Theo đường 723 tới xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương), đoàn rẽ vào ngả đường rừng chông chênh, gập ghềnh ổ trâu, ổ voi để tới Trạm kiểm lâm Dưng Lar Riêng. Tại đây, Giám đốc Vườn Lê Văn Hương cùng hơn chục đồng bào dân tộc Chil, K'Ho trong đội canh phòng, bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã tề tựu...
I. “Chúng ta không thừa hưởng trái đất từ cha ông mà chúng ta mượn từ con em chúng ta” (Ngạn ngữ Mỹ)
Đêm cuối tháng 8/2014, đại tá Nguyễn Chí Long - Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian (Hội VH-NT Lâm Đồng) phôn: Này, Hội tổ chức đợt đi thực tế Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà vào hai ngày cuối tuần làm số chuyên đề về rừng, thu xếp được không? Thấy không vướng bận những ngày này nên tôi đồng ý ngay…
Mấy ngày nữa mới trèo dốc, xuyên rừng nhưng đêm ấy cứ nôn nao, trằn trọc… Lọ mọ lục kiếm cuốn sổ tay tìm mấy trang ghi chép từ mồng 7 Tết Giáp Ngọ 2010 khi tháp tùng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Phong Tranh “xông đất” đầu năm kiểm tra tình hình phòng, chống cháy rừng ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Nghe ti-vi dự báo mùa khô này rừng Lâm Đồng nguy cơ cháy ở cấp độ 5 khiến đang nghỉ tết ở Hậu Giang mà đứng ngồi không yên, phải lên Đà Lạt ngay..! - nguyên Bí thư Huỳnh Phong Tranh tâm sự.
|
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Phong Tranh thăm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà dịp tết 2010 |
Theo đường 723 tới xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương), đoàn rẽ vào ngả đường rừng chông chênh, gập ghềnh ổ trâu, ổ voi để tới Trạm kiểm lâm Dưng Lar Riêng. Tại đây, Giám đốc Vườn Lê Văn Hương cùng hơn chục đồng bào dân tộc Chil, K’Ho trong đội canh phòng, bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã tề tựu. Trạm trưởng Võ Hồng Dương báo cáo: Trạm quản lý trên 13.000ha rừng, những ngày này hàng chục hộ đồng bào tại chỗ tham gia lập 13 chốt canh gác rừng chứ không chỉ với 5 kiểm lâm rất khó chống lại khi “bà Hỏa” bùng phát. Nghe Giám đốc Vườn trình bày phương án tổ chức, huy động nguồn nhân lực tại các xã giáp Vườn ngày đêm túc trực các điểm nguy cơ cháy, cách thức chủ động phòng, chống cháy rừng khi xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy yên tâm, và vui mừng thăm hỏi, chúc tết từng đồng bào. Tôi bắt chuyện một cán bộ kiểm lâm là người dân tộc thiểu số, anh phấn khởi bộc bạch: Mình là Donggur Ha Bình, người K’Ho, nhà ở Đạ Sar. Làm lâm nghiệp từ 1994, trụ nhiều cánh rừng trong vùng, về Trạm đây cho gần nhà được đôi năm… Ha Bình không giấu niềm tự hào: Mình cũng mới trở thành đảng viên từ tháng 7/2009 đấy!
Rời Trạm kiểm lâm Dưng Lar Riêng, đoàn ghé thăm khu quy hoạch xây dựng Văn phòng Ban quản lý Vườn. Tại cánh rừng thưa, Giám đốc Lê Văn Hương, khoát tay: Đã quy hoạch tại khu này! Vườn đang triển khai thi công tuyến đường từ Tỉnh lộ 723 vào để thuận tiện cho việc chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng. Chắc đôi năm nữa mới hiện vóc dáng bề thế được… Bí thư Tỉnh ủy thân tình vỗ vai giám đốc: Có khó khăn, vướng mắc thì điện thoại nghen! Giờ cho đi thăm cây pơmu đại thụ. Nghe nói hơn 1.300 tuổi, cao 40m, tán 20m, chu vi 13,5m, gốc 8 người ôm mới xuể, đúng không? Tài sản vô giá đấy, quý lắm, phải ráng giữ gìn! Giám đốc Vườn phấn chấn: - Khi nghe thông tin khoa học về cây pơmu, một giáo sư Canada ước đến xem một lần rồi chết cũng mãn nguyện, hạnh phúc. Vừa qua, ông nhiều lần bay sang để chiêm ngưỡng, nghiên cứu loài cây chứng tích thời tiền sử này.
