Hiệu quả từ các công trình nước sinh hoạt ở Phước Lộc

08:09, 10/09/2014

Từ nguồn vốn lồng ghép của nhiều chương trình và dự án, các xã đồng bào DTTS ở huyện Đạ Huoai được Nhà nước đầu tư hơn chục tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt. Các công trình đã phát huy hiệu quả, phục vụ đời sống của người dân.

Từ nguồn vốn lồng ghép của nhiều chương trình và dự án, các xã đồng bào DTTS ở huyện Đạ Huoai được Nhà nước đầu tư hơn chục tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt. Các công trình đã phát huy hiệu quả, phục vụ đời sống của người dân.
 
Nước sinh hoạt đã về với từng gia đình ở Phước Lộc
Nước sinh hoạt đã về với từng gia đình
ở Phước Lộc
Phước Lộc là xã thực hiện việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt đạt hiệu quả nhất tại Đạ Huoai. Từ năm 2007 đến nay, bằng nguồn vốn của Chương trình 134 của Chính phủ cộng với nguồn vốn lồng ghép của huyện và các dự án khác, xã Phước Lộc được đầu tư kinh phí gần 7 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 6 công trình cấp nước sinh hoạt; trong đó, có 4 công trình giếng khoan và 2 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, phục vụ cho khoảng 600 hộ dân trên địa bàn xã. Là một xã vùng sâu, vùng xa, với địa hình khá phức tạp, dân cư sống rải rác, nên việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, nhân dân trong xã chủ yếu sử dụng nước giếng đào. Nhưng mỗi khi bước sang mùa mưa, nguồn nước đục ngầu, không đảm bảo vệ sinh và gây không ít khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày của bà con.
 
Ông K’Jốk, thôn Phước An, cho biết: “Những năm trước đây, người dân chúng tôi toàn sử dụng nước giếng tự đào. Mùa khô nước trong mát, nhưng mùa mưa nước bị đục. Vì thiếu nguồn nước, nên bà con chúng tôi buộc phải sử dụng nguồn nước giếng đó. Hiện nay, đã có công trình cấp nước do Nhà nước đầu tư, nên bà con yên tâm hơn, vì đã có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh để dùng”.
 
Cùng chung tâm trạng của bà con thôn Phước An, người dân ở thôn Phước Bình cũng rất trăn trở khi mùa mưa đến. Nỗi trăn trở, âu lo đó của bà con được “xóa” đi khi các công trình cấp nước sinh hoạt của Nhà nước đã lần lượt về với buôn làng. “Khi nguồn nước hợp vệ sinh đã về tới tận nhà, chúng tôi rất phấn khởi. Từ nay, bà con chúng tôi không chỉ có nước hợp vệ sinh để dùng hàng ngày, mà còn thuận lợi hơn trong việc phục vụ sản xuất. Khi chính quyền địa phương vận động đóng tiền để có kinh phí vận hành và bảo trì, chúng tôi sẵn sàng đóng góp” - chị Ka Nền, thôn Phước Bình hồ hởi chia sẻ. Niềm vui của gia đình ông K’Jốk, chị Ka Nền cũng chính là niềm vui chung của bà con các DTTS ở các thôn trên địa bàn xã Phước Lộc.
 
Ông Nguyễn Văn Trinh, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: “Để các công trình cấp nước sinh hoạt phát huy hiệu quả, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con ký cam kết bảo vệ công trình khi có những sự cố hỏng hóc trong mỗi gia đình, bà con tự khắc phục sửa chữa. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, thông qua các buổi họp dân, hội nghị, kể cả bằng loa truyền thanh, để bà con nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Đồng thời, chúng tôi xây dựng qui chế vận hành, duy tu, bảo dưỡng để bà con có nghĩa vụ đóng góp kinh phí và cùng tham gia quản lý, bảo quản tốt công trình. Nếu duy trì tốt các công trình này, thì đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 6 thôn, với 647 hộ (đồng bào DTTS chiếm 85%)”.
 
Hiện nay, các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã Phước Lộc đã phát huy được hiệu quả. Hầu hết người dân ở 6 thôn của xã Phước Lộc đều sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ những công trình này; qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trong xã.
 
NDONG BRỪM