Cũng như nhiều huyện, thành phố (TP) khác của tỉnh, thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, Đức Trọng tiến hành cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) từ nhiều năm nay, nhằm mang lại lợi ích thiết thực, giảm phiền hà cho người dân khi giao dịch với các cơ quan hành chính công...
Cũng như nhiều huyện, thành phố (TP) khác của tỉnh, thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, Đức Trọng tiến hành cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) từ nhiều năm nay, nhằm mang lại lợi ích thiết thực, giảm phiền hà cho người dân khi giao dịch với các cơ quan hành chính công. Do thường xuyên kiểm tra, giám sát và không ngừng kiện toàn, đổi mới bộ máy, đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng sản phẩm CCTTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, nên qua kiểm tra, Sở Nội vụ đánh giá Đức Trọng là huyện dẫn đầu khối chính quyền 12 huyện, TP có chỉ số hài lòng nhất của người dân trong CCTTHC.
Trong quá trình thực hiện CCTTHC, UBND huyện Đức Trọng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành có mối quan hệ giao dịch với người dân như: Văn phòng một cửa huyện, xã, thị trấn; ngành Tư pháp, ngành Tài nguyên - Môi trường, ngành Xây dựng, ngành GT-VT, ngành Tài chính - Ngân hàng, ngành Kế hoạch - Đầu tư, ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Y tế, ngành Thanh tra, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch, ngành Nội vụ, ngành LĐTBXH phải tiếp tục đẩy mạnh CCTTHC. Qua việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức - viên chức (CBCC-VC), nhất là tại các bộ phận trực tiếp tiếp dân và cán bộ đứng đầu phải thường xuyên kiểm tra, giám sát; nhận, trả hồ sơ hành chính đúng quy định, quy trình của CCTTHC. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn và lấy thái độ phục vụ nhân dân làm tiêu chí đánh giá, xếp loại CBCC-VC hàng quý, hàng năm. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch những lĩnh vực CCTTHC, thời gian giao trả hồ sơ tại nơi tiếp dân để dân biết, dân tham gia góp ý và theo định kỳ tổ chức “Gặp gỡ, đối thoại về CCTTHC” tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và trên sóng phát thanh, truyền hình của huyện. Các lĩnh vực thường được đối thoại như: Đất đai, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, thuế, chính sách chế độ người có công… UBND huyện một mặt thường xuyên tổ chức kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, bổ sung những bất cập, thiếu tính pháp lý, hoặc rườm rà, gây phiền hà cho người dân khi thực hiện. Mặt khác, tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất công tác CCTTHC và việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Nhờ vậy, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn, đúng quy trình, đúng thẩm quyền ngày càng được nâng cao. Năm 2013, trong tổng số 119.319 hồ sơ tiếp nhận; trong đó, thuộc thẩm quyền cấp huyện 32.746 hồ sơ, giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ 98,60%; thuộc thẩm quyền cấp xã, thị trấn 86.573 hồ sơ, giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ 99,76%.
Trong công tác CCTTHC, quan trọng nhất là việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (CCMC, MCLT), và nâng cao chất lượng các sản phẩm CCTTHC theo TCVN ISO 9001:2008. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương của huyện Đức Trọng ngoài việc ban hành quy định trong giải quyết TTHC theo CCMC, MCLT, còn bố trí, sắp xếp những cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm làm việc tại khâu quan trọng này để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân khi đến giao dịch tại MC, MCLT. Theo đó, hiện nay, 8 CBCC-VC được bố trí làm việc tại bộ phận MC của UBND huyện; trong đó, có 5 CBCC-VC có trình độ đại học, 3 CBCC-VC có trình độ trung cấp, với 103 TTCCHC MC, 77 TTCCHC MCLT. Tại UBND các xã, TT có 42 CBCC-VC được bố trí làm việc tại bộ phận MC, trong đó có 6 CBCC-VC có trình độ đại học, 35 CBCC-VC có trình độ trung cấp, 1 CBCC-VC có trình độ sơ cấp. Đặc biệt, tại bộ phận MC, MCLT của Văn phòng UBND huyện, UBND các xã, TT và một số cơ quan, đơn vị của huyện Đức Trọng đã xây dựng và duy trì, nâng cấp, bảo dưỡng hệ thống Văn phòng điện tử eOffice, xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản và module tra cứu văn bản trên cổng thông tin điện tử của huyện. Đến nay, đã kết nối eOffice cho 53 đơn vị trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, đã duy trì có hiệu quả cao hoạt động mô hình “Một cửa hiện đại”(eGate) tại UBND huyện và UBND TT Liên Nghĩa trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp hộ tịch, LĐTBXH. Cùng với đó, cũng tại UBND huyện và UBND TT Liên Nghĩa đã ứng dụng hệ thống chất lượng TCVN ISO 9001:2008 đối với 183 TTHC cấp huyện và 94 TTHC cấp TT và đã được cấp giấy chứng nhận ISO.
Tuy được Sở Nội vụ đánh giá cao về chỉ số hài lòng của người dân trong CCTTHC, nhưng theo ông Phạm Thanh Quan - Chủ tịch UBND huyện, thì Đức Trọng vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế trong CCTTHC, đó là: Công tác rà soát, kiểm soát TTHC tại một số phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện nghiêm túc; chất lượng, nội dung và thời gian thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác niêm yết, công khai thực hiện TTHC ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, đối phó. Công tác bố trí cán bộ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của huyện chưa thực hiện đúng quy định theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện mô hình một cửa hiện đại đạt hiệu quả chưa cao, do chưa được đầu tư đồng bộ và phần mềm chương trình ứng dụng chưa linh hoạt, ảnh hưởng đến việc cập nhật theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ.
Từ chỗ phân tích nguyên nhân của thành công, hạn chế trong CCTTHC những năm qua, BCĐ của huyện Đức Trọng đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để thực hiện trong thời gian tới. Thực hiện tốt những nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp này, tin rằng chỉ số hài lòng của người dân đối với CCTTHC huyện Đức Trọng sẽ tiếp tục được nâng cao hơn và theo đó, uy tín, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền huyện cũng sẽ được nâng cao.
HOÀNG VƯƠNG MỸ