Tính tình cởi mở, náo hoạt, thích phân tích và tranh luận, nhân chuyến đi, Giám đốc Hương tranh thủ, say sưa “tiếp thị”: Vườn có 1.923 loài thực vật (1.468 loài thực vật bậc cao phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, nằm trong cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách Đỏ Việt Nam năm 2000. Trong đó có quần thể rộng lớn thông hai lá dẹt 500 tuổi, 96 loài thực vật đặc hữu, 62 loài thuốc quý, 14 loài lá kim… Bidoup - Núi Bà là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu thế giới và một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học quốc gia. Đó là: Khu vực miền núi cao Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc, Khu vực núi cao Ngọc Linh ở miền Trung, Khu vực rừng mưa Pù Mát ở Bắc Trung Bộ và cao nguyên Lang Biang ở phía Nam.
Tiếp tục ngược lên đỉnh Bidoup, vượt những cua dốc 15, 20 độ và có nhiều đoạn tới 40 độ, trơn trượt. Dưới Đà Lạt, nắng chang chang song ở đây mịt mờ sương lạnh giăng, mưa bụi. Cây ken cây, tầng che tầng, hiếm gặp tia nắng. Không gian tràn ngập âm thanh sinh động bản nhạc giao hưởng của rừng xanh. Có người nhận xét: Trong từng cm2 rừng có tới ngàn sự sống quả là cũng không quá ngoa ngôn!
|
Du ngoạn rừng Bidoup. Ảnh: BN |
Thăm Trạm kiểm lâm Liêng Ka (thuộc địa bàn xã Đạ Sar) nằm trên đỉnh Vườn, đang trò chuyện với anh em kiểm lâm chợt có bàn tay vỗ mạnh vai tôi. Một trung niên chừng 50 tuổi, dáng thấp đậm trong bộ đồ bảo hộ xanh bạc phếch, ngó râu ria dữ dằn nhưng ánh mắt ngời thân tình, nụ cười rạng rỡ: - Nhớ không? Thoáng ngỡ ngàng, chợt thốt: - Trời Trực, vẫn ở đây à? Trực cười khà khà: - Thì còn ở đâu nữa, mấy chục năm gắn bó với cánh rừng này rồi! “Đỉnh trời, cuối đất” gặp nhau sau hơn 20 năm thật kỳ ngộ. Tôi với Trực không xa lạ, khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, cơ quan có chị bạn làm kế toán, vào chiều thứ bảy hay ngày chủ nhật thường rủ mấy thằng em đơn thân, quê tít ngoài Bắc vô nhà ở Trại Hầm chơi, bữa chiêu đãi nồi mỳ hay khoai lang luộc, lâu lâu có món bánh canh... Thi thoảng có cậu em về, đồng niên dễ đồng cảm, được biết: Học xong 12, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trực xin vào Lâm trường Đà Lạt, làm công nhân trồng rừng tận Đăng Kia, Suối Vàng, rồi Hồ Tiên… Ngày nghỉ ít ra vì mải lo cuốc đất, trồng và chăm mấy sào cà phê xen đậu đỗ với hy vọng phụ giúp kinh tế gia đình, lo cho mấy cô, cậu em ăn học. Đôi tháng mới ra phố mua ít kg đường, bịch thuốc rê, cá mắm… Ở rừng nên tính lành như đất, ít nói. Mê rừng, thích canh nông nên đôi năm sau xin đi học trung cấp lâm nghiệp… Về phố lấy vợ, xây được nhà trên đỉnh dốc Huyền Trân Công chúa… Cứ ngỡ, Trực yên bề ở một cơ quan thuộc ngành nông - lâm nghiệp dưới phố từ lâu, ai ngờ… vẫn là người gác rừng nơi “thâm sơn cùng cốc”…! “Được cái mấy sắp nhỏ đều học và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, “bả” xã miết xuống chăm cháu nên mình yên tâm “rừng ơi, ta cứ ở đây” thêm mấy năm nữa thì về Đà Lạt nghỉ hưu luôn!” - Trực bộc bạch khi chúng tôi trò chuyện gia cảnh và đều rưng rưng mừng vì mọi chuyện tạm ổn cả. Biết tôi thích lan rừng, Trực hẹn bữa nào sẽ tặng ít loài “bảng độc”. Trực khoe: Ông biết không, với 297 loài lan, rất nhiều loài đặc hữu - Vườn xứng đáng là “Vương quốc Hoa Lan” của Việt Nam đấy!
