... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Những năm qua, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà chú trọng công tác khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng...
[links()]
(Tiếp theo và hết)
... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Những năm qua, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà chú trọng công tác khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Đến nay, Vườn đã khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng được 50.896ha/1.456 hộ với mức chi trả gần 20 tỷ đồng/năm. Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, Vườn thiết lập được hai hệ thống bảo vệ rừng. Đó là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm tại 10 trạm (trên 70 người, trong đó có 6 người là đồng bào dân tộc bản địa) trong việc tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào giữ rừng. Bà con tham gia nhận rừng để bảo vệ lại có nghĩa vụ giám sát, kiểm tra ngược xem kiểm lâm có “móc ngoặc” cho ai vào rừng chặt cây, bẫy thú, khai thác lâm sản phụ trái phép không? Tại xã Đạ Chais, bình quân mỗi hộ được nhận 50ha rừng. Có hộ thu nhập 25 triệu đồng/năm (với mức thu này thì ở đồng bằng Bắc bộ tương đương với giá trị 5 tấn lúa).
Việc giao rừng cho cộng đồng được thực hiện công khai, dân chủ. Những hộ có lao động được trưởng thôn xác nhận, xã ký trình lên Ban quản lý Vườn và Vườn ký với từng hộ. Trên cơ sở đó, Trạm Kiểm lâm từng địa bàn phân công, hướng dẫn công việc và chấm công cho đồng bào hàng ngày. Có 2 sổ, 1 Ban giữ, 1 dân giữ. Mỗi quý trả tiền công một lần. Bên cạnh đó, Vườn vận động các tổ chức quốc tế thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại (ODA) hỗ trợ thêm cho cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay đã có các dự án TFF, VCF, JICA BIDOUP NÚI BÀ… thực hiện các hoạt động như: thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng, cung cấp cây giống, con giống, phân bón, mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác cà phê, thành lập mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, khôi phục các ngành nghề truyền thống… Các dự án hỗ trợ quốc tế được đánh giá cao, hiệu quả và thiết thực.
|
Tổ trưởng Ha Siêng (giữa) trò chuyện với các văn nghệ sĩ |
Đi thăm Vườn quốc gia rồi dừng chân tại Trạm Kiểm lâm trên đỉnh Hòn Giao (xã Đạ Chais), nơi có tấm pano ghi dòng chữ khá tâm đắc: “Đến thăm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà: không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những tấm ảnh. Không giết gì ngoài thời gian!”, tôi tình cờ gặp một tổ trưởng giữ rừng. Kon Sa Ha Siêng, dân tộc Cill, 31 tuổi (thôn K’Long K’Lanh) cho hay: Toàn xã lập 22 tổ nhận giữ, bảo vệ rừng; có tổ 7 và có tổ tới 14 người. Khi có việc lớn liên quan đến bảo vệ rừng, các tổ họp bàn cùng nhau giải quyết. Tổ Ha Siêng có 9 tổ viên, thành lập cách đây 9 năm. Tổ quản lý tiểu khu 86, khoảnh 5 và 6, diện tích trên 410ha. Mỗi tổ viên nhận 45ha rừng, tổ trưởng 50ha, mức khoán 400 ngàn đồng/ha/năm. Phần lớn diện tích rừng của tổ nằm bên sông Krông Nô (đi bộ tới mất gần 5 tiếng). Một lần đi kiểm tra rừng phải 2 ngày. Mỗi lần đi đều có các tổ viên và cán bộ trạm kiểm lâm. Cùng với thu nhập từ việc giữ và bảo vệ rừng được giao, gia đình Ha Siêng còn có 5 sào cà phê... nên đời sống cơ bản ổn định. Theo anh: Bây giờ đồng bào có ý thức bảo vệ rừng rồi, không phá rừng làm nương rẫy, săn bắt thú trái phép như trước nữa. Từ lâu, người Cill thường truyền nhau: Rừng thiêng lắm! “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, không được phá rừng bừa bãi, nhất là xâm phạm đến cây cổ thụ… Năm 1993, có đồng bào dám lén chặt một cây pơmu khu vực đường 124 đi Ninh Thuận, khi cây đổ là đột tử ngay tức khắc… Ai cũng bảo đó là do Thần Rừng trừng phạt!... Nay Đảng, Nhà nước lo cho nhiều thứ để phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dần cải thiện, lại sống được nhờ nhận thêm việc quản lý, bảo vệ rừng, do vậy, đồng bào càng hiểu thêm giá trị, sự thiêng liêng của đại ngàn đối với cuộc sống…! Tâm sự chân thành của tổ trưởng giữ rừng Ha Siêng khiến tôi chợt liên tưởng tới câu nói nổi tiếng của Wangari Maathai - Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa Bình: “Mỗi chúng ta đều tôn thờ một đấng quyền năng và chính đấng quyền năng đó đã hợp nhất mọi sự sống, mọi vật trên hành tinh này!”…
III. Mỗi một loài mất đi làm phá vỡ một mắt xích của sự sống đã phát triển hơn 3,5 tỷ năm qua (Jeffrey Mc Neely - Trưởng nhóm Khoa học Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên quốc tế).
