Nhiều trường mầm non đang tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho trẻ từ 3 tuổi trở lên học tiếng Anh. Điều này được đa số phụ huynh hưởng ứng, vì cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để trẻ tiếp thu ngôn ngữ thứ hai...
Nhiều trường mầm non đang tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho trẻ từ 3 tuổi trở lên học tiếng Anh. Điều này được đa số phụ huynh hưởng ứng, vì cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để trẻ tiếp thu ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, làm sao để môn tiếng Anh ở bậc mầm non chỉ giúp trẻ được làm quen với ngoại ngữ chứ không gây áp lực cho trẻ đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh.
Chị Vân Anh - phụ huynh của một bé lớp Lá, Trường Mầm non 9 (Đà Lạt) tỏ ra vui mừng khi nghe tin nhà trường sẽ tổ chức dạy tiếng Anh cho các bé mẫu giáo (các lớp 3, 4 và 5 tuổi). Theo chị, đây là lứa tuổi các bé tiếp thu ngôn ngữ dễ dàng và rất tự nhiên. Cũng giống chị, nhiều phụ huynh khác rất hào hứng và có đến hơn 80% phụ huynh đăng ký ngay cho con mình được học thêm môn này.
|
Đông đảo học sinh tham gia học tiếng Anh dịp hè 2014 |
Thực tế trước đó, một số trường mầm non đã tổ chức dạy môn tiếng Anh trong các môn ngoại khóa cho trẻ với mức học phí từ 50 ngàn đồng/tháng. Cô Huỳnh Thị Nguyên Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào (Đà Lạt) cho biết, nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ từ vài năm trước và đạt được những kết quả thú vị. Đó là trẻ bắt đầu làm quen được với một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Việc dạy tiếng Anh của trường không nặng nề, chỉ là qua những bài hát đơn giản, những hình ảnh hay các bài thơ ngắn; chủ yếu là bằng hình thức truyền khẩu chứ không bắt học theo sách vở nên trẻ dễ dàng tiếp cận mà không hề bị áp lực. Giờ học tiếng Anh của trường, cả cô và trẻ hào hứng với những con vật, những đồ dùng quen thuộc nhưng được diễn đạt bằng ngôn ngữ khác thường ngày. “Các cháu tỏ ra rất thích thú và tiếp thu nhanh. Trong các buổi văn nghệ nhân dịp lễ hội của trường luôn có những tiết mục biểu diễn bằng tiếng Anh của các cháu như hát, đọc thơ hay diễn hoạt cảnh. Điều này cũng khiến phụ huynh hài lòng khi cho con học tiếng Anh”, cô Hương chia sẻ. Giáo viên tiếng Anh được nhà trường hợp đồng từ Nhà Thiếu nhi và các trung tâm ngoại ngữ uy tín. Tuy nhiên, sau khi có văn bản của Bộ GD & ĐT yêu cầu dừng việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, nhà trường đã ngưng dạy ngay. Cũng theo cô Hương, sau khi Bộ cho phép dạy lại, nhà trường lại tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, hợp tác, và kết quả gần 90% phụ huynh đăng ký cho con được học môn này.
Hiện nay, tiếng Anh đã và đang trở thành ngôn ngữ của toàn cầu. Việc Bộ GD & ĐT quyết định đưa tiếng Anh vào chương trình học chính khóa từ lớp 3 và quy định tiếng Anh trở thành một trong những môn thi tốt nghiệp THPT chính thức đã thể hiện việc xem ngoại ngữ là môn học quan trọng và là cơ hội để hội nhập quốc tế. Bộ cho phép những nơi có điều kiện và phụ huynh có nhu cầu thì các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình. Việc lựa chọn giáo viên cũng hết sức quan trọng, vì đa số giáo viên mầm non không đủ trình độ để dạy ngoại ngữ, còn giáo viên ngoại ngữ ở các trung tâm sẽ hạn chế về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Vì vậy, các trường cần tuyển chọn giáo viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu dạy học tiếng Anh cho trẻ, để tránh việc trẻ phát âm không chuẩn khi các em đang trong giai đoạn hoàn thiện ngôn ngữ. Việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non cần phải có phương pháp dạy phù hợp với lứa tuổi. Quan trọng nhất là nội dung và tài liệu cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được Sở GD & ĐT thẩm định kỹ và cho phép thực hiện. Đó là không nên đặt nặng vấn đề kiến thức mà phải áp dụng một số hoạt động vui chơi vào việc giảng dạy, để trẻ học mà chơi - chơi mà học. Theo quy định của Bộ GD & ĐT, việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái để tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới, đồng thời, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
TUẤN HƯƠNG