Bạo lực, xâm hại trẻ em - vấn đề xã hội nhức nhối

02:09, 19/09/2014

(LĐ online) - Ngày 19/9, tại Đà Lạt, Hội LHPN VN phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức toạ đàm "Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em" với sự tham dự của 100 đại biểu các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ hội viên phụ nữ và đại diện các gia đình, trẻ em ở thành phố Đà Lạt. 

(LĐ online) - Ngày 19/9, tại Đà Lạt, Hội LHPN VN phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức toạ đàm "Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em" với sự tham dự của 100 đại biểu các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ hội viên phụ nữ và đại diện các gia đình, trẻ em ở thành phố Đà Lạt. 
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội LHPN VN phát biểu nhấn mạnh buổi toạ đàm nhằm tăng cường hơn nữa vai trò quan trọng của cha mẹ và gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
 
Buổi tọa đàm gởi đến thông điệp hãy nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em
Buổi tọa đàm gởi đến thông điệp hãy nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em

Trong những năm qua, công tác gia đình đã thực sự trở thành một vấn đề lớn mang tầm quốc gia, bên cạnh những thành quả nhất định vẫn còn không ít bất cập, trong đó bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang là một vấn đề xã hội nhức nhối. Theo số liệu của Bộ Công an từ năm 2006 - 2011, cả nước có khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ em bị phát hiện. Theo báo cáo giải trình của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho thấy: Mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. 
 
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy: 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình giáo dục bằng bạo lực; 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái. "Những con số thống kê này mới chỉ là phần nổi của tảng băng vì xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn là vấn đề vô hình. Vô hình bởi nó xảy ra trong nhà, trong gia đình, vô hình bởi hầu hết mọi người đều nhắm mắt làm ngơ với những gì đang xảy ra, vô hình bởi mọi người không nói ra vì sợ hãi hoặc do kỳ thị" - bà Tuyết Mai nhận định một cách đau xót trước thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
 
Chị Bùi Thị Cúc Hương, một phụ huynh tham gia buổi toạ đàm khi xem qua những hình ảnh chiếu về các vụ bạo lực trẻ em chấn động cả nước, đã nói như than thở: Thật đau xót, tội nghiệp cho các trẻ. Trong xã hội ngày càng xảy ra nhiều tình trạng bạo lực trẻ em. Phải có lòng nhân hậu, tình yêu thương trẻ em để xoá đi bạo lực. 
 
Chị Hồng Thảo, chủ nhóm trẻ Sóc Nâu ở P4 - Đà Lạt chia sẻ: Tôi từng dạy mầm non, sau đó tách ra mở nhóm trẻ độ tuổi 12 - 24 tháng chăm sóc giáo dục như ở trường. Phải kiên nhẫn với trẻ em, vì theo dõi các vụ bảo mẫu bạo lực xảy ra do trẻ ăn chậm, ngậm lâu, khóc nhè... cô không kiềm chế được nóng giận đã tát, mắng, đánh đập nghiêm trọng. Chăm sóc trẻ em phải có cái tâm và kỹ năng, lúc trẻ khóc phải tìm cách dỗ dành, luôn trao đổi với phụ huynh. Nhà trẻ của chúng tôi không bao giờ đóng cửa để mọi người xung quanh giám sát, không bao giờ để trẻ khóc, la hét.
 
Tại buổi toạ đàm, đại diện Công an Lâm Đồng nêu lên 4 vụ điển hình về bạo lực, xâm hại trẻ em tại Lâm Đồng, trong đó có vụ cha ruột xâm hại tình dục 2 con của mình. Trong năm 2014 Lâm Đồng xảy ra 17 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng hơn so với cùng kỳ. Khó khăn trong thu thập chứng cứ điều tra các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại do các cháu bị hại rất mặc cảm, tự ti, gia đình cản trở không hợp tác.
 
Nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động xâm hại, bạo lực trẻ em, trong đó nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm đến con cái của các bậc cha mẹ được nhắc đến nhiều hơn cả, cùng với sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người dân, sự thiếu gương mẫu của người lớn khiến nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực ngay trong chính ngôi nhà của mình, do chính những người thân của mình gây ra.
 
Các bằng chứng khoa học cho thấy bạo lực và xâm hại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ em, làm giảm khả năng học tập và hoà nhập xã hội của trẻ, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành để lại những hệ quả tiêu cực trong cuộc đời của các em.
 
Một trong 6 hướng tiếp cận để giải quyết hiệu quả vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc đưa ra là: "Hỗ trợ các bậc cha mẹ, người chăm sóc và gia đình để chăm sóc cho con cái của họ theo những cách có lợi cho sự khoẻ mạnh và tiềm năng của trẻ em".
 
DIỆU HIỀN