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đặt tên theo hai ngọn núi cao nhất cao nguyên Lang Biang là Bidoup (2.287m) và Lang Biang (Núi Bà, 2.167m). Về sự tích Bidoup và Lang Biang? Theo đồng bào dân tộc bản địa tương truyền: Ngày xưa Bidoup và Lang Biang là anh em. Bidoup là em nhưng lại cao hơn anh Lang Biang. Lang Biang không ưng cái bụng, bắt Bidoup úp mặt xuống mà Bidoup vẫn cứ cao hơn Lang Biang.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trải rộng trên 70.000ha (rừng đặc dụng 56.436ha, rừng phòng hộ trên 13.600ha); trong đó diện tích rừng thông chừng 20 ngàn ha. Vườn có vùng đệm 32.300ha nằm trên địa bàn 5 xã, thị trấn ở Lạc Dương và một phần xã Đạ Tông (Đam Rông). Vườn là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia gồm các kiểu rừng đặc trưng của vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Có 5 tầng tán cây rừng. Sự đa dạng sinh học ở đây thể hiện có các loại rừng: Rừng kín thường xanh; rừng hỗn giao lá rộng - lá kim (Pơmu còn hàng ngàn cây); rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu… Vườn có 3 vùng chim quan trọng (Cổng Trời, Lang Biang, Bidoup) trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam với hơn 226 loài khác nhau. Hội Chim thế giới đánh giá cao các loài chim đặc hữu Mi Lang Biang, Khướu đầu xanh má xám, Sẻ thông họng vàng (Lô gô Vườn có biểu trưng chim Mi Lang Biang, thông hai lá dẹt, cồng chiêng…), Chim mỏ chéo… Sự hấp dẫn của vùng chim khiến một chuyên gia người Anh 3 lần bay sang xem, nghiên cứu về các loài chim ở Bidoup - Núi Bà.
Với nhiều lợi thế so sánh hiếm nơi có, Đà Lạt sẽ là một trung tâm du lịch lớn, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Chính vì vậy, theo ý tưởng của Giám đốc Lê Văn Hương, trong tương lai Đà Lạt cần phải phát triển theo hướng thành phố thông minh và lấy kinh tế xanh làm chủ đạo. Muốn vậy, cần phải đặt Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà vào đúng vị trí của nó như một công viên quốc gia của các nước phát triển. Theo Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên quốc tế (IUCN), có 5 loại rừng đặc dụng. Đó là: Khu dự trữ thiên nhiên - bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên (như một số khu vực thuộc rừng Amazon, Brazin); Công viên quốc gia: Bảo tồn và du lịch; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh - bảo tồn một số sinh cảnh và loài; Khu đất ngập nước (Ramsar) - bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước và Khu văn hóa lịch sử, môi trường - bảo vệ văn hóa, môi trường, du lịch.