II. Trái đất cung cấp đủ để thỏa mãn nhu cầu của mỗi người, nhưng không đủ để thỏa mãn lòng tham của họ (Mahatma Gandhi - Nhà lãnh đạo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ)
|
Cây pơmu trong quần thể trên 500 năm trên đỉnh Hòn Giao |
Mới 7 giờ kém 10’ sáng, hơn hai mươi hội viên đã tề tựu ở trụ sở Hội VH-NT Lâm Đồng. Được đi rừng có khác, ai cũng lo dậy sớm, chả bù thường những ngày cuối tuần nằm nướng tới hơn 8 giờ. Chuyến đi do Tổng Biên tập Lang Bian làm Trưởng đoàn, quần tụ có các nhà văn, nhà thơ: Chu Bá Nam,Vương Tùng Cương, Phạm Vĩnh, Nguyễn Mộng Sinh, Thái Bi… và thêm cả họa sĩ Vi Quốc Hiệp, nhạc sĩ Dương Toàn Thắng…
Trụ sở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm phía bắc, cách thành phố Đà Lạt trên 40km trên Tỉnh lộ 723 đi Nha Trang. Từ Tỉnh lộ có đường nhựa đưa vào tận Ban quản lý, nơi khoảng rừng thưa trơ trọi năm xưa thuộc xã Đạ Nhim mà tôi từng đến nay đã mọc lên nhiều dãy nhà làm việc khang trang. Ở đây có Trung tâm Du lịch Sinh thái và giáo dục Môi trường hàng ngày tổ chức đón khách tham quan và tìm hiểu về rừng, hệ thống nhà nghỉ mi-ni, nhà hàng dưới rừng thông, được nối với nhau bằng những ngả đường ngang dọc đang hoàn công…
Gặp lại Giám đốc Lê Văn Hương, sau cái choàng vai thân mật tôi hỏi: - Từ năm 2012, Vườn kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, các chuyên gia quốc tế xây dựng hồ sơ công nhận “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang”, nay ra sao rồi? Với nụ cười phấn chấn, Giám đốc sôi nổi: - Ngày 4/9/2014 hồ sơ trình ra Hà Nội và 30/9 sẽ đệ trình Unesco thế giới công nhận. Nếu được công nhận, “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang” sẽ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 8 ở Việt Nam. Theo dự thảo hồ sơ, khu rộng 260.000ha. Trong đó, vùng lõi ôm trọn Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái) hơn 56.000ha; vùng đệm gần 85.569ha ở các xã tiếp giáp vùng lõi thuộc hai huyện Lạc Dương, Đam Rông; vùng chuyển tiếp trên 117.670ha thuộc TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương… Như vậy, cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận năm 2006, Lâm Đồng sẽ có hai khu dự trữ sinh quyển thế giới! Quả là niềm tự hào cho tỉnh mình, các bác văn nghệ sĩ ạ!
