Ngày 20/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 của Chính phủ với 36 địa phương trong cả nước. Tham gia hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
* Thu nhập của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại Lâm Đồng cao nhất cả nước
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 của Chính phủ với 36 địa phương trong cả nước. Tham gia hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tạo nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân sống gần rừng. Mức thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR của cả nước đạt 1,8 triệu đồng/hộ. Trong đó, mức thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng của Lâm Đồng là cao nhất cả nước với mức thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay, cả nước có 36 địa phương thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 32 tỉnh đã ổn định tổ chức bộ máy hoạt động. Toàn quốc đã ký được 351 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sử dụng DVMTR để thu tiền chi trả cho chủ rừng. Thu tiền DVMTR của cả nước hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm, cả nước thu được hơn 3.329 tỷ đồng chi trả DVMTR. Đây là nguồn lực đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo kinh phí duy trì bảo vệ diện tích rừng.
Riêng tại Lâm Đồng, hiện nay đã có 36 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng DVMTR ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR gồm: các đơn vị sản xuất thủy điện; các đơn vị sản xuất nước sạch; các đơn vị kinh doanh du lịch. Trong 3 năm (2011 - 2013), Lâm Đồng đã thu được từ DVMTR với tổng số tiền hơn 360 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã chi trong 3 năm là hơn 331 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng diện tích khoán bảo vệ rừng chi trả DVMTR là gần 333 ngàn ha. Diện tích khoán bảo vệ rừng chi trả DVMTR hàng năm chiếm tỷ lệ bình quân 87% tổng diện tích khoán bảo vệ rừng toàn tỉnh. Qua đó, đã giải quyết sinh kế cho hơn 15 ngàn hộ dân sống gần rừng, trong đó các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 80%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR thời gian qua. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trên cơ sở những kết quả đạt được, các địa phương cần tiếp tục tập trung và quyết liệt chỉ đạo triển khai chính sách chi trả DVMTR một cách hiệu quả hơn nữa; chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, cũng như trách nhiệm của các bên trong sử dụng DVMTR…
DUY DANH