Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số - những vấn đề đặt ra

08:08, 08/08/2014

Để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức DTTS lớn mạnh cả về chất và lượng, thời gian qua, Lâm Đồng luôn chú trọng tới việc đào tạo học sinh, sinh viên và cán bộ là người DTTS, đồng thời đề ra một số chính sách ưu đãi đặc biệt cho đối tượng là người DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng…

Vùng đất Nam Tây Nguyên hiện là nơi cư ngụ của 43 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24,1% tổng dân số toàn tỉnh. Do đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, bằng sự am hiểu và uy tín, đội ngũ trí thức DTTS Lâm Đồng luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có đẩy mạnh lao động sản xuất, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng “thay da đổi thịt”.
 
Bà con DTTS xã Ka Đô (Đơn Dương) sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Bà con DTTS xã Ka Đô (Đơn Dương) sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
 
Để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức DTTS lớn mạnh cả về chất và lượng, thời gian qua, Lâm Đồng luôn chú trọng tới việc đào tạo học sinh, sinh viên và cán bộ là người DTTS, đồng thời đề ra một số chính sách ưu đãi đặc biệt cho đối tượng là người DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Theo đó, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 15.000 lượt học sinh, sinh viên DTTS đi học tại các trường, góp phần làm cho vùng DTTS có được một đội ngũ trí thức có khả năng đảm nhiệm công việc trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Phần lớn đội ngũ cán bộ đó đã phát huy được vai trò của mình trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, có một số trí thức DTTS trưởng thành, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tin tưởng phân công giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của tỉnh. Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng hiện có trên 286 ngàn người DTTS, chiếm tỷ lệ 24,1% dân số cả tỉnh; trong đó, đội ngũ trí thức đồng bào DTTS khoảng 2.540 người (trình độ cao đẳng khoảng 800 người, chiếm tỷ lệ 0,27%; trình độ đại học gần 1.700 người, chiếm 0,59%; trình độ sau đại học khoảng 50 người, chiếm 0,017%), chiếm tỷ lệ 0,88% trên tổng số người DTTS và chiếm tỷ lệ 0,21% dân số cả tỉnh.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngụy Xứng Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: “Để đánh giá công tác đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức là người DTTS, thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát về xu hướng định hướng nghề nghiệp trong học sinh DTTS cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm giúp cho các nhà quản lý điều hành hoạch định chính sách có giải pháp đào tạo và phát triển đội ngũ trí thức DTTS một cách phù hợp nhất. Qua khảo sát cho thấy, đa số học sinh DTTS có nguyện vọng được tiếp tục học lên đại học hoặc các trường chuyên nghiệp. Ngành nghề được các em yêu thích hầu hết là ngành sư phạm, công an, thể dục thể thao, y dược, du lịch. Cũng qua khảo sát, phần lựa chọn ngành nghề cho thấy, đa số học sinh và gia đình đều biết chủ động trong việc lựa chọn ngành nghề, còn việc định hướng của thầy cô và nhà trường cũng như các phương tiện thông tin đại chúng tuy có nhưng còn rất ít”. 
 
Có dịp về với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã và đang được nâng lên rõ rệt, từng bước thoát được cảnh nghèo đói triền miên, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả trên luôn gắn liền với sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức DTTS trong suốt gần 30 năm đổi mới, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, một số người quan tâm tới vấn đề này cho rằng, nếu so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, thì đội ngũ trí thức DTTS trong tỉnh còn quá mỏng. Theo số liệu thống kê trên cho thấy, cứ bình quân 100 người DTTS thì chỉ có chưa đầy 1 người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Số lượng trí thức DTTS đã ít, trong khi đó bố trí công việc đôi khi còn chưa phù hợp, một số được cử đi đào tạo sau khi học xong ở lại thành phố không trở về địa phương công tác, làm cho đội ngũ trí thức đã ít lại càng thiếu hụt. Để tạo nguồn và xây dựng phát triển đội ngũ trí thức DTTS trong thời gian tới, trước mắt cần chú trọng xây dựng và củng cố các trường dân tộc nội trú, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới loại hình tổ chức và đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy. Cùng với việc đào tạo dự bị, đào tạo liên thông nội trú tại các trường đại học, cao đẳng, việc xây dựng các trường chuyên nghiệp, dạy nghề mang tính đặc thù riêng cho con em DTTS là rất cần thiết. Tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ trí thức DTTS hiện có, kết hợp củng cố xây dựng đội ngũ già làng, trưởng bản để họ phát huy vai trò của mình trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến bà con. Sử dụng đội ngũ trí thức DTTS phải phù hợp với trình độ năng lực, sở trường của họ; đặc biệt, công tác đề bạt cán bộ cần chú ý đến người có năng lực trình độ thực sự quen việc, quen đất, quen người, cùng dân tộc. Có chính sách đặc thù và đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc để trí thức DTTS phát huy sáng tạo…
 
Hơn bao giờ hết, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn là công việc cần thiết và cấp bách, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm sâu sắc vì lợi ích của đồng bào DTTS luôn gắn với lợi ích của từng vùng, từng dân tộc và cả tỉnh.
 
HẢI PHONG