Tìm hiểu “lý lịch” Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, ngược dòng lịch sử: Vào năm 1986, trước tiềm năng rất lớn của rừng Lâm Đồng, Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định thành lập 3 vùng rừng đặc dụng là Bidoup, Lang Biang và Cổng Trời. Sau đó, tỉnh thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng Bidoup - Núi Bà. Ngày 19/11/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1240/QĐ-TTg “Chuyển giao Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà”, là vườn thứ 29 của Việt Nam. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là trung tâm bảo tồn quốc gia về đa dạng sinh học có 127 loài động, thực vật quý hiếm trong Sách Đỏ, trong tổng số hơn 2.000 loài thực vật và 400 loài động vật. Vườn ra đời nhằm bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tự nhiên và hỗ trợ cộng đồng bản địa phát triển bền vững. Vườn giữ chức năng: Bảo tồn gắn với phát triển, phát triển gắn với bảo tồn. Theo đó, Vườn có 9 chương trình: Bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; Phục hồi sinh thái rừng; Phòng cháy, chữa cháy rừng; Nghiên cứu khoa học; Phát triển du lịch sinh thái; Tuyên truyền về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Hỗ trợ phát triển KT-XH trên địa bàn vùng đệm; Xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật; Hợp tác quốc tế. Hiện trạng, Vườn được phân thành ba vùng: Vùng lõi với mục đích bảo tồn, bảo tàng; đệm phục vụ phát triển kinh tế (nằm trên địa bàn Lạc Dương, Đơn Dương); vùng chuyển tiếp là Đà Lạt mở rộng. Nếu không có vùng đệm, vùng chuyển tiếp thì nguy cơ xâm hại vùng lõi rất cao.
Để làm tròn chức trách, nhiệm vụ của Vườn, Giám đốc Lê Văn Hương khi đưa đoàn văn nghệ sĩ đi tìm hiểu thực tế nhiều lần nhấn mạnh: Sologan của chúng tôi là “Giữ gìn thiên nhiên, giữ gìn văn hóa là giữ gìn tương lai”! Ở Hà Lan cũng vậy, người ta xác định phải “bảo vệ rừng bằng văn hóa”… Thế nhưng, để thực hiện châm ngôn này không dễ dàng chút nào khi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn tồn tại quá nhiều tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu; đời sống vẫn dựa dẫm, ỷ lại vào rừng. Mặt khác, là phải đối chọi với các thách thức mà đói nghèo là nguyên nhân trực tiếp, đó là: Việc mở rộng đất canh tác; khai thác rừng trái phép, săn bẫy thú, cháy rừng; xây dựng và phát triển du lịch tràn lan, khai thác lâm sản phụ… Vì vậy, lúc mới thành lập, Vườn có 3 trạm kiểm lâm thì trạm bị phá, nhân viên bị đánh và mỗi năm có khoảng 500 vụ vi phạm pháp lệnh bảo vệ rừng.
-
Vậy, tình trạng này đã được cải thiện thế nào? Còn “nóng” nữa không!
Trả lời câu hỏi của chúng tôi trong một lần giới thiệu về hoạt động của Vườn, Giám đốc Hương cho biết: - Trước đây thì “nóng” nhưng hiện đỡ lắm rồi nếu có phức tạp thì do dân tỉnh giáp ranh gây ra. Năm trước, xảy ra vụ lớn nhất là dân Khánh Hòa lên chặt 8 cây pơmu, đã bị phạt 900 triệu đồng. Ý thức bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm, vùng giáp ranh có chuyển biến nên vi phạm dần giảm về số lượng, quy mô, tính chất. Năm 2013 chỉ còn 52 vụ vi phạm. 8 tháng đầu năm 2014, các tổ nhận quản lý, bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, phát hiện 16 vụ vi phạm và tổng mức phạt chỉ 13 triệu đồng; giải tỏa trên 8,5ha do xâm phạm, lấn chiếm rừng; đồng thời chăm sóc rừng trồng 75,7ha, trồng 11,5ha rừng...
(còn nữa)
Bút ký: ĐAN THANH