Châm cứu phục hồi vận động sau đột quỵ

08:09, 12/09/2014

Trò chuyện với các bệnh nhân ở Khoa Châm cứu - Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt mới biết được niềm vui và nghị lực của họ khi mỗi ngày cố gắng để tập ngồi, tập đứng, tập đi sau tai biến mạch máu não. Niềm vui trong ánh mắt và sự kiên trì không chỉ ở người bệnh mà cả người nhà bệnh nhân khi biết rằng mỗi ngày khả năng phục hồi vận động tiến triển từng bước. 

Trò chuyện với các bệnh nhân ở Khoa Châm cứu - Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt mới biết được niềm vui và nghị lực của họ khi mỗi ngày cố gắng để tập ngồi, tập đứng, tập đi sau tai biến mạch máu não. Niềm vui trong ánh mắt và sự kiên trì không chỉ ở người bệnh mà cả người nhà bệnh nhân khi biết rằng mỗi ngày khả năng phục hồi vận động tiến triển từng bước. 
 
Hướng dẫn bệnh nhân tập đứng dậy sau đột quỵ
Hướng dẫn bệnh nhân tập đứng dậy sau đột quỵ
 
Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt đã áp dụng thành công phương pháp châm cứu giúp phục hồi chức năng vận động cho nhiều bệnh nhân sau đột quỵ. Châm cứu thường rất được chú ý trong phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, đặc biệt giúp cải thiện tình trạng yếu liệt nửa người. Tình trạng phục hồi xuất hiện nhanh và kéo dài sau khi áp dụng điều trị từ 1 tháng trở lên. 
 
Thạc sĩ - BS Phạm Đỗ Ngô Đồng, Phó khoa Châm cứu của BV YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt đưa tôi đi thăm các bệnh nhân đang điều trị tại khoa, vừa đi, anh vừa giới thiệu khái quát tình hình: Hàng ngày có khoảng 25 bệnh nhân nội trú, mỗi đợt bệnh nhân điều trị kéo dài 30 - 45 ngày. Bệnh nhân đa số là người già, một số trung niên bị tai biến mạch máu não sau khi điều trị cấp cứu ổn định thì được đưa đến đây để châm cứu phục hồi chức năng. Phương pháp châm cứu kết hợp tập vật lý trị liệu và dùng thuốc đã giúp bệnh nhân sau khi bị đột quỵ sớm phục hồi chức năng vận động. Các bệnh nhân hàng ngày tập 2 lần, mỗi lần tập kéo dài 30 phút dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên; thời gian còn lại, người nhà được hướng dẫn kỹ thuật để tự tập cho bệnh nhân. 
 
Máy đo điện cơ đầu tiên
ở Lâm Đồng
 
BS Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc BV YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt cho biết: Bệnh viện sẽ được trang bị máy đo điện cơ để phục vụ cho việc chẩn đoán các bệnh lý về cơ như: nhược cơ, yếu cơ… Đây là máy đo điện cơ đầu tiên ở Lâm Đồng được trang bị cho bệnh viện vào cuối năm 2014 do Sở Y tế làm chủ đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.               DH 

Ông Trương Văn Xuôi, 61 tuổi, ở Phường 11 (Đà Lạt) bị chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ do tự té xe. Thời gian đầu, khi ông vào bệnh viện bị liệt hoàn toàn, nằm viện 4 tháng trời đến mức ông bị loét cả mông phải xin ra viện về nhà tự điều trị khoảng 8 tháng. Sau đó, ông được gia đình đưa đến Khoa Châm cứu ở BV YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt. Trải qua 17 tháng điều trị bằng phương pháp châm cứu, uống thuốc, tập vật lý trị liệu hàng ngày, kết quả tiến bộ rõ rệt khi bệnh nhân đã tự đỡ ngồi dậy khoảng 20 phút. Hàng ngày, bà Nhung là vợ ông dìu ông ra ghế đá tập ngồi khoảng 20 phút. Ông Xuôi phấn khởi cho biết: “Ban đầu, bác sĩ dự kiến phải qua 4 năm tôi mới có thể ngồi dậy được, còn bây giờ khả năng phục hồi tốt ngoài sự mong đợi. Tôi phấn đấu tiếp tục điều trị để có thể đi lại, tự phục vụ cho mình”. Sự lạc quan của bệnh nhân và người nhà làm cho chúng tôi vui lây. Bệnh nhân Nguyễn Đình Ty, 68 tuổi, ở Thái Phiên (Đà Lạt) bị tai biến mạch máu não, tình trạng hôn mê, sau khi được cấp cứu điều trị ổn định, ông được chuyển đến Khoa Châm cứu. Qua 3 tuần áp dụng châm cứu, uống thuốc, tập vật lý trị liệu, khả năng phục hồi vận động rất tốt, ông đã bước đi được khi có người đỡ. Bệnh nhân Đặng Quang Lý, 76 tuổi, ở Phú Hội (Đức Trọng) nằm liệt sau cơn tai biến mạch máu não. Qua 2 tháng điều trị tích cực ở Khoa Châm cứu, ông đã co được tay chân, đang tập đứng và tập các cơ. Ông Lý được kỹ thuật viên hướng dẫn tập đứng, với sự cố gắng để đứng được trên đôi chân của mình, tay vẫn vịn vào dụng cụ hỗ trợ và một bên là kỹ thuật viên kèm cặp động viên, ông Lý từ từ nhấc người khó nhọc và cuối cùng ông đứng lên được. Hai người con gái của ông như nín thở quan sát đã vỡ òa niềm vui trong ánh mắt khi thấy người thân của mình đã có thể đứng lên được rồi.

