Góp phần phát triển nông nghiệp - nông thôn

08:09, 15/09/2014

Theo đánh giá chung, sau 15 năm thực hiện chủ trương về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) theo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, sự nghiệp KH-CN tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH chung của địa phương. 

Theo đánh giá chung, sau 15 năm thực hiện chủ trương về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) theo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, sự nghiệp KH-CN tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH chung của địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều đề tài khoa học của tỉnh Lâm Đồng được thực hiện mang tính giá trị thực tiễn cao nên đã được áp dụng vào đời sống một cách khá thiết thực, mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt, nhất là về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.
 
Số liệu của Sở KH-CN Lâm Đồng cho thấy, từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hơn 310 đề tài và dự án khoa học trên rất nhiều lĩnh vực; tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là trong đó, số lượng đề tài liên quan trực tiếp đến phát triển nông nghiệp - nông thôn chiếm hơn một nửa; cùng đó, có khoảng 1/3 số lượng đề tài còn lại cũng là những đề tài có liên quan gián tiếp đến phát triển nông nghiệp - nông thôn.
 
Trong phòng nuôi cấy mô của một cơ sở tư nhân ở Đà Lạt
Trong phòng nuôi cấy mô của một cơ sở tư nhân ở Đà Lạt
 
Tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn
 
Ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đa số trong hơn 310 đề tài khoa học được triển khai trong vòng 15 năm qua ở Lâm Đồng đã tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Xác định nội dung và giải pháp nhằm thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lâm Đồng; tập trung nghiên cứu phát triển các giống rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu... có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; triển khai nghiên cứu công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói một số loại rau hoa, củ quả phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các đề tài khoa học của Lâm Đồng trong 15 năm qua không chỉ dừng ở tầm “vĩ mô” mang tính khái quát cao mà cũng đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương, đến từng cộng đồng và từng đối tượng nghiên cứu một cách cụ thể. 
 
Có thể điểm ra đây một vài đề tài phục vụ phát triển nông nghiệp mang tính lợi thế cạnh tranh của địa phương, tiêu biểu như: “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi ở tỉnh Lâm Đồng”, “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất hoa tại Đà Lạt - Lâm Đồng”, “Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật từ bã thải trồng nấm, phế thải chăn nuôi và trồng trọt tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng”... Đặc biệt, trong vài năm gần đây, khi Lâm Đồng cùng với cả nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì các đề tài khoa học của địa phương cũng đã bám sát hơn nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp - nông dân - nông thôn để triển khai thực hiện. Có thể kể ra đây một số đề tài: “Nhân rộng và phát triển một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm theo định hướng xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng mô hình trồng cà phê catimor F6 và cà phê ghép tại xã Nthol Hạ, huyện Đức Trọng”, “Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Đam Rông”, “Nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại Đơn Dương”, “Xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng”...
 
Góp phần xây dựng nông thôn mới
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể; trong đó có sự đóng góp quan trọng của KH-CN với những biểu hiện cụ thể là những đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng có giá trị thực tiễn cao trong đời sống, nhất là đời sống nông thôn. 
 
Trong các đối tượng nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp thì hoa là một trong những sản phẩm thế mạnh có tính cạnh tranh cao của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng. Trong những năm qua, hoa đã được nhiều cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp, các địa phương đưa vào làm đối tượng nghiên cứu khoa học và đã cho những kết quả rất đáng kể. Trong đó, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất hoa tại Đà Lạt - Lâm Đồng” là một trong những dự án mang lại nhiều giá trị thiết thực. Với đề tài này, cơ quan chức năng đã triển khai trên 2ha hoa địa lan, 4ha hoa hồng và 12ha hoa cúc trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận. Kết quả là hoa ở các mô hình nghiên cứu đã phát triển tốt, năng suất và chất lượng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, qua tổng kết cho thấy, tính bình quân, cứ 1.000m2 được sản xuất theo mô hình nghiên cứu sẽ cho lợi nhuận tăng mỗi vụ khoảng 5 triệu đồng so với sản xuất bình thường. Hoặc như, tại nhà máy Chè Minh Rồng, đề tài nghiên cứu về áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới (máy hái chè) trong thu hoạch chè tươi trong thời gian gần đây cũng đã mang lại kết quả khả quan: Hái bằng máy, không những năng suất lao động tăng gấp 4 - 6 lần mà năng suất chè cũng đã tăng khoảng 10% so với thu hái thông thường (hái máy, năng suất bình quân đạt 22.101 tấn/ha/năm), cùng đó là giảm chi phí thu hái đến những 55%, chi phí về bảo vệ thực vật cũng giảm 50%... Một đề tài đáng quan tâm khác: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng”. Đề tài này được triển khai từ tháng 6.2013 đến nay và bước đầu cho kết quả là đã chuyển giao 5 quy trình kỹ thuật và 5 mô hình về canh tác lúa nước, điều, cà phê, bơ, cam và dứa cho bà con dân tộc thiểu số; đồng thời cũng đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên và tổ chức tập huấn cho gần 500 lượt nông dân là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, theo ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, thành công lớn nhất của đề tài này là góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương; đồng thời, đây có thể sẽ là một trong những mô hình mẫu về canh tác lúa nước của vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả tỉnh Lâm Đồng.
 
Trong xây dựng nông thôn mới, yếu tố KH-CN có vai trò rất quan trọng là điều không thể phủ nhận. Thực tế trong những năm qua ở Lâm Đồng, nhiều đề tài khoa học liên quan (hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp) đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn khi được áp dụng vào thực tế đã mang lại kết quả rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Và, những gì vừa nêu trên cũng chỉ mới là một vài ví dụ tiêu biểu mà thôi!
 
KHẮC DŨNG