Mãi đến 7 giờ sáng ngày 3/9, sau ba ngày xảy ra vụ lật bè gây chấn động tâm lý người dân thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc, Di Linh, làm ba anh em trong một gia đình thiệt mạng, thi thể của nạn nhân cuối cùng mới được tìm thấy.
Mãi đến 7 giờ sáng ngày 3/9, sau ba ngày xảy ra vụ lật bè gây chấn động tâm lý người dân thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc, Di Linh, làm ba anh em trong một gia đình thiệt mạng, thi thể của nạn nhân cuối cùng mới được tìm thấy.
|
Lực lượng cứu nạn tìm kiếm thi thể của hai chị em Tuyền và Hiền vào trưa ngày 2/9 |
Tang nối tang. Không khí đau thương phủ xuống gia đình ông bà Nguyễn Văn Bê (thôn Tân Lạc 3) suốt từ sáng 1/9… khi tai nạn bất ngờ lấy đi của vợ chồng ông ba người con (2 con ruột và con dâu).
Sáng 2/9, vợ ông Bê ngất lên ngất xuống cạnh quan tài của con trai Nguyễn Văn Quảng (SN 1988). Ngồi cạnh bà, khuôn mặt ông thất thần, ánh mắt nhìn vào khoảng trống xa xăm, như đợi, hy vọng một điều kỳ diệu... từ bến đò. Ông nghẹn lời: “Sáng 1/9, vì muốn phụ giúp gia đình thu hoạch bắp xong trong ngày để anh em hàn huyên dịp lễ, con gái thứ là Nguyễn Thị Hiền (SN 1990, làm việc ở TP Hồ Chí Minh), bạn trai và mấy anh em chúng nó vượt sông Đồng Nai, qua bẻ bắp ở xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà. Ai ngờ, chuyến đi ấy… là lần đoàn tụ sau cùng”.
Nguyễn Thành Lâm, người con của ông Bê may mắn thoát chết trên chiếc bè hôm đó, giọng vẫn còn hoảng sợ: “Năm anh em đang đứng trên bè, khi cách bờ bên kia khoảng 5 mét thì gặp nước chảy rất xiết, bè bị lật. Trên bè lúc đó có 12 người và 7 chiếc xe gắn máy đều bị hất hết xuống dòng nước sâu”. Theo lời kể ngắt quãng của Lâm, mọi người cố vùng vẫy kéo nhau vào bờ, Lâm cùng bạn trai của Hiền biết bơi nên đã cố túm tay chị Tuyền kéo vào bờ, nhưng do kiệt sức nên đã tụt tay… thế là chị dâu bị cuốn theo dòng nước. “Chị Hiền và anh Quảng… từ nay không được nghe tiếng nói thân thương của hai người nữa rồi” - Lâm nghẹn giọng.
Thế là, vợ chồng ông Bê đã mất đi cả ba người con, hai đứa do mình rứt ruột đẻ ra và một cô con dâu thảo hiền trong buổi sáng định mệnh. Còn Lâm, có lẽ dòng nước dữ trên dòng Đa Dâng mãi mãi là vết thương lòng.
Bà con chòm xóm nhiều người chưa thắp kịp cho anh Quảng nén nhang tiễn biệt, bởi ông Bê chẳng thể để con ở nhà lâu hơn. Vợ chồng anh Quảng ra đi, bỏ lại cho cha mẹ già cô con gái chỉ mới hơn 2 tuổi chưa biết khóc trong ngày đại tang. Không muốn để cháu nhìn thấy cảnh đau thương tột cùng, hai ngày nay, ông bà Bê đã mang gửi cháu sang ở nhờ nhà hàng xóm. Bởi, không ai cầm nổi ngấn lệ chực chờ trào tuôn mỗi khi nhìn thấy cháu…
Có mặt tại khúc sông xảy ra vụ tai nạn, thuộc 2 xã Đinh Lạc và Phú Hiệp (Di Linh), anh Mai Hữu Đức, bạn trai của chị Hiền suốt 2 ngày nay nén nỗi đau buồn trong lòng, kiên trì cùng mọi người quần tới, quần lui khắp đoạn sông, với mong muốn “sớm tìm thấy người yêu và chị dâu để hai người đỡ lạnh”. Nhưng, mãi đến 4 giờ chiều ngày 2/9, khi gia đình, hàng xóm tiễn biệt anh Quảng cũng là lúc nhận được tin tìm thấy thi thể của vợ anh - chị Vũ Thị Bích Tuyền (SN 1991). Và đứa em gái (chị Nguyễn Thị Hiền) “được về nhà” lần cuối vào sáng hôm sau.
Trưa ngày 2/9, có mặt tại hiện trường để xem xét và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, ông Nguyễn Quang Thống - Trưởng Công an huyện Di Linh cho biết: Trước đây, địa phương cũng đã tổ chức rà soát, kiểm tra và cũng đã phát hiện có một số bến đò tự phát dọc sông Đồng Nai, thuộc địa bàn hai xã Đinh Lạc và Phú Hiệp không đảm bảo an toàn. Chính quyền cũng đã tổ chức vận động người dân không nên sử dụng loại hình lưu thông này. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế qua lại để làm ăn giữa hai bên sông của người dân khá lớn, đường bộ thì phải đi vòng khá xa nên tình trạng người dân tự kết bè tạm bợ để vượt sông vẫn xảy ra mà rất khó quản lý.
Ông Thống cũng cho biết, sắp tới, để bảo đảm an toàn cho người dân, ngành sẽ kiến nghị phải có biện pháp giải quyết khó khăn về đi lại ở khu vực này cho bà con. Riêng với gia đình nạn nhân có người thiệt mạng, UBND huyện cũng đã đến thăm viếng và hỗ trợ 10 triệu đồng để lo hậu sự.
Theo thống kê, đoạn sông này hiện có khoảng 4 bến đò tự phát do bà con lập. Bè, xuồng cũng do bà con tự làm và cùng sử dụng, chủ yếu để qua phía bên kia sông làm vườn mà không có các trang thiết bị bảo hộ an toàn. Khi chúng tôi đến, bến đò nơi xảy ra tai nạn hôm ấy vắng hẳn bóng người qua lại. Sau vụ lật bè, bà con sợ, chẳng còn ai dám đi qua bên kia bằng chiếc bè tạm bợ có chiều ngang 3 mét, dài 4 mét kết bằng những chiếc thùng phi ấy nữa. Nhưng vì mưu sinh, vì cuộc sống, rồi có lẽ những ngày tới đây, vẫn sẽ có những người tặc lưỡi đưa chân lên bè để “qua cho nhanh”.
Đứng trên cao nhìn xuống, thượng nguồn sông Đồng Nai đục ngầu, nước vẫn cuồn cuộn chảy, như xua đi nỗi ám ảnh tang thương của vụ lật bè, lấy đi của xóm làng Đinh Lạc ba người con thân thương…
NGUYỄN NGHĨA