Gương cựu chiến binh tiêu biểu ở Di Linh

08:09, 01/09/2014

Trong số 4.124 hội viên của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Di Linh có rất nhiều "gương sáng" đi đầu trong các phong trào, xứng đáng để thế hệ con cháu noi theo. Trong phong trào "CCB gương mẫu" qua 5 năm (2009 - 2014), Hội CCB Di Linh đã có 208 hội viên được các cấp tuyên dương, khen thưởng. 

Trong số 4.124 hội viên của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Di Linh có rất nhiều “gương sáng” đi đầu trong các phong trào, xứng đáng để thế hệ con cháu noi theo. Trong phong trào “CCB gương mẫu” qua 5 năm (2009 - 2014), Hội CCB Di Linh đã có 208 hội viên được các cấp tuyên dương, khen thưởng. 
 
CCB Nguyễn Xuân Ngọc (xã Đinh Lạc): 
 
Xuất ngũ từ năm 1983, CCB - bệnh binh Nguyễn Xuân Ngọc trở về với đời thường. Nhờ có nghị lực và chịu khó làm ăn, ông đã nhanh chóng trở thành một “nông dân sản xuất giỏi” và là một cán bộ cơ sở tích cực tham gia mọi hoạt động xã hội tại địa phương. 
 
Trước năm 2008, Chi hội CCB thôn Đồng Lạc 4 (xã Đinh Lạc) là một tập thể hoạt động từ yếu đến trung bình. Sau khi CCB Nguyễn Xuân Ngọc được giao nhiệm vụ làm chi hội trưởng, ông đã tìm mọi giải pháp củng cố, xây dựng để chi hội thành một tập thể vững mạnh nhiều năm liền. Ngoài ra, với vai trò Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông còn góp phần xây dựng thôn Đồng Lạc 4 thành “lá cờ đầu” của xã. Thành tích nổi bật của thôn là huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Mới đây, ông đã góp sức vận động nhân dân đóng góp 486 triệu đồng để làm 2,4km đường đá cấp phối vào khu sản xuất; vận động nhân dân đóng góp “đối ứng” 823 triệu đồng để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước (dân 30%, Nhà nước 70%) thực hiện “bê tông hóa” tuyến đường xuyên suốt thôn dài 4,2km… 
 
Riêng bản thân mình, ông là một nông dân rất “đa hệ”. Buổi đầu còn khó, ông làm đủ “nghề” (canh tác 3ha cà phê, trồng nấm mèo, chăn nuôi, làm dịch vụ tưới nước chống hạn và xay cà phê…), thu nhập hàng năm được vài trăm triệu đồng. Từ khi qua tuổi 60, ông giảm bớt cường độ lao động, chia bớt công việc cho các con. Hiện tại, hai vợ chồng “già” chỉ còn 1,6ha cà phê. Toàn bộ diện tích này đã được chuyển sang cà phê giống mới (TS4), bước đầu đã cho năng suất 4 - 4,5 tấn/ha. Từ vườn cà phê giống mới, ông đã nhân giống và cung cấp cho bà con 3,5 ngàn mầm (mắt) để ghép. Ngoài ra, ông đã hỗ trợ cho hộ nghèo vay (không tính lãi) 105 triệu đồng để giúp họ có vốn làm ăn. 
 
CCB Nguyễn Như Thảo (xã Hòa Ninh):
 
Thôn 14 (xã Hòa Ninh) - nơi ông sinh sống, là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Với vai trò là một CCB làm công an viên kiêm Phó thôn, CCB Nguyễn Như Thảo cùng với lực lượng dân phòng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ an ninh trật tự ở thôn xóm. Ông trực tiếp chỉ huy mai phục, tuần tra và đã phát hiện, bắt giữ, chuyển giao cho công an 5 đối tượng phạm pháp; trong đó, có 1 đối tượng có lệnh truy nã và 2 đối tượng mua bán ma túy. Những hành vi của thanh niên, học sinh ở địa phương như trộm cắp, quậy phá, đánh lộn… gây mất trật tự, CCB Nguyễn Như Thảo đều kịp thời có mặt để xử lý, uốn nắn, giáo dục. Nhờ vậy, thôn 14 đã trở thành “điểm sáng” về an ninh trật tự.
 
Với bản chất là người lính Cụ Hồ, CCB Nguyễn Như Thảo chí cốt làm ăn và làm đâu, chắc đó. Từ khi về với đời thường, ông trồng được 2ha cà phê. Dần dần tích lũy được vốn, năm 1999, ông mua sắm 3 máy đào để làm dịch vụ san, lấp đất. Hàng năm, ông thu nhập được từ 700 - 800 triệu đồng. 
 
CCB Nguyễn Như Thảo đã bước vào tuổi 60, nhưng ông vẫn say sưa, miệt mài với công việc xã hội ở địa phương. “Ông Thảo là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào của Hội, là một CCB, công an viên đi đầu trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. CCB Nguyễn Hải Dương - Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Ninh, nhận xét.
 
CCB Nguyễn Thị Chanh (xã Hòa Nam): 
 
Tham gia thanh niên xung phong năm 1964, khi vừa mới 17 tuổi, lúc bấy giờ CCB Nguyễn Thị Chanh được điều động về Sư đoàn 559, hoạt động ở Lai Châu và chiến trường Lào. Sau hơn 10 năm tham gia công tác tại chiến trường, năm 1976, CCB Nguyễn Thị Chanh được xuất ngũ trở về địa phương làm ăn; sau đó, vào xã Hòa Nam (huyện Di Linh) lập nghiệp. 
 
Tuy cuộc sống gia đình chỉ ở mức trung bình, nhưng CCB Nguyễn Thị Chanh rất tích cực tham gia công tác và các hoạt động xã hội tại địa phương. Bà đã giữ các chức vụ như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chủ tịch UBMTTQ xã, Đại biểu HĐND xã Hòa Nam… Hiện nay, đã ở tuổi nghỉ hưu, nhưng CCB Nguyễn Thị Chanh vẫn nhiệt tình, năng nổ, phát huy được bản chất của người lính Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào của Hội CCB và các phong trào khác ở địa phương, luôn là một CCB gương mẫu. 
 
 
 
 
 
 
CCB Đặng Trung Nguyện (xã Hòa Bắc):
 
Quê ở Trực Ninh (Nam Định), tham gia bộ đội từ năm 1972 (hoạt động ở chiến trường B, đường 9 Nam Lào), đến cuối năm 1975, CCB Đặng Trung Nguyện được xuất ngũ. Sau đó, ông vào lập nghiệp tại thôn 17 (xã Hòa Bắc, huyện Di Linh). 
 
Tại quê mới, ông chịu khó làm ăn, nên cuộc sống sớm được ổn định. Từ 2,7ha cà phê, hàng năm, gia đình ông có nguồn thu trên dưới 10 tấn cà phê nhân. Ông tâm sự: “Là một hội viên CCB, tôi phải tự tu dưỡng và rèn luyện mình để giữ vững bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ; phải có trách nhiệm với cộng đồng và luôn mẫu mực để làm gương cho thế hệ con cháu”. Cũng chính từ suy nghĩ đó, nên ông đã không ngần ngại khi hiến 500m2 đất (đã trồng cà phê) để xây dựng hội trường thôn. Ngoài ra, ông còn ủng hộ thôn 17 thêm 5 bộ bàn ghế (trị giá 5,5 triệu đồng); tích cực tham gia đóng góp Quỹ ủng hộ Trường Sa và các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo khác tại địa phương.
 



XUÂN LONG