Từng đi nghiên cứu ở nhiều nước và có 1 tháng tham quan 6 vườn quốc gia ở Mỹ, Giám đốc Hương thổ lộ: Khi có thắng cảnh đẹp thì phải có hạ tầng tốt để thu hút du khách. Chúng ta không sợ diện tích rừng bị thu hẹp mà vấn đề đặt ra là phải chuyển đổi một phần rừng làm hạ tầng sao cho hợp lý để thu lại nguồn lợi đầu tư lại cho rừng. Ở Mỹ, vườn quốc gia được phép xây dựng khách sạn 5 sao, phải đặt phòng trước 3 tháng, khách đến lưu trú 2,8 ngày. Vườn quốc gia Banff National Par ở Canada rộng 669ha, đón 4,7 triệu lượt du khách/năm, giải quyết lao động cho 5.165 nhân viên. Còn ở Việt Nam, các vườn quốc gia mới ở giai đoạn đầu tư ban đầu nên hạ tầng phục vụ du lịch còn giản đơn, doanh thu vẫn khiêm tốn. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng doanh thu 30 tỷ đồng/năm với 470 nhân viên nhờ danh hiệu di sản thiên nhiên quốc tế; Vườn quốc gia Cát Tiên doanh thu 4 tỷ đồng, 180 nhân viên; Vườn quốc gia Cúc Phương 3 tỷ đồng; Bạch Mã 1 tỷ 800 triệu đồng… Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động: Tổ chức tour du lịch tham quan thiên nhiên, đi bộ leo núi, cắm trại, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học. Trong đó có tour đi rừng hai ngày, đêm ngủ giữa rừng và chinh phục đỉnh Bidoup, tour này rất hào hứng đối với du khách TP. HCM cũng như giới sinh viên, học sinh ở Đà Lạt và khách quốc tế. Từ đầu năm đến nay đã đón 4.480 lượt khách (khách nước ngoài 40%, tăng 25% so với 2013). Vườn đang xây dựng vườn thực vật, liên kết để lập vườn thú bán hoang dã ở Cổng Trời… và dự tính đón khoảng 1 triệu lượt khách vào năm 2025… Hy vọng Vườn sẽ là vườn quốc gia đứng đầu Việt Nam về nhiều mặt chứ không chỉ để du khách đến du ngoạn!
|
Lửa rừng (Biểu diễn cồng chiêng của đội Văn nghệ xã Đạ Nhim phục vụ du khách) |
Đêm ở lại Vườn, Giám đốc mời đoàn thưởng thức chương trình cồng chiêng do nhóm du lịch cộng đồng xã Đạ Nhim do dự án JICA BIDOUP NÚI BÀ thành lập. Vườn mời nghệ sĩ – nhạc sĩ Krajan Plin từ huyện vào luyện tập, phục vụ du khách, Giám đốc Hương và cánh văn nghệ sỹ chúng tôi vào vòng múa quanh ngọn lửa rừng rực đam mê với bước nhún nhịp nhàng, phong thái say sưa. Tiếng cồng, tiếng chiêng được những người con của núi rừng trình diễn trong không gian tĩnh mịch giữa rừng già làm cho tất cả chúng tôi liên tưởng đến các câu chuyện cổ tích thời hồng hoang, thời mà con người và muông thú cùng chung sống hài hoà theo quy luật sinh tồn của tự nhiên…
Thời gian ở Vườn tuy ngắn nhưng đoàn cũng có dịp lội rừng chiêm ngưỡng dòng thác Thiên Thai mảnh mai, thơ mộng; thăm rừng lùn trên đỉnh Hòn Giao. Từ đỉnh Hòn Giao trên cao nguyên Lang Biang chúng tôi được đưa đến nơi khởi nguồn của 2 dòng sông lớn: Sông Đồng Nai và Sêrêpok. Giám đốc Vườn chia sẻ: Các nghệ sỹ đang đứng ở điểm xuất phát của hai dòng sông huyền thoại. Một là dòng sông Đồng Nai là sông lớn nhất bắt nguồn từ trong nước và cũng kết thúc trong nước, con sông này trở thành huyền thoại vì nó rất quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Nơi các anh đang đứng cũng là điểm xuất phát của sông Serepok con sông duy nhất ở Việt Nam chảy theo hướng Đông - Tây sang Campuchia, đổ vào Biển Hồ và nhập với sông Mê Kông rồi trở về Việt Nam với tên gọi Cửu Long… Lại một điều thú vị nữa mà chúng tôi không ngờ tới. Những giá trị nhân văn lại hiển hiện trong từng con người và cảnh vật của Bidoup - Núi Bà.
Những lần đi dã ngoại trong rừng lại được hiểu biết hơn những điều kỳ thú của tự nhiên. Cả đoàn chúng tôi chăm chú quan sát những rễ, thân, lá cây rừng phủ đầy rêu phong như lạc vào tiên cảnh. Cây rừng nào cũng chi chít phong lan bám. Trên thế giới, từng nghiên cứu rêu để chiết xuất thành thuốc chữa bệnh. Theo Giám đốc Hương: Thảm thực vật trên trái đất có trên 1 triệu loài trong đó có nhiều loài có khả năng chữa bệnh nhưng con người mới biết khoảng 100 ngàn loài… Ở đây thống kê được 400 loài rêu, 150 loài cỏ, rất tiếc Việt Nam mình rất hiếm những chuyên gia nghiên cứu về rêu và cỏ. Vườn cũng đang hợp tác với các chuyên gia đến từ Hàn Quốc để nghiên cứu về rêu và khả năng bào chế thuốc chữa bệnh từ rêu. Cả nước chỉ có chừng 5 nhà thực vật vì chuyên ngành này đào tạo lâu năm, khó và đòi hỏi đức tính bền bỉ, say mê. Sinh viên mới ra trường ngại theo... Chính vì vậy, trong 10 năm thành lập Vườn, chúng tôi rất quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học. Trước khi thành lập Vườn, Khu bảo tồn chỉ có 9 người (3 kỹ sư) thì nay Vườn có 115 cán bộ, nhân viên; trong đó, 15 thạc sĩ, 41 kỹ sư, cử nhân, 38 trung cấp chuyên ngành kiểm lâm, 11 sơ cấp và sắp tới có 1 tiến sĩ, 10 kỹ sư nữa… Thoáng trầm ngâm, Giám đốc tâm sự: - Vào rừng, ta phải thấy cây nhưng cây không thể giao tiếp với du khách. Trách nhiệm của cán bộ Vườn là làm sao cho du khách và cây nói chuyện được với nhau, từ đó tạo niềm vui và trách nhiệm của mọi người với rừng. Làm được điều này không phải là đơn giản, nó đòi hỏi chúng ta phải học liên tục vì vốn dĩ tự nhiên đã là bí ẩn.
Trong các Vườn quốc gia, duy nhất Bidoup - Núi Bà thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới với 9 người (100% là thạc sĩ khoa học). Thời gian qua, Vườn tiến hành hợp tác nghiên cứu với 21 nước trên thế giới và hiện đang có 6 dự án hợp tác quốc tế, nâng tổng số từ trước tới nay lên 10 dự án… Mỗi năm tổ chức khoảng 6 hội thảo quốc tế, từ năm 2012 đến nay đã có 140 đoàn khách quốc tế đến trao đổi, nghiên cứu trong Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Một lần thăm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tôi cảm nhận: Thiên nhiên mang đến cho mỗi người những bài học, sự chiêm nghiệm quý giá về cuộc sống; giúp con người hướng về chân, thiện, mỹ… Hệ sinh thái diệu kỳ, tinh tế ở rừng ban tặng cho ta nhận thức: Như những sợi chỉ đan dệt nên tấm thảm kỳ thú, con người và những sinh vật khác - thú, chim, côn trùng, cây cỏ, vi sinh vật, nấm hợp với đất đá, nước tạo nên một hệ thống kết nối với nhau, trong đó, tất cả các thành tố đều phụ thuộc qua lại để sống còn… Đến với Bidoup - Núi Bà, được chiêm ngưỡng cây pơmu ngàn năm tuổi, quan sát loài Ếch Ma cà rồng bay là loài đặc hữu chuyên sống trên cây, lấy tên từ loài nòng nọc có răng nanh khác thường…, ta như sống trong một thế giới thu nhỏ và cảm tưởng mình đang du hành ngược về với kho tàng vô giá của quá khứ hàng nghìn năm linh thiêng - nơi lưu giữ những chứng tích thời tiền sử, ghi nhận sự đổi thay bí ẩn, tiến hóa của sự sống, môi trường… Lan man nghĩ vậy để rồi tôi chợt chia sẻ với trách nhiệm trước sự thách thức cho tất cả những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó có cán bộ của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đó là với nhu cầu lâm sản ngày càng tăng, lợi nhuận từ việc khai thác gỗ nhất là một số loài quý hiếm trong Vườn quốc gia là rất đáng kể nên một số đối tượng vẫn chờ đợi những sơ hở của cán bộ kiểm lâm để mưu đồ lợi ích cho riêng mình. Việc giữ rừng cần là việc hệ trọng của toàn xã hội!
Chia tay Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trong một chiều mưa, tôi thầm ước mong Vườn luôn được trân trọng giữ gìn, sớm được Unesco thế giới công nhận Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang nhằm kết nối văn hóa với vùng Tây Nguyên và sử dụng văn hóa để bảo tồn thiên nhiên, thể hiện triết lý con người với thiên nhiên. Đây cũng chính là sự kết nối đa dạng cảnh quan sinh học với không gian văn hóa bản địa trong bảo tồn và phát triển. Trong tương lai gần, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang được công nhận, vùng đất linh thiêng này sẽ mãi xứng tầm với những giá trị lịch sử kể cả về tự nhiên và văn hoá. Bidoup - Núi Bà sẽ là nơi thu hút du khách, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, là một trong những điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội của Đà Lạt - Lâm Đồng.
Bút ký: ĐAN THANH