dễ dàng đến nhanh nơi chữa bệnh...
 
Rằm tháng 7, đại lễ Vu Lan là dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất. Nhiều nơi trên đất nước Việt Nam sẽ tổ chức nhiều nghi thức thiêng để tri ân và báo ân; tổ chức lễ “Trai đàn chẩn tế” cầu siêu cho hương linh các chiến sĩ, những người đã khuất và cầu cho Quốc thái dân an. Xin dâng một nén nhang thành kính cho những người đã hi sinh vì Đất Nước; xin nâng một bông hồng trân quý cài lên áo của mẹ Đặng Thị Chi cùng với một điều ước... 
 
MINH ĐẠO