Đổi thay ở xã nghèo Đồng Nai Thượng

08:09, 12/09/2014

Trong những năm gần đây, bằng nhiều chương trình đầu tư của Nhà nước, xã Đồng Nai Thượng đã có những chuyển biến rõ nét. Người dân đã được trao tận tay "cần câu" để từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Cát Tiên, với gần 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những ngày đầu khi mới tách ra từ xã Tiên Hoàng (tháng 3/2003), xã Đồng Nai Thượng gần như tách biệt và gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong những năm gần đây, bằng nhiều chương trình đầu tư của Nhà nước, xã Đồng Nai Thượng đã có những chuyển biến rõ nét. Người dân đã được trao tận tay “cần câu” để từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
 
Xã Đồng Nai Thượng hiện có 362 hộ dân, với gần 1.550 nhân khẩu. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào cây điều. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích điều đã già cỗi, năng suất thấp, nên trong thời gian qua, xã đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi diện tích điều sang trồng cà phê và cao su. Nếu như năm 2010, diện tích cây điều là 815ha, thì đến nay, diện tích giảm xuống còn 528ha. Trong những năm tiếp theo, xã chỉ giữ ổn định diện tích điều ở mức 500ha. Ngoài việc chuyển đổi cây điều, người dân cũng đã tận dụng những diện tích đất khác để chuyển sang trồng cà phê, cao su và cây ăn quả. Nhờ đó, diện tích cây công nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014. 
 
Đường giao thông Bù Sa - Bù Gia Rá đang được thi công
Đường giao thông Bù Sa - Bù Gia Rá đang được thi công
 
Hiện nay, ngoài cây điều, diện tích cây trồng ở Đồng Nai Thượng gồm 230ha cao su, hơn 245ha cà phê, 56ha cây ăn trái. Xã phấn đấu đến năm 2015, diện tích cây cà phê tăng lên 350ha, cây cao su lên 300ha. Ông Đào Duy Mai, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng, cho biết: “Xã xác định cây điều, cà phê, cao su là những cây trồng chủ lực để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa trong những năm tới. Hiện tại, xã đã có khoảng 90ha cà phê cho thu hoạch, với năng suất bình quân 2 tấn nhân/ha; có 5ha cao su bắt đầu cạo mủ, với chất lượng mủ khá tốt. Đây là những nền tảng tốt, chắc chắn sẽ cải thiện được đời sống của người dân”.
 
Tỷ lệ hộ nghèo của xã Đồng Nai Thượng hiện là 18,93%. Phấn đấu đến cuối năm nay, xã sẽ giảm tỷ lệ này còn dưới 15%. Đây được xem là con số giảm nghèo khá ấn tượng, bởi lẽ, so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 56%. Đặc biệt, hiện toàn xã không còn hộ đói. Một trong những chương trình đầu tư góp phần tích cực vào việc giảm nghèo chính là chương trình trồng lúa nước. Tại những khu vực có khả năng phát triển lúa nước, xã đã tổ chức khai hoang và hỗ trợ lúa giống để bà con gieo trồng. Qua các năm, diện tích lúa nước đã được tăng dần. Từ 5ha (2010), đến nay, diện tích lúa nước là trên 20ha, với gần 100 hộ tham gia trồng. Dự kiến đến năm 2015, diện tích lúa nước sẽ mở rộng từ 25 - 30ha. Cùng với việc mở rộng diện tích, cán bộ xã trực tiếp hướng dẫn người dân về kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân tăng từ 37,4 tạ/ha (2010) lên 45 tạ/ha (2014). 
 
Ông K’Lớ (người dân thôn Bù Sa) cho biết: “Dù diện tích lúa nước của gia đình tôi trồng không nhiều, nhưng nhờ mỗi năm trồng được 2 vụ lúa, nên gia đình đủ ăn, không còn phải nhờ trợ cấp của Nhà nước như trước đây nữa!”. Không riêng gia đình ông K’Lớ, hàng chục hộ dân khác ở các thôn Bê Đê, Bù Sa, Bi Nao, Bù Gia Rá, Đạ Cọ đã không còn thiếu ăn lúc giáp hạt. Đặc biệt, tại thôn Bê Đê, nếu trước đây có đến 40/60 hộ dân trong thôn cần trợ cấp lương thực, thì nay không còn hộ nào. 
 
Góp phần vào hiệu quả của chương trình trồng lúa nước và chuyển đổi cây trồng khác là các dự án đầu tư về thủy lợi. Đến nay, xã Đồng Nai Thượng đã được đầu tư xây dựng hồ chứa nước Bê Đê (vốn đầu tư 25 tỷ đồng), đập dâng Bù Sa (vốn đầu tư 150 triệu đồng), đập Đạ Cọ (vốn đầu tư 500 triệu đồng). Hiện, xã đang lập Dự án xây dựng đập Bi Nao (vốn đầu tư 492 triệu đồng). Các công trình này đã phát huy hiệu quả.
 
Giao khoán quản lý bảo vệ rừng cũng đã đem lại hiệu quả khả quan trong việc cải thiện đời sống cho người dân xã nghèo Đồng Nai Thượng. Hiện tại, tổng diện tích rừng được Vườn Quốc gia Cát Tiên giao khoán cho các hộ dân là 6.147ha. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm hơn 2 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ thu nhập từ quản lý bảo vệ rừng là 14,15 triệu đồng/năm). Chính điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo và gắn được trách nhiệm của người dân với rừng. Do đó, tình trạng phá rừng đã được hạn chế và không còn tình trạng phát nương làm rẫy. 
 
Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, các công trình về đường giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục… tại xã Đồng Nai Thượng cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, tuyến đường từ trung tâm huyện lên xã Đồng Nai Thượng đã được trải nhựa (gần hoàn chỉnh). Hiện, toàn xã đã xây dựng 3 nhà văn hóa thôn, sửa chữa nhà văn hóa xã, làm sân vận động và đang tiếp tục triển khai các công trình: Trạm Y tế xã, Trường Mầm non, đường giao thông nông thôn Bù Sa - Bù Gia Rá, Bù Gia Rá - Nghĩa địa, Đập bổi Đạ Cọ, Đập bổi Bi Nao và kênh tưới Bù Sa. Trong thời gian tới, khi các công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ông Đào Duy Mai khẳng định: Các chương trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sự chuyển biến về nhận thức cho bà con DTTS. Bà con đã biết chủ động trong sản xuất, biết chọn cây trồng phù hợp, biết trồng xen canh để “lấy ngắn nuôi dài”. Đây chính là thành quả lớn nhất, tạo nền tảng để xã Đồng Nai Thượng phát triển.
 
HỮU SANG