Dù mỗi người một hoàn cảnh sinh sống và làm những công việc khác nhau, nhưng họ đều cùng chung một mục đích là chung tay, góp sức xây dựng và phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Họ thật sự là những "đầu tàu" ở khắp các buôn làng.
Dù mỗi người một hoàn cảnh sinh sống và làm những công việc khác nhau, nhưng họ đều cùng chung một mục đích là chung tay, góp sức xây dựng và phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Họ thật sự là những “đầu tàu” ở khắp các buôn làng.
Già làng Điểu K’Ít (bản Brum, xã Gia Viễn)
Tham gia quân đội từ năm 1972, chiến đấu ở chiến trường Phước Long (nay là Bình Phước), đến năm 1976, Điểu K’Ít (sinh năm 1952, dân tộc Châu Mạ) xuất ngũ trở về địa phương làm ăn. Nhờ được rèn luyện trong quân đội, Điểu K’Ít nhanh chóng chăm lo, phát triển kinh tế. “Trước đây, đồng bào Châu Mạ chủ yếu sống theo lối du canh, du cư, nên đời sống hết sức bấp bênh. Năm 2006, Nhà nước đầu tư xây dựng Khu tái định cư tại bản Brum để giúp cho đồng bào Châu Mạ có nơi ở ổn định. Bà con bắt đầu làm quen với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống” - Điểu K’Ít kể. Theo Điểu K’Ít, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo của bản Brum giảm đáng kể qua từng năm. Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo rất cao (38%), năm 2012, giảm xuống còn 23%. Hiện tại, ở bản Brum, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 15%. Bản Brum đang phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10%.
Năm 2011, cựu chiến binh, bệnh binh (61%) Điểu K’Ít được bà con bản Brum tín nhiệm bầu làm già làng. Trong vai trò của mình, già làng Điểu K’Ít luôn mẫu mực, tích cực vận động, tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của bà con và từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu; từ đó, tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi và nhận khoán bảo vệ 19ha rừng. Hiện tại, ở bản Brum, trung bình một hộ có 4 con trâu. Năm 2013, bản Brum đã được UBND huyện Cát Tiên công nhận “Bản văn hóa”.
Bà Lương Thị Yên (thôn Cát Điền, xã Phước Cát I)
Năm 1991, rời miền Bắc, bà Lương Thị Yên (sinh năm 1967, dân tộc Nùng) vào lập nghiệp tại thôn Cát Điền (xã Phước Cát I). Ở quê mới, bà chịu khó làm ăn, nên cuộc sống sớm được ổn định. Ngoài ra, bà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. “Gia đình tôi hiện có 2,6ha điều, 8 sào đất trồng lúa và 2 sào đất trồng bắp. Mỗi năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí, thu nhập của gia đình vào khoảng 60 triệu đồng” - bà Lương Thị Yên cho biết. Hiện tại, bà đang làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cát Điền, Đại biểu HĐND xã Phước Cát I...
Điều đáng quý là dù làm công việc nào, bà cũng đều nhiệt tình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ba năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn Cát Điền đã quyên góp được trên 100 triệu đồng từ mô hình “nuôi heo đất” để giúp đỡ những chị có hoàn cảnh khó khăn. Chi hội Phụ nữ thôn Cát Điền đã thành lập 1 tổ đổi công, với 27 thành viên. Bên cạnh đó, thông qua chi hội, bà đã tín chấp cho hội viên vay Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 2 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Bà Lương Thị Yên còn tích cực vận động người dân thôn Cát Điền xây dựng “tuyến đường không rác”, góp sức vào xây dựng nông thôn mới. Trong nhiều năm liền, Chi hội Phụ nữ thôn Cát Điền đạt “vững mạnh”. Bản thân bà được các cấp tặng nhiều giấy khen.
Bà Điểu Thị Chớc (Tổ trưởng Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Đồng Nai Thượng)
Biết dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi, nay bà Điểu Thị Chớc đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với bà, nghề dệt thổ cẩm đã “ngấm” vào máu và bà nhận thấy mình phải có trách nhiệm truyền lại nghề cho con cháu trong buôn làng. Bà Điểu Thị Chớc đã được công nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm duy nhất tại xã Đồng Nai Thượng.
Muốn nghề truyền thống của dân tộc mình được lưu giữ lại và có thể giúp cho chị em có thêm thu nhập từ nghề này, bà đã thành lập Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm thôn Bù Gia Rá (Đồng Nai Thượng). Bà tâm sự: “Đam mê nghề dệt và tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nên khi nào rảnh, tôi đều ngồi vào khung dệt. Từ những sợi chỉ và khung dệt đơn giản, tôi đã đem hết tâm huyết để dệt nên những sản phẩm tinh xảo. Nhưng điều tôi lo ngại nhất là nghề dệt truyền thống của người Mạ đang ngày càng mai một. Với mong muốn khơi dậy ý thức bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tôi đã đến từng gia đình trong thôn vận động chị em trở lại với nghề dệt”. Ban đầu, việc vận động chị em tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm gặp nhiều khó khăn, bà đã kiên trì vận động, giải thích cho từng người. Từ đó, chị em dần dần tham gia. Từ 17 tổ viên, đến nay, Tổ hợp tác đã thu hút được 22 tổ viên. Về “đầu ra” sản phẩm, bà Chớc chịu khó đem sản phẩm giới thiệu, ký gởi. Trong năm qua, cả trăm sản phẩm của Tổ hợp tác đã được tiêu thụ trong xã và các vùng lân cận.
Anh Điểu K’Viên (Phó Bí thư Huyện Đoàn Cát Tiên)
Anh Điểu K’Viên đã gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên hơn 10 năm nay. Cách đây vài năm, anh đã cùng với các thanh niên DTTS tại Buôn Go (nơi anh sinh sống) thành lập “Đội thanh niên xung kích bảo vệ dòng sông quê hương”. Vào thời điểm này, đoạn sông Đồng Nai chảy qua Buôn Go và Chợ trung tâm bị ô nhiễm, do người dân chưa có ý thức, vứt rác thải xuống sông. Anh và anh em ở Buôn Go đã tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không xả thải xuống sông Đồng Nai. Đồng thời, Đội xung kích trực tiếp dọn vệ sinh, trả lại môi trường trong lành cho đoạn sông này. Hiện tại, dù Đội xung kích không còn thường xuyên hoạt động, nhưng người dân đã có ý thức, dòng sông đã được bảo vệ.
Về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, anh Điểu K’Viên chia sẻ: Việc tập hợp đoàn viên, thanh niên trong vùng DTTS tuy có cái khó về trình độ nhận thức, nhưng đoàn viên, thanh niên DTTS ổn định về số lượng hơn những nơi khác. Hiện, toàn huyện có 470 đoàn viên DTTS (trong tổng số gần 2.500 đoàn viên). Số đoàn viên này chiếm hơn một nửa đang sống và sinh hoạt tại xã Đồng Nai Thượng. Do đó, Huyện Đoàn đã thường xuyên tổ chức các chương trình hoạt động, các đợt “về nguồn” tại đây. Về các phong trào lập thân, lập nghiệp, bản thân tôi và Huyện Đoàn cũng thường xuyên gắn các chương trình giao lưu, sinh hoạt với việc định hướng cho thanh niên DTTS phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng rau, trồng lúa nước…
ĐÔNG ANH - TRỊNH CHU