Tranh thủ hỏi chuyện bác sĩ, chúng tôi biết được kết quả tiến bộ của bệnh nhân đột quỵ nhờ châm cứu đã được ThS-BS Phạm Đỗ Ngô Đồng nghiên cứu với đề tài: “Hiệu quả phục hồi vận động sau đột quỵ của phương pháp châm cứu cải tiến phối hợp với sự hợp tác của người bệnh” công bố tại hội thảo khoa học về phục hồi chức năng sau đột quỵ bằng phương pháp YHCT năm 2013 của Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt. Bằng phương pháp nghiên cứu can thiệp lâm sàng có đối chứng, sắp xếp ngẫu nhiên thực hiện tại BV YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt từ tháng 6/2011 - 5/2013 trên 177 bệnh nhân, tác giả kết luận: Châm cứu cải tiến có sự hợp tác bằng cách nỗ lực vận động tự chủ của bệnh nhân trong khi châm cứu có hiệu quả phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân sau đột quỵ, tỉ lệ hồi phục mức tốt, khá đạt 85,4%. Nếu chỉ châm cứu cải tiến đơn thuần thì tỉ lệ phục hồi mức khá, tốt đạt 69,32%. 
 
Ths-BS Đồng giải thích phương pháp châm cứu cải tiến là phương pháp trong đó các huyệt được chọn có các đặc điểm: Là huyệt trên đường kinh ở vùng bị bệnh đồng thời nằm ở đầu bám tận của cơ để có thể kích thích cơ tốt hơn. Trong phương pháp châm cứu cải tiến có sự phối hợp của bệnh nhân, người bệnh được hướng dẫn tập trung chú ý vào các vị trí được kích thích bằng điện châm và các hoạt động co vào duỗi ra của vùng chi bị liệt. Theo nguyên tắc thần kinh - sinh học của hệ vận động, một tín hiệu kích thích vào cơ quan thụ cảm ở ngoại vi sẽ được dẫn truyền về tủy sống, đi lên não và não sau khi xử lý thông tin sẽ đưa ra các hoạt động vận động thích hợp, sự gián đoạn một trong các điểm trên cũng có thể gây ra mất vận động. Phương pháp châm cứu cải tiến có sự phối hợp của bệnh nhân có thể đã tạo ra một cung vận động - phản xạ mới thông qua việc tạo kích thích và vận động theo kích thích của bệnh nhân. Điều này có thể giải thích cho lý do tại sao những người nhận điều trị bằng phương pháp châm cứu cải tiến có sự phối hợp của bệnh nhân cải thiện tốt hơn về khả năng hoạt động sinh hoạt hàng ngày so với các bệnh nhân chỉ điều trị bằng châm cứu cải tiến đơn thuần và tại sao sự khác biệt có ý nghĩa chỉ xảy ra sau khi điều trị được một thời gian, có hoạt động phải cần đến 30 ngày mới nhìn thấy sự khác biệt.
 
Như vậy, cùng với châm cứu, ý chí và sự nỗ lực tập luyện vận động tự chủ của bệnh nhân rất quan trọng trong việc phục hồi vận động sau tai biến mạch máu não. 
 
DIỆU